02/10/2019 12:18 GMT+7

'Tay làm hàm nhai', phải làm thêm mới đủ sống?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Các ý kiến tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội vẫn cho thấy sự khác biệt về quan điểm đối với quy định về giờ làm việc và giờ làm thêm tối đa.

Tay làm hàm nhai, phải làm thêm mới đủ sống? - Ảnh 1.

Quy định về khung giờ làm thêm tối đa vẫn còn các quan điểm khác nhau - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng 2-10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Không ai muốn làm thêm giờ

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi, với nội dung tăng khung giờ làm thêm tối đa, qua lấy ý kiến thì đa số không đồng tình tăng thời giờ làm thêm so với quy định hiện hành là tối đa 300 giờ/năm.

Nhưng một số cơ quan của Chính phủ, một số hiệp hội vẫn mong muốn mở rộng khung giờ làm thêm đối với một số ít ngành nghề thực sự cần thiết. Vì vậy, cơ quan thẩm tra vẫn tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án: Một là giữ nguyên quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm; hai là nới khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm đối với một số ngành nghề đặc biệt.

"Tôi thấy người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cũng từ làm thêm. Việc tăng giờ làm thêm không chỉ là nguyện vọng của chủ sử dụng lao động mà còn là nhu cầu của người lao động bởi họ cần tăng thu nhập", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu.

Ông Phương không đồng tình với giải thích do khoa học kỹ thuật tiến bộ, công nghệ cao, tay nghề người lao động ngày càng tốt thì không cần phải tăng giờ làm thêm. "Tôi lại nghĩ rằng khi khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất, giúp giảm sức lao động, thì người lao động càng có điều kiện làm thêm giờ", ông nói.

Đại biểu Quảng Bình đề nghị quy định cụ thể: các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại thì không cho phép tăng giờ làm thêm, những ngành nghề thâm dụng lao động thì có thể tăng giờ làm thêm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng "nói không cho phép tăng giờ làm thêm để doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động là chưa thuyết phục, bởi nhiều doanh nghiệp chỉ cần huy động công nhân việc làm tập trung vào thời vụ chứ không có nhu cầu tăng lao động quanh năm".

"Lao động độ tuổi 18-30 cũng có nhu cầu làm thêm để thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ở độ tuổi này họ tái tạo sức lao động rất nhanh chứ không như những người 4-5 chục tuổi đang ngồi thảo luận dự án luật này", đại biểu Sơn thẳng thắn.

Đại biểu Bùi Văn Cường (bí thư Tỉnh uỷ Đăk Lăk, nguyên chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phản biện: "Xu hướng tiến bộ trên thế giới không tăng giờ làm thêm". Không những đề nghị giữ nguyên quy định giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện tại, ông Cường còn kiến nghị tính đến phương án tiền công tăng luỹ tiến để hạn chế việc doanh nghiệp lạm dụng.

"Không ai muốn làm thêm giờ. Chúng ta đang ngồi họp ở đây đúng giờ là 11h30 thì nghỉ, nhưng nếu người chủ trì đề nghị chúng ta phải làm việc đến 12h30 thì chắc không ai muốn ngồi họp đến giờ đó", ông Cường bày tỏ.

Tay làm hàm nhai, phải làm thêm mới đủ sống? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn khẳng định một bộ phận người lao động có nhu cầu làm thêm - Ảnh: LÊ KIÊN

Bất bình đẳng giữa khu vực hành chính và doanh nghiệp

Cũng theo ông Cường, hiện đang có bất cập là khu vực hành chính sự nghiệp làm 40 giờ mỗi tuần, trong khi khu vực doanh nghiệp làm 48 giờ/tuần. "Đề nghị suy nghĩ vấn đề này, trước mắt cần quy định khu vực doanh nghiệp làm việc 44 giờ/ tuần, tức là để người lao động nghỉ làm chiều thứ 7 để chăm sóc gia đình", ông Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng đề nghị giảm từ 48 xuống 44 hoặc 40 giờ một tuần để "người lao động bình đẳng như cán bộ công chức nhà nước". "Nếu giảm giờ lao động cho tất cả, tạo bình đẳng, thì chúng ta có thể tăng giờ làm thêm", đại biểu cũng là bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn nói.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) lại khẳng định nên giữ quy định thời gian lao động 48 giờ/tuần: "Tôi cũng đi gặp người lao động, họ nói rằng với họ thì tay làm hàm nhai, nghỉ làm việc là hết tiền, nghỉ nhiều thì tiền công không đảm bảo cuộc sống".

Nêu tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang khó khăn, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh yếu, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng hiện không phải thời điểm thích hợp để bàn chuyện giảm giờ làm.

Người lao động được thành lập tổ chức đại diện tại cơ sở

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quy định cho phép thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở, có thể hoạt động độc lập so với tổ chức công đoàn.

Ông Bùi Sĩ Lợi cho biết đây là cam kết quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện. Dự thảo luật đã quy định rõ rằng tổ chức đại diện cho người lao động hoạt động theo nguyên tắc chỉ được bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp đó và giao cho Chính phủ ban hành nghị định quy định hoạt động này để đảm bảo tính chặt chẽ.

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm

TTO - ‘Về cơ bản sẽ không tăng thời gian làm thêm, và cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần, vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần’.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên