Đại biểu Bùi Sĩ Lợi nói rằng ông day dứt trước câu chuyện cô công nhân xanh xao đề nghị được làm thêm giờ để trang trải cuộc sống - Ảnh: LÊ KIÊN
Chiều 6-8, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp để cho ý kiến về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
Sau khi Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vừa rồi, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với cơ quan thẩm tra để chỉnh lý, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới.
"Tại Bình Dương, tôi rất cảm động khi một cô công nhân người xanh xao đề nghị cho làm thêm giờ vì nếu không sẽ không có tiền ăn, không có tiền nuôi con, nên sẽ làm đến lúc không còn làm được nữa. Nhưng cô ấy cũng lo lắng làm thêm giờ như vậy sức khỏe ảnh hưởng, lúc ốm đau thì tiền đâu chữa bệnh" - ông Bùi Sĩ Lợi kể lại.
Chẳng lẽ lại làm đến chết?
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng lên tiếng: "Chúng ta phải xem lại tiền lương cơ bản đã đủ nuôi sống gia đình của người công nhân chưa? Người lao động xanh xao như vậy chẳng lẽ lại làm đến chết thì thôi à? Đừng để người lao động bị vắt kiệt sức như thế".
Theo ông Hùng, thực tế này cho thấy chính sách tiền lương đang có vấn đề.
Bày tỏ quan điểm của mình, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho rằng quy định hiện hành về giờ làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm là phù hợp. Ông Chu đề nghị trong lần sửa đổi này, cần phải bàn sâu về vấn đề tiền lương quy định trong Bộ luật lao động.
"Nói đến tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm mà vấn đề lương lại im re thì không được. Cần phải đề cập đến tiền lương và nhấn mạnh đây là chính sách cơ bản, bảo đảm cho người lao động có thu nhập, nâng cao mức sống, tái sản xuất sức lao động, nâng cao cuộc sống" - ông Chu nói.
Trao đổi lại, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết dự thảo Bộ luật lao động trình Quốc hội đã được Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quy định về tiền lương, theo đúng chủ trương các nghị quyết của trung ương đã ban hành.
Theo đó, dự thảo luật đã làm rõ hơn khái niệm tiền lương, thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ "nhu cầu sống tối thiểu" sang "mức sống tổi thiểu".
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, chính sách tiền lương hiện nay đang "có vấn đề" - Ảnh: Quochoi.vn
"Sĩ quan nghỉ hưu tuổi 50 sung sức"
Đối với quy định tăng tuổi hưu, các đại biểu cơ bản tán thành về chủ trương nhưng đề nghị phải quy định thật cụ thể với từng loại nghề nghiệp, phù hợp với môi trường lao động.
"Có những ngành nghề không phải chỉ được quyền giảm 5 năm, mà có thể giảm tới 10 năm so với tuổi hưu chung. Ví dụ với ngành than, lao động không thể vượt quá 50 tuổi được. Kể cả trong lĩnh vực giáo dục, y tế và một số lĩnh vực công cũng không thể làm được" - ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Ông Giàng A Chu thì đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo tính tương đồng của Bộ luật lao động với các luật khác.
Ông dẫn chứng: "Sĩ quan hơn 50 tuổi đã được nghỉ hưu nhưng sĩ quan 50 tuổi thì còn vẫn đang sung sức, khỏe mạnh. Như vậy, tuổi nghỉ hưu giữa lao động bình thường với lực lượng vũ trang chưa đồng nhất.
Dù có những tính chất, đặc thù khác nhau nhưng vẫn có sự chênh lệch rất xa nên cần phải nghiên cứu, quy định cho phù hợp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận