Đưa 24 người dân Đà Nẵng đi tẩy độc dioxinCú sốc dioxin
Phóng to |
Các chuyên gia xử lý môi trường của Mỹ tham gia dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: Minh Hiền |
Song trao đổi với Tuổi Trẻ, Thiếu tướng PGS.TS Hoàng Mạnh An, giám đốc Bệnh viện 103, khẳng định cần thêm nghiên cứu khoa học.
Chưa có được thông số cần thiết
"Với 300 người, trong đó có 22 nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình, được tẩy độc bằng phương pháp Hubbard, kết quả sau tẩy độc đều tốt xét ở việc bệnh nhân ăn ngủ được, sức khỏe cải thiện, một số không còn thấy sự xuất hiện của bệnh mãn tính như trước điều trị. Phương pháp này là tẩy độc nói chung, chưa tính cụ thể về tẩy độc dioxin" |
Thiếu tướng An cho biết: sau thảm họa Chernobyl (Ukraine) năm 1986, phương pháp tẩy độc Hubbard được ứng dụng và đạt thành công trong việc giải quyết hậu quả cho các nạn nhân bị nhiễm độc. Sau này, nhiều nước ứng dụng phương pháp này trong việc tẩy độc cho các nạn nhân bị nhiễm hóa chất trong chiến tranh, tai nạn lao động...
Ở VN, Hubbard được đưa vào thực hiện ở Trung tâm Tẩy độc Thái Bình từ năm 2011, ứng dụng trên 22 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam - dioxin và đã đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả ghi nhận trên các nạn nhân này chỉ tính ở mức độ phục hồi sức khỏe, chưa có được thông số cần thiết về mặt khoa học để có thể kết luận toàn diện về hiệu quả của phương pháp này trên nạn nhân bị nhiễm dioxin.
Bệnh viện 103 đưa phương pháp Hubbard vào điều trị nhằm hướng đến việc có thể đưa ra kết luận toàn diện về hiệu quả của phương pháp này trên những nạn nhân dioxin và là cơ sở triển khai điều trị đại trà.
Người dân cần bình tĩnh
Đó là ý kiến của ThS Trần Thị Tuyết Hạnh, nghiên cứu viên chính Chương trình giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm, Hội Y tế công cộng VN. Bà Hạnh cho rằng không nên quá lo lắng trước thông tin mẫu máu của 62 người dân tại Đà Nẵng được chọn ngẫu nhiên khảo sát nồng độ dioxin đều nhiễm chất độc này, vì ngay cả mẫu máu của những người không sống tại điểm nóng dioxin vẫn có một hàm lượng dioxin nhất định.
Hiện chưa có đánh giá tổng thể ảnh hưởng sức khỏe và gánh nặng bệnh tật do dioxin của người dân sống tại các khu vực điểm nóng dioxin. Tuy nhiên theo quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì có 17 bệnh tật được cho là có liên quan với phơi nhiễm dioxin, trong đó có các bệnh tật nguy hiểm như một số loại ung thư, bất thường sinh sản, dị tật bẩm sinh, tiểu đường type 2... |
Trên thế giới chưa có những chương trình hiệu quả để giảm nhanh nồng độ dioxin trong cơ thể người. Cơ thể đào thải dioxin nhờ quá trình chuyển hóa dioxin ở trong gan thành các chất dễ tan trong nước và ít độc hại hơn. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm và do đó dioxin thường tích tụ lại trong cơ thể một thời gian dài. Kết quả một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy thời gian để phân hủy một nửa lượng dioxin trong cơ thể người khoảng 5,8- 14,1 năm (trung bình khoảng 7,5 năm).
Cùng một liều phơi nhiễm thì những người mập thường tích tụ nhiều dioxin trong cơ thể và đào thải chậm hơn những người gầy. Những người nhiễm dioxin ở mức nặng có thể dùng olestra, một loại chất béo bổ sung, khi ăn vào không bị hấp thụ qua đường ruột giúp đào thải dioxin qua phân diễn ra nhanh hơn. Một loại thuốc có tên Colestimide, là thuốc làm giảm lượng cholesterol, cũng có tác dụng giảm lượng dioxin trong máu. Tuy nhiên đến nay ở VN chưa thấy đề cập đến ứng dụng này. Kết quả của phương pháp Hubbard được sử dụng gần đây về tẩy độc dioxin cần thêm chứng minh khoa học.
Nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng trên thế giới, mức độ tích tụ dioxin trong cơ thể từ 10ppt (pg/g, 1pg tương đương 1 phần nghìn tỉ g) hay cao hơn được xem là bất bình thường và có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Dioxin được xếp vào chất ung thư nhóm 1 - nghĩa là chất gây ung thư ở người. Theo kết quả một nghiên cứu được công bố, nồng độ dioxin trung bình trong mẫu máu của hơn 40 người dân sống ở xung quanh sân bay Biên Hòa, Đồng Nai (những người có nguy cơ cao phơi nhiễm dioxin do sống trên khu vực đất ô nhiễm và tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là cá tôm đánh bắt ở các hồ ô nhiễm dioxin trong và xung quanh sân bay) là 28ppt, trong khi nồng độ trung bình 32 mẫu máu của người Hà Nội là 2,2ppt.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người nhiễm dioxin đều bị ung thư, dị tật hay các biểu hiện lâm sàng khác. Bị ung thư hay các bệnh khác phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó phơi nhiễm với dioxin ở mức cao là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị ung thư, chứ không phải là yếu tố quyết định chắc chắn 100% rằng một người sẽ bị ung thư.
Nguy cơ cao từ thực phẩm nhiễm bẩn dioxin
Cũng theo bà Hạnh, người dân sống ở khu vực điểm nóng dioxin, ví dụ tại các phường xung quanh sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa nhưng không tiêu thụ các thực phẩm nguy cơ cao nhiễm dioxin ở trong và xung quanh sân bay thì nguy cơ bị nhiễm dioxin sẽ thấp hơn nhiều, do ước tính khoảng 90% dioxin trong cơ thể con người là vì tiêu thụ thực phẩm nhiễm bẩn dioxin.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây muốn xác định nồng độ dioxin trong máu hoặc sữa thường phải gửi mẫu đi Mỹ, Canada hoặc Đức để phân tích với chi phí 1.000-1.500 USD/mẫu. Hiện nay labo dioxin ở Bộ Tài nguyên - môi trường đã phân tích được nồng độ dioxin trong các mẫu đất, bùn và không khí, còn một labo ở TP.HCM đã quảng cáo xác định được nồng độ dioxin trong máu và sữa người, với chi phí khoảng 8 triệu đồng/mẫu.
Hỗ trợ 24 nạn nhân dioxin đi tẩy độc Sáng 5-9, ông Nguyễn Xuân Anh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - và Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đã tổ chức cuộc gặp gỡ, động viên và tặng quà 24 nạn nhân nhiễm chất độc dioxin trước khi lên đường đi Hà Nội chữa trị. Tại buổi gặp gỡ, mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng cùng phần quà trị giá 100.000 đồng. Theo bà Nguyễn Thị Hiền - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 24 nạn nhân sẽ được hỗ trợ mọi chi phí đi lại, ăn ở và điều trị tẩy độc trong một tháng tại Bệnh viện Quân y 103 bằng phương pháp Hubbard. Dự kiến đợt điều trị thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 10. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận