16/09/2010 07:22 GMT+7

Taxi sụp hố: ai chịu trách nhiệm?

N.ẨN - N.HẬU
N.ẨN - N.HẬU

TT - Sự kiện chiếc taxi bị sụp “hố tử thần” tại TP.HCM chiều 14-9 đã đẩy sự bức xúc của người dân đối với sự tắc trách của đơn vị thi công các “lô cốt” lên đến đỉnh điểm. Ai bồi thường? Dân có thể kiện ai?

HwilQ0QG.jpgPhóng to

Hố sâu rộng hơn 3m xuất hiện tại ngã tư Phú Nhuận (giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu - Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong cơn mưa chiều 1-8, ngay trên vị trí do nhà thầu Tổng công ty Xây dựng số 1 vừa tái lập mặt đường - Ảnh: N.Triều

Taxi lọt "hố trâu"Cần xử lý nghiêm khắcLỗ tử thần

Theo ông Phan Châu Thuận - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, nguyên nhân xảy ra lún sụt tại hẻm 386 Lê Văn Sĩ là do đấu nối tuyến cống nhánh có đường kính 800mm từ hố ga nhánh tại đầu ga và hố ga chính (ở giữa đường Lê Văn Sĩ, nhà thầu liên danh Dreco - Cienco 5) đã gặp đường ống cấp nước đường kính 300mm và cáp ngầm của Công ty điện thoại Đông TP.HCM.

Vì vậy, nhà thầu đã cho tái lập tạm để đảm bảo giao thông và chờ phương án xử lý. Tuy nhiên, lúc 16g50 ngày 14-9 do mưa to nên lượng nước chảy vào vị trí lấp tạm làm cuốn trôi đất đá vào lòng cống hộp nên tạo ra khoảng rỗng lớn khiến taxi bị sụp.

EM6d1Hjh.jpgPhóng to
Hiện trường vụ taxi lọt xuống hố chiều 14-9 trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Nhà thầu bồi thường

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: tại sao dư luận báo chí đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ sụp hố nhưng ban quản lý dự án vẫn để xảy ra, ông Thuận nói do nhà thầu chủ quan lấp tạm mặt đường, nếu nhà thầu đã tái lập mặt đường hoàn chỉnh mà để xảy ra sự việc trên mới bị xử lý thích đáng. Theo ông Thuận, ban quản lý dự án sẽ rút kinh nghiệm và yêu cầu tư vấn CDM tăng cường giám sát.

Như vậy ai chịu trách nhiệm khi taxi sụp hố? Ông Thuận nói theo quy định, đây là trách nhiệm của nhà thầu nên nhà thầu phải bồi thường thiệt hại cho Hãng taxi Vinasun. Trong khi đó ông Tạ Long Hỷ - giám đốc điều hành Hãng xe Vinasun - cho biết kết quả kiểm tra taxi bị sụp hố đã xác định cản chắn trước xe bị hỏng hoàn toàn, hệ thống máy và điện bị hư hỏng, cộng với việc xe ngưng hoạt động trong một tuần sửa chữa thì tổng số tiền thiệt hại của Vinasun là 50 triệu đồng.

Cũng theo ông Hỷ, trong biên bản được thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM lập, nhà thầu đã nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho taxi bị hư hỏng. Như vậy, do có đơn vị nhận trách nhiệm bồi thường nên Vinasun không kiện Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường hoặc Sở Giao thông vận tải. Trường hợp nhà thầu thi công bồi thường không thỏa đáng thì Vinasun sẽ kiện nhà thầu ra tòa.

ihTG6itj.jpgPhóng to
Hiện trường chiếc taxi đâm xuống hố chiều 14-9 - Ảnh: MINH ĐỨC

Tái lập đường cẩu thả

Thời gian qua, Tuổi Trẻ đã thông tin nhiều địa điểm tái lập mặt đường cẩu thả và được khắc phục nhưng sau đó chỗ tái lập mới lại tiếp tục lún sụp.

Trở lại với “hố tử thần” mà chiếc taxi đã lọt xuống vào chiều 14-9, chúng tôi đã được nhiều người dân phản ảnh về việc đơn vị thi công quá tắc trách trong việc xử lý hố sụp lún này. Đây cũng chính là “hố trâu” xuất hiện sau cơn mưa mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh ngày 28-8.

Nhà ở ngay cạnh hiện trường và chứng kiến các lần sụp đường và tái lập hố này, ông Nguyễn Tôn Thành (ở 386 bis Lê Văn Sĩ, P.14, Q.3) cho biết: “Đơn vị thi công rất ẩu. Thậm chí sau sự cố chiếc taxi bị lọt xuống, mặc dù hố sụp có rất nhiều hàm ếch bên dưới nhưng đơn vị thi công cũng chỉ tái lập sơ sài bằng cát, đá. Họ không xây tường chắn hay làm bất cứ biện pháp kỹ thuật nào cho chắc chắn”.

Tại hố sụp ngay ngã tư Phú Nhuận, mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh hai lần (ngày 2-8 và 15-8), anh Lâm Minh Thi (chạy xe ôm) cũng khẳng định đã chứng kiến một lần đơn vị thi công tái lập cẩu thả tại ngã tư này. Đơn vị thi công thực hiện tái lập bằng cách trải vải và cho lấp cát đá xuống hố sụp.

Chính lần tái lập ẩu này mà ngày 14-8, sau cơn mưa, chỗ đã tái lập này lại bị sụp xuống một lỗ mới sâu hoắm. Và hiện nay nó cũng đã bắt đầu lún và có khả năng sụp bất cứ lúc nào.

Việc xuất hiện hố sâu trên đường có thể xác định là do hậu quả của việc đào đường. Chính vì vậy, cơ quan chủ quản của công trình này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân khi lưu thông trên đoạn đường đó.

Có thể việc tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng là do trách nhiệm của đơn vị thi công nhưng với tư cách là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư công trình thì Sở Giao thông vận tải vẫn phải chịu trách nhiệm.

Nếu nhà thầu thi công đã đứng ra nhận trách nhiệm và đồng ý bồi thường cho Công ty Vinasun thì hai bên có thể ký thỏa thuận thương lượng về khoản thiệt hại. Trường hợp không đồng ý với mức bồi thường của đơn vị thi công, Công ty Vinasun vẫn có quyền khởi kiện vụ án ra tòa để đòi bồi thường.

Trong trường hợp phải khởi kiện thì bị đơn sẽ được xác định là Sở Giao thông vận tải, còn đơn vị thi công, giám sát công trình sẽ được tòa đưa vào vụ án với tư cách đơn vị có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Cần kiện ra tòa

Theo tôi, cần thiết phải có cá nhân, tập thể khởi kiện vụ việc trên ra tòa. Mục đích là để làm rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan; đặc biệt để người dân được thể hiện, áp dụng quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà trong các chế tài pháp lý của Nhà nước đã có đầy đủ, chỉ chưa được áp dụng tốt thôi. Nếu làm được điều này, thiết nghĩ sẽ tạo được niềm tin của người dân và đặc biệt là việc chấp hành pháp luật của các đơn vị thi công, đơn vị quản lý nhà nước... ngày càng tốt hơn, tất nhiên chất lượng cuộc sống cũng sẽ tốt hơn. Đối tượng liên quan đứng ra khởi kiện trong sự vụ trên có thể là: tài xế, người dân sống tại đó, tổ dân phố, chính quyền phường xã, trường học...

Chế tài thật nặng

Ở nhiều nước trên thế giới, các đơn vị thi công thường phải rào chắn rất cẩn thận, dọn vệ sinh ngay khu vực thi công và luôn có người túc trực, mang biển báo hiệu công trình thi công hoặc trả lại hiện trạng của nơi thi công để không làm ảnh hưởng đến người khác. Nếu gây ra tai nạn cho những người xung quanh thì có lẽ các đơn vị thi công chỉ có nước phá sản. Chưa nói đến nếu gây ra chết người thì đơn vị thi công sẽ bị truy cứu trách nhiệm rất khắt khe.

Trong khi đó ở Việt Nam, báo chí vẫn thường xuyên đưa tin các vụ tai nạn thương tâm gây ra bởi những hố voi, ổ gà... mà hậu quả là do các đơn vị thi công không có các hướng dẫn cụ thể cho người đi đường, không rào chắn kỹ càng. Nếu có gây ra chết người thì vẫn thường thấy là đi phúng viếng, tặng gia quyến nạn nhân một số tiền nho nhỏ gọi là chia sẻ nỗi đau... nghe sao mà chua xót, mạng người sao mà rẻ rúng quá vậy.

Thiết nghĩ nên có những chế tài thật nặng đối với những đơn vị thi công bất cẩn, cẩu thả để gây ra tai nạn cho người dân, đặc biệt là gây ra chết người. Tôi tin nếu có những chế tài khắt khe thì chắc chắn các đơn vị thi công sẽ phải tuân thủ chặt chẽ, do đó cuộc sống của người dân cũng bớt đi một phần lo âu, phiền toái.

Cần có trách nhiệm hơn nữa

Tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh taxi sụp bẫy chiều 14-9, đây phải gọi là “cái bẫy” là chính xác nhất, may là không có sự cố về người. Nhưng điều tôi thắc mắc là tại sao không thấy đơn vị chức năng nào xuất hiện trong lúc đó? Rất nhiều “lô cốt” thi công và tái lập cẩu thả hiện diện trên đường như báo chí thời gian qua đã phản ánh, nhưng rồi tôi thấy vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Các cơ quan chức năng cần làm việc có trách nhiệm hơn nữa, đừng vô tâm coi thường tính mạng con người.

Xem thêm: TPHCM: "lỗ đen" trên đường “nuốt chửng” đầu xe tảI!Xuất hiện hố sâu rộng hơn 3 mét giữa ngã tư Phú Nhuận

N.ẨN - N.HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên