11/12/2022 12:25 GMT+7

Tàu vũ trụ Orion thám hiểm Mặt trăng sẽ trở về Trái đất nửa đêm nay

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Sau khi thực hiện chuyến bay gần đến Mặt trăng và đi vào không gian xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ con thoi nào trước đây, nửa đêm nay 11-12, tàu vũ trụ Orion của NASA sẽ đáp xuống Trái đất.

Tàu vũ trụ Orion thám hiểm Mặt trăng sẽ trở về Trái đất nửa đêm nay - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Orion không người lái của NASA đang quay trở lại Trái đất. Đây là hình ảnh Orion chụp Trái đất và Mặt trăng vào ngày 28-11-2022 từ camera gắn trên một trong các cánh tàu - Ảnh: NASA

Thành công của NASA

Con tàu sẽ lao vào bầu khí quyển Trái đất với tốc độ 40.000km/giờ và phải chịu được nhiệt độ 2.800 độ C bên ngoài thân tàu. Nó sẽ rơi xuống Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo Guadalupe của Mexico lúc 0h39 ngày 12-12 (giờ Việt Nam, 9h39 giờ địa phương).

Theo Hãng tin AFP, đạt được thành công trong sứ mệnh kéo dài hơn 25 ngày vừa qua rất có ý nghĩa với NASA, khi cơ quan này đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào chương trình Artemis nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng và chuẩn bị cho chuyến đi đến Sao Hỏa trong tương lai.

Cho đến nay, cuộc thử nghiệm đầu tiên của tàu Orion đã diễn ra rất tốt đẹp.

Thách thức còn lại sẽ xảy ra trong những phút cuối của hành trình. Khi lao vào khí quyển Trái đất, tấm chắn nhiệt của tàu Orion, con tàu lớn nhất từng được chế tạo, sẽ phải chịu được mức nhiệt độ bằng nửa nhiệt độ bề mặt Mặt trời và phải vượt qua thử thách này.

Ông Mike Sarafin, giám đốc sứ mệnh Artemis, cho biết: "Tấm chắn nhiệt là một thiết bị quan trọng về an toàn. Nó được thiết kế để bảo vệ con tàu và các phi hành gia. Vì vậy, tấm chắn nhiệt cần phải có hiệu quả".

Ly kỳ chuyện thu hồi tàu Orion

Theo NASA, khi lao về Trái đất, tàu Orion sẽ bị giảm tốc độ bởi khí quyển Trái đất và sau đó, một loạt dù được bung ra để tốc độ rơi của tàu chậm dần đến tốc độ 11km/h trước khi nó hạ cánh trong tầm quan sát của tàu thu hồi.

Sau khi Orion rơi xuống biển, NASA sẽ để con tàu trôi nổi trên biển trong hai giờ - lâu hơn rất nhiều so với thời gian khi có phi hành gia bên trong - để thu thập dữ liệu.

NASA phối hợp với Hải quân Mỹ để thu hồi tàu Orion trên đại dương. Các thợ lặn sẽ tiếp cận để gắn dây cáp vào Orion trước khi nó được cẩu lên tàu tuần dương USS Portland.

Phía Hải quân Mỹ đã sẵn sàng thu hồi tàu Orion và đã phối hợp tập dượt với NASA trong hoạt động thu hồi, bao gồm nâng khoang tàu Orion lên từ biển và kéo nó lên tàu tuần dương USS Portland bằng tời kéo.

Trực thăng và các tàu phao cũng sẽ được triển khai trong nhiệm vụ thu hồi tàu Orion.

Sau khi trục vớt xong, tàu USS Portland sẽ đưa Orion về cập cảng ở căn cứ hải quân San Diego.

Quá trình thu hồi sẽ diễn ra trong vòng 4-6 giờ sau khi tàu Orion rơi xuống biển.

Tính đến lúc trở lại Trái đất, tàu vũ trụ Orion đã đi được hơn 2,5 triệu km, kể từ khi nó cất cánh vào ngày 16-11 với sự trợ giúp của một tên lửa khổng lồ có tên là SLS.

Tàu vũ trụ Orion thám hiểm Mặt trăng sẽ trở về Trái đất nửa đêm nay - Ảnh 2.

Tên lửa SLS mang theo tàu vũ trụ Orion cất cánh từ tổ hợp phóng 39-B tại Cape Canaveral, Florida, Mỹ ngày 16-11-2022 - Ảnh: REUTERS

Vị trí bay gần Mặt trăng nhất của con tàu là cách Mặt trăng 130km. Tàu Orion đã phá vỡ kỷ lục về khoảng cách với Trái đất mà một tàu vũ trụ viên nang có thể chở người từng đạt được. Khoảng cách của con tàu với Trái đất là 432.000km.

Việc thu hồi con tàu sẽ giúp NASA thu thập dữ liệu quan trọng cho các nhiệm vụ trong tương lai như thông tin về tình trạng tàu sau chuyến bay, dữ liệu từ màn hình đo gia tốc và độ rung, hiệu quả của chiếc áo vest đặc biệt mặc trên người nộm trong viên nang để kiểm tra khả năng bảo vệ phi hành gia khỏi bức xạ khi bay trong không gian.

Những thành phần còn tốt của viên nang sẽ được tái sử dụng trong nhiệm vụ Artemis 2, hiện đã ở giai đoạn lập kế hoạch chi tiết.

Nhiệm vụ kế tiếp, dự kiến diễn ra vào năm 2024, sẽ đưa một phi hành đoàn tới Mặt trăng nhưng vẫn không hạ cánh xuống Mặt trăng. NASA dự kiến ​​sẽ sớm công bố tên các phi hành gia được chọn cho chuyến bay này.

Sứ mệnh Artemis 3, dự kiến sẽ diễn ra ​​vào năm 2025 và hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, nơi có nước ở dạng băng.

Cho đến nay, theo AFP, chỉ có 12 người - tất cả đều là đàn ông da trắng - đã đặt chân lên Mặt trăng trong các sứ mệnh Apollo, diễn ra lần cuối cùng là vào năm 1972.

Sứ mệnh Artemis dự kiến sẽ có một phi hành gia là phụ nữ và một phi hành gia người da màu đầu tiên lên Mặt trăng bên cạnh những người khác.

Mục tiêu của NASA là thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng, với một căn cứ trên bề mặt Mặt trăng và một trạm vũ trụ quay quanh nó.

Việc con người học cách sống trên Mặt trăng sẽ giúp các kỹ sư phát triển công nghệ cho chuyến đi kéo dài nhiều năm tới sao Hỏa, có thể vào cuối những năm 2030.

Tàu vũ trụ Orion của NASA bay vào quỹ đạo Mặt trăng Tàu vũ trụ Orion của NASA bay vào quỹ đạo Mặt trăng

TTO - Tàu vũ trụ Orion của NASA tối 21-11 đã bay vào quỹ đạo Mặt trăng, nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên