18/11/2022 05:51 GMT+7

Artemis và kỷ nguyên mới chinh phục không gian

PHẠM LÊ HÀ THU (NCS vật lý tại CERN)
PHẠM LÊ HÀ THU (NCS vật lý tại CERN)

TTO - Nếu vũ trụ là một đại dương bao la vô tận đầy bí ẩn thì Mặt trăng đã được chọn làm bến cảng để những con tàu Artemis neo đậu và từ đó dong buồm ra khơi.

Artemis và kỷ nguyên mới chinh phục không gian - Ảnh 1.

Tên lửa SLS của NASA mang theo tàu vũ trụ Orion phóng đi trong sứ mệnh Artemis 1 ngày 16-11-2022 tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ - Ảnh: NASA

Lúc 13h47 ngày 16-11 giờ Việt Nam, từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA, tàu vũ trụ không người lái Orion thuộc sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis I được phóng thành công lên không gian sau nhiều lần trì hoãn vì các sự cố kỹ thuật liên quan đến rò rỉ nhiên liệu và hai siêu bão đổ bộ vào bang Florida.

Sứ mệnh mang tên nữ thần

Sự kiện này mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên sau 49 năm, 10 tháng và 28 ngày kể từ sau Apollo 17 - chuyến thám hiểm cuối cùng, NASA mới trở lại thăm "chị Hằng". Hơn 9 tiếng sau khi cất cánh, Orion đã dừng ít phút để quan sát Trái đất ở khoảng cách gần 100.000km từ không gian, gấp đôi khoảng cách từ Trạm không gian vũ trụ ISS.

Những hình ảnh đầu tiên gửi từ Orion gợi nhớ khoảnh khắc "trái đất mọc" nổi tiếng từ sứ mệnh Apollo 8 đêm Giáng sinh năm 1968 mà nhân loại đã không được chứng kiến trong suốt nửa thế kỷ qua.

Artemis I là thử nghiệm tích hợp mới nhất nhằm cung cấp nền tảng hoạt động nghiên cứu, mở rộng và đảm bảo sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt trăng và ở ngoài không gian sâu.

Với Artemis I, tàu vũ trụ Orion được phóng trên tên lửa với năng lượng cao nhất thế giới, và thực hiện chuyến bay xa nhất mà chưa có bất cứ tàu vũ trụ chở theo người nào từng thực hiện - gần nửa triệu km từ Trái đất, quỹ đạo 70.000km vòng quanh Mặt trăng và trong thời gian từ 4-6 tuần.

Ông Mike Sarafin, giám đốc sứ mệnh Artemis I tại trụ sở NASA ở Washington, tuyên bố: "Artemis I sẽ làm được những gì chưa ai làm được và khám phá những điều chưa ai tìm ra. Đây là những bước đi tiên phong, phá vỡ những giới hạn chưa từng vượt qua".

Vì sao NASA trở lại Mặt trăng?

Là một kho báu của vật lý thiên văn, Mặt trăng tiềm ẩn những cơ hội để khám phá những điều bí ẩn, không chỉ của riêng nó, mà còn là nguồn gốc và lịch sử hình thành, phát triển của Trái đất và hệ Mặt trời.

NASA gửi vào sứ mệnh Artemis nhiều tham vọng: đưa các phi hành gia nữ và da màu đầu tiên lên Mặt trăng, xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng để phục vụ các mục đích nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp thương mại quốc tế thúc đẩy các chuỗi cung ứng, hậu cần từ Trái đất lên không gian.

Từ đó họ có thể theo đuổi mục tiêu xa hơn là đưa con người lên sao Hỏa. Sứ mệnh Artemis còn là công cụ để nước Mỹ thiết lập vai trò lãnh đạo và sự hiện diện mang tính chiến lược trên Mặt trăng, mở rộng tác động kinh tế của họ trên toàn cầu, đẩy mạnh quan hệ đối tác thương mại và quốc tế cho các chương trình không gian. Ngoài ra với sứ mệnh này, NASA cũng mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi các ngành khoa học và công nghệ.

"Hàng ngàn việc làm được tạo ra từ Artemis I hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho một nền kinh tế mới từ Mặt trăng. Trong tương lai hàng trăm ngàn việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới. Đây không phải là tham vọng của riêng một tổ chức hoặc một quốc gia, mà là sự nỗ lực, khao khát và đồng lòng vì lợi ích chung của toàn nhân loại", thông báo của NASA viết.

"Chúng ta cần thiết lập một căn cứ trên Mặt trăng, để từ bến bờ đó chúng ta có thể dong buồm ra khơi tìm hiểu đại dương vũ trụ bao la. Chúng ta sẽ xây dựng căn cứ Artemis tại cực nam của Mặt trăng để chuẩn bị cho những nghiên cứu khoa học. 

Chúng ta sẽ học cách sử dụng tài nguyên ở những nơi này, bắt đầu bằng việc tìm kiếm nguồn nước đóng băng để lọc thành nước uống, và thủy phân nó thành khí hydrogen làm nhiên liệu và oxygen để thở. 

Chúng ta sẽ xây những nhà máy phân hạch hạt nhân để cung cấp năng lượng, cũng như mở rộng các chuỗi cung ứng, kết nối các doanh nghiệp thương mại để tiếp tế nhu yếu phẩm cũng như nhiên liệu ra ngoài không gian", NASA chia sẻ về các kế hoạch tham vọng của họ.

NASA phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng như thế nào?

bai ve artemis 4(Read-Only)

Hình ảnh đầu tiên truyền về từ tàu vũ trụ Orion chụp toàn cảnh Trái đất ở khoảng cách gần 100.000km từ không gian - Ảnh: NASA

Space Launch System (SLS) là hệ thống tên lửa nâng hạng nặng thế hệ mới của NASA đã được sử dụng trong sứ mệnh Artemis I và II, mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo.

Orion có động cơ hủy, động cơ kiểm soát và động cơ phản lực hoạt động cùng nhau tạo thành hệ thống thoát hiểm an toàn, đưa phi hành đoàn ra khỏi SLS chỉ trong vòng một phần nghìn giây khi gặp sự cố.

Hệ thống oxygen/hydrogen lỏng đẩy Orion vượt quỹ đạo Trái đất và thực hiện hành trình đến Mặt trăng. Xuyên suốt hành trình, một "module dịch vụ" do Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA và Hãng hàng không Airbus thiết kế và vận hành nhằm cung cấp động cơ đẩy, năng lượng, không khí và nước.

Orion truyền thông tin về trung tâm điều khiển từ hệ thống vệ tinh theo dõi và chuyển tiếp dữ liệu, giao tiếp thông qua mạng không gian sâu.

Trong các sứ mệnh tiếp theo, Orion sẽ cập bến tại Gateway (một tiền đồn đa năng quay quanh Mặt trăng, cung cấp các hỗ trợ thiết yếu), từ đó phi hành đoàn chuyển sang một hệ thống hạ cánh thiết kế chuyên biệt xuống bề mặt Mặt trăng.

NASA phóng tàu thám hiểm lên Mặt trăng sau 3 lần hoãn và hủy NASA phóng tàu thám hiểm lên Mặt trăng sau 3 lần hoãn và hủy

TTO - NASA đã phóng tên lửa mang theo tàu thám hiểm Orion lên Mặt trăng, khởi đầu sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis, 50 năm sau sứ mệnh đầu tiên Apollo. Trước đó, NASA đã hoãn 1 lần và hủy 2 lần vụ phóng này.

PHẠM LÊ HÀ THU (NCS vật lý tại CERN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên