Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth gồm hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth và các tàu chiến hộ tống - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh
Các tàu chiến của Anh sẽ tập trận chung với Mỹ, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản gần các thực thể Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền.
Việc Anh đưa tàu sân bay Queen Elizabeth tới châu Á là động thái đã được tính toán kỹ, một trong những chỉ dấu cho thấy London đang hiện thực hóa khẩu hiệu "Global Britain" (Nước Anh toàn cầu) - xác định tương lai nước Anh hậu Brexit sẽ nằm ngoài châu Âu.
Có ba lý do giải thích xu hướng tăng cường hiện diện hải quân của Anh ở khu vực. Thứ nhất, báo cáo đánh giá chiến lược an ninh quốc phòng của Anh năm 2015 cho rằng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp bị xói mòn sẽ là một trong bốn mối đe dọa chính tới an ninh quốc phòng của Anh.
Cũng theo bản đánh giá này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng tới tương lai và sự ổn định của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Do đó, việc tăng cường hiện diện ở khu vực là điều cần phải được thực hiện.
Thứ hai là tác động của Brexit. Tầm nhìn hậu Brexit của nước Anh không còn chỉ gắn với châu Âu, mà là một tầm nhìn mang tính toàn cầu thông qua khẩu hiệu "Global Britain". Về mặt an ninh, nước Anh cần phải tăng cường các mạng lưới an ninh quốc phòng ở nước ngoài, đẩy mạnh những mối quan hệ hiện hữu và nhất là bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không chính là một trong các trụ cột của chính sách này.
Thứ ba, Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Anh - cũng đã kêu gọi sự tham gia của các quốc gia khác để tăng cường đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực. "Global Britain" đòi hỏi nước Anh phải "hành động để đối phó với các quốc gia coi thường luật pháp", cũng như "cải thiện hệ thống luật pháp quốc tế mà qua đó sự thịnh vượng và an ninh của nước Anh được đảm bảo". Việc triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth chính là bước đi nhằm khẳng định những tuyên bố trên.
Không loại trừ Anh sẽ thiết lập hiện diện hải quân thường trực ở khu vực, có thể là tại Brunei, Singapore hay Nhật Bản. Khả năng cuối cùng có vẻ khả thi hơn cả, khi cả ba nước Mỹ, Nhật, Anh đều tuyên bố tăng cường hợp tác để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Tuy nhiên, có hai vấn đề dẫn tới một số nghi ngại về tuyên bố Anh sẽ hiện diện lâu dài ở châu Á. Thứ nhất là về vấn đề tài chính. Đau đầu nhất vẫn là nước Anh hậu Brexit có đủ tiềm lực tài chính để duy trì một sự hiện diện hải quân lâu dài ở khu vực hay không?
Thứ hai là Trung Quốc. Sau sự kiện tàu HMS Albion thách thức yêu sách Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 2018, các lãnh đạo và quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo Anh đừng liên kết với Mỹ để làm tổn hại tới lợi ích Trung Quốc, nhấn mạnh các hành vi tương tự trong tương lai là hành vi gây hấn.
Mối quan hệ thương mại giữa hai bên là quan trọng đối với một nước Anh hậu Brexit, đặc biệt khi hai nước Anh - Trung đang đàm phán thiết lập thỏa thuận thương mại tự do song phương. London rõ ràng sẽ phải tính toán trong các bước đi triển khai hải quân của mình ở Đông Á, khi chúng hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của Anh về mặt dài hạn.
Tiêm kích đáng gờm F-35B
Tính đến thời điểm hiện tại, HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay được trang bị nhiều tiêm kích tàng hình F-35B nhất thế giới.
Nguồn tin riêng của tờ Nikkei Asia cho biết trong thời gian được triển khai đến châu Á, các máy bay F-35B của hải quân Anh sẽ được bảo dưỡng tại một nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries ở tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận