Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và thị sát tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Hà Nội” của Hải quân Việt Nam tại tỉnh Kaliningrad, Liên bang Nga ngày 13-5-2013 - Ảnh: TTXVN |
Theo TTXVN, đại sứ VN tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết dự kiến VN và Nga sẽ ký 15 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế năng lượng, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế và quân sự nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin. Trong thời gian tới, Nga sẽ phát triển các ngành công nghệ hiện đại, tạo điều kiện cho hàng hóa VN thâm nhập sâu hơn thị trường Nga và các nước thuộc Liên minh Hải quan (Nga, Kazakhstan, Belarus).
Việc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa VN với liên minh này sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của VN vào Nga và Liên minh Hải quan lưu thông dễ dàng hơn. Ông Phạm Xuân Sơn khẳng định kết quả chuyến thăm và các thỏa thuận hợp tác sẽ mở ra một triển vọng mới của quan hệ VN - Nga.
Ông Phạm Xuân Sơn cho biết trong lĩnh vực quốc phòng, mới đây Nga vừa bàn giao tàu ngầm hiện đại lớp Kilo cho VN. Lễ bàn giao tàu ngầm Hà Nội đã diễn ra tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg hôm 7-11. Với quốc gia có bờ biển dài như VN, hạm đội tàu ngầm lớp Kilo sẽ nâng tầm vị thế và đóng góp của VN cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở biển Đông.
Ba tàu Kilo về VN năm 2014
VN ký hợp đồng mua tổng cộng sáu tàu ngầm lớp Kilo với tổng trị giá gần 2 tỉ USD. Theo Hãng thông tấn RIA Novosti, ngày 11-11 tàu ngầm Hà Nội sẽ được phía Nga bắt đầu vận chuyển về VN. Một quan chức quốc phòng Nga cho biết tàu ngầm thứ hai mang tên TP. Hồ Chí Minh, đang chạy thử nghiệm trên biển Baltic, sẽ bắt đầu cuộc hành trình về VN vào tháng 1-2014. Tàu thứ ba mang tên Hải Phòng cũng sẽ được đưa về VN ngay trong năm 2014. Như vậy ngay trong năm sau hải quân VN sẽ có thể vận hành ba tàu ngầm lớp Kilo để bảo vệ chủ quyền lãnh hải, biển đảo của đất nước.
RIA Novosti dẫn lời chuyên gia Victor Litovkin, biên tập viên tạp chí Independent Military Review, khẳng định tàu ngầm lớp Kilo thuộc vào loại tĩnh lặng, khó bị phát hiện nhất thế giới. “Sở hữu một tàu lớp Kilo cho phép chúng ta dễ dàng phát hiện kẻ thù và tránh bị phát hiện trong khu vực tuần tra. Tàu có động cơ mạnh mẽ, tốc độ di chuyển dưới nước rất cao. Hệ thống tên lửa có thể bắn phá các tàu và mục tiêu trên bờ. Tên lửa của tàu Kilo có tốc độ siêu âm, do đó các hệ thống phòng thủ tên lửa rất khó ngăn chặn chúng” - ông Litovkin cho biết.
Hải quân Mỹ cũng từng đánh giá tàu ngầm lớp Kilo là “những hố đen dưới lòng đại dương”. Theo ông, VN có thể sử dụng các tàu ngầm lớp Kilo để bảo vệ một cách hiệu quả hơn lãnh hải, vùng kinh tế biển, hải đảo và các giàn khoan dầu khí. “Hạm đội tàu nổi và hạm đội tàu ngầm sẽ hoạt động phối hợp với nhau. Tàu nổi phải được bảo vệ từ dưới nước, ngược lại, các tàu ngầm hoạt động dưới lòng biển, đặc biệt là ở khu vực gần bờ, luôn luôn phải ẩn dưới tàu nổi” - ông Victor Litovkin cho biết.
Chuyên gia Litovkin từng cho rằng các tàu ngầm lớp Kilo hoàn toàn có thể tự bơi từ Nga, qua châu Phi vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để về đến cảng Cam Ranh. Tuy nhiên giới hàng hải cho biết đây không phải là cách khả thi dù tàu ngầm lớp Kilo đủ sức làm điều đó. Để tàu ngầm tự bơi về VN cần có một đoàn tàu hộ tống. Khoảng cách từ St Petersburg đến Cam Ranh qua ngả châu Phi khoảng 18.830km, trong khi phạm vi hoạt động của tàu Kilo là 9.600km. Do đó tàu cần tiếp nhiên liệu hai lần để về đến VN. Việc tự bơi ở khoảng cách xa tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật.
Lên sà lan về VN
Phía RIA Novosti dẫn nguồn tin quân sự Nga xác nhận ngày 11-11, tàu Hà Nội sẽ được chuyển lên một sà lan để đưa về cảng quân sự Cam Ranh. Các chuyên gia hàng hải cho biết quan trọng hơn tàu ngầm lớp Kilo là phương tiện quân sự nên không dễ di chuyển tự do qua các vùng biển quốc tế. Một nguy cơ nữa là lộ bí mật quân sự nếu bị hải quân các nước theo dõi. Ngoài ra, trong các hợp đồng mua bán vũ khí, bên cung cấp thường phải giao hàng tận nơi và chịu mọi rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Tuyến đường đi có thể là qua kênh đào Suez vào Ấn Độ Dương rồi tiến vào Thái Bình Dương và biển Đông. Trước đó Nga cũng từng đưa một số tàu chiến VN mua qua tuyến đường này. Một số trang web hàng hải cho biết từ St Petersburg, sà lan chở tàu ngầm Hà Nội sẽ đi qua vịnh Phần Lan đến biển Baltic, sau đó qua biển Kattegat giữa Đan Mạch và Hà Lan để đến biển Bắc trước khi đi vòng qua biển Manche rồi qua Địa Trung Hải, kênh Suez qua biển Arab vào vịnh Bengal, qua eo biển Malacca để tiến vào biển Đông và cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Dự kiến tháng 1-2014 tàu Hà Nội sẽ về đến VN.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nga đóng hai tàu khu trục mới cho Việt NamNga giao tàu ngầm đầu tiên cho VN vào tháng 11"Trang mới trong lịch sử Hải quân VN: Hạm đội tàu ngầm" Thủ tướng kiểm tra tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội Thủ tướng kiểm tra tiến độ thử nghiệm tàu ngầm Hà NộiThủ tướng thị sát tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội tại Nga
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận