Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, ông Hoàng Gia Khánh - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - kỳ vọng tuyến liên vận quốc tế Á - Âu đưa hàng hóa nước ta tới thị trường rộng lớn, được ví như một mỏ vàng đang được khai phá. Không chỉ đến Trung Quốc, tàu liên vận còn có thể đến Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga và EU (Đức, Bỉ, Hà Lan...).
Nhiều lợi thế của vận tải hàng hóa bằng đường sắt
* Thưa ông, ưu thế vận chuyển hàng hóa của tàu liên vận quốc tế so với các loại hình vận tải khác thế nào?
- Sóng Thần là nhà ga hàng hóa đường sắt lớn nhất phía Nam, nằm trong vùng kinh tế năng động nhất nước.
Sau khi tổ chức chạy tàu liên vận quốc tế, từ năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị giới thiệu về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt.
Tại đây, các doanh nghiệp chia sẻ rằng tàu liên vận khởi hành từ ga Sóng Thần đã biến giấc mơ thành hiện thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics.
Với đường sắt, doanh nghiệp có thể chủ động làm thủ tục tại nơi xuất hàng và đưa hàng đến ga Sóng Thần, sau đó được đưa đi theo phương án an toàn, đảm bảo đúng lịch trình, thủ tục thuận tiện và thân thiện, chi phí cạnh tranh.
Tất cả các điều trên đặc biệt thuận tiện với các đơn hàng gồm nhiều container. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta cũng như nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài.
Sản lượng vận chuyển liên vận quốc tế liên tục tăng mạnh trong những năm qua, cao nhất là 1,33 triệu tấn/năm. Năm nay được dự báo kinh tế sẽ phục hồi, lượng hàng hóa đi bằng đường sắt dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Chuyến tàu đầu năm đầy ắp hàng nông sản là tín hiệu tích cực. Đường sắt đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong công tác giao thương với các thị trường Á - Âu.
* Hôm 21-2, trong buổi lễ khai trương tàu liên vận đầu năm ở ga Sóng Thần, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã kỳ vọng ngành đường sắt rút ngắn thêm thời gian chạy tàu từ ga Sóng Thần đến cửa khẩu Đồng Đăng còn 60 giờ để tăng thêm ưu thế. Ông chia sẻ gì kiến nghị này?
- Đây là kiến nghị hết sức chính đáng từ phía khách hàng và là mục tiêu mà ngành đường sắt đang hướng đến. Qua kiến nghị này, chúng tôi nhận thấy các khách hàng đang có rất nhiều kỳ vọng vào dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt nói chung và dịch vụ vận chuyển liên vận quốc tế nói riêng.
Trên thực tế, thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai một loạt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây thêm một số ga mới, cải tạo cầu hầm, mở rộng thêm nhà ga, đường đón gửi tàu... Qua đó đã rút ngắn được thời gian chạy tàu so với trước, đến nay có những đoàn tàu hàng đi từ ga Sóng Thần ra Hà Nội chỉ còn 48 giờ.
Hiện các dự án còn tiếp tục triển khai một số hạng mục trên tuyến và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 và ngành đường sắt vẫn tiếp tục đề ra các biện pháp rút ngắn thời gian chạy tàu hàng hơn nữa.
Cụ thể như áp dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản trị... để đáp ứng được yêu cầu trên của khách hàng. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện các giải pháp để xử lý kiến nghị của khách hàng nhằm có thể nâng cao tính cạnh tranh, hấp dẫn của dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt.
Mục tiêu chạy tàu liên vận hằng ngày
* Tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt Á - Âu, quá cảnh Trung Quốc đi Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á được coi là mỏ vàng mà chúng ta cần khai phá. Nhưng vì sao hiện nay chúng ta chỉ chạy một đoàn tàu/tuần và các mặt hàng chủ lực là gì, thưa ông?
- Các đoàn tàu liên vận có thể quá cảnh Trung Quốc để đi đến một số nước như Nga, châu Âu (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan...), Kazakhstan, Mông Cổ. Thị trường tiềm năng của tàu liên vận quốc tế là các nước Trung Á, Mông Cổ vì các nước này không có biển.
Lý do mới có một chuyến tàu/tuần là vì mới vận hành, khách hàng đang dần chuyển từ các loại hình vận tải khác sang đường sắt. Khi nhu cầu càng tăng, ngành đường sắt sẽ nâng dần tần suất chạy tàu, mục tiêu là chạy hằng ngày.
Hiện nay mặt hàng nông - thủy sản đi bằng đường sắt xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Mặt hàng này được lấy từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... Còn nguồn hàng đi các nước khác chủ yếu là hàng điện tử, linh kiện điện tử, dệt may, da giày...
* Ông kỳ vọng gì về việc đầu tư phát triển hạ tầng trong thời gian tới để tàu liên vận có thể chạy nhiều hơn, kết nối không chỉ tuyến liên vận quốc tế Á - Âu mà còn với các nước ở hành lang xuyên Á?
- Đúng là trong một thời gian dài thì đầu tư cho đường sắt chưa tương xứng với tiềm năng và hiệu quả.
Tuy nhiên trong các năm vừa qua trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động vận tải đường sắt như kết luận 49 của Bộ Chính trị, quy hoạch mạng lưới đường sắt của Chính phủ...
Ngay những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng đã có công điện số 13 về việc tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bằng đường sắt.
Với những định hướng chiến lược như trên, có thể nói rằng đây chính là thời cơ mà vai trò của vận tải đường sắt trở lại và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về mục tiêu hiện đại hóa hệ thống đường sắt Việt Nam, có tính kết nối cao với các loại hình giao thông khác và đặc biệt tăng tính kết nối đường sắt với hệ thống đường sắt của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong hành lang xuyên Á.
* Trong bối cảnh vốn công đang còn hạn hẹp, ngành đường sắt có thể làm gì khác để thu hút thêm nhà đầu tư tư nhân cùng chung tay phát triển?
- Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn tham gia đầu tư phát triển đường sắt.
Ngành đường sắt cũng đã và đang kiến nghị nhiều cơ chế để thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước vốn đang rất dồi dào và đa dạng. Chẳng hạn như chúng tôi đang tích cực phối hợp, làm việc với các bộ ngành để hoàn thiện các cơ chế về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt trình Thủ tướng.
Sau khi các cơ chế, chính sách này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để chúng tôi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đầu tư vào khai thác lĩnh vực vận tải đường sắt và các dịch vụ hỗ trợ vận tải. Khi đó, chúng tôi sẽ có điều kiện khai thác hiệu quả phục vụ vận tải, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Còn thiếu đường sắt kết nối kho cảng lớn
Theo ông Hoàng Gia Khánh, mạng lưới đường sắt hiện trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh thành gồm 7 tuyến chính, 12 tuyến nhánh với tổng chiều dài đường tuyến chính là 2.703km, đường ga và đường nhánh là 612km.
Thời gian qua, ngành đường sắt rất nỗ lực để mở rộng phủ sóng mạng lưới ga liên vận quốc tế từ Bắc vào Nam. Càng mở được nhiều ga liên vận quốc tế càng đưa được nhiều cửa khẩu vào sâu trong nội địa.
Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay ngành đường sắt đã mở được 7 ga liên vận quốc tế.
Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của đường sắt hiện nay là thiếu kết nối tới kho cảng lớn, khu công nghiệp, nhà máy... để giảm được chi phí trung chuyển, giải phóng hàng nhanh, đồng thời hạn chế được ô tô chở hàng đến ga, giảm được tai nạn, ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục vấn đề này, hiện nay Cục Đường sắt Việt Nam đang xây dựng quy hoạch chi tiết các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối, trong đó khu vực phía Nam được quy hoạch nhiều tuyến đường sắt kết nối cảng biển.
Rẻ hơn đường bộ 30 - 35%
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco), cho hay khách hàng có nhu cầu vận chuyển chỉ cần liên hệ với Trung tâm vận tải hàng hóa quốc tế thuộc Ratraco để được hướng dẫn tất cả các thủ tục, điều kiện cần và phải có.
Ngoài các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hiện tại Ratraco đang vận chuyển các loại hàng thủy sản khác như cá basa, cá tra... Chi phí vận chuyển đường sắt hiện tại so với vận chuyển đường bộ sẽ rẻ hơn từ 30 - 35% và khi đến cửa khẩu hàng hóa được thông quan nhanh chóng, không bị gặp trường hợp ách tắc như cửa khẩu đường bộ vào các đợt cao điểm.
"Hiện chúng tôi còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga và EU (Đức, Bỉ, Hà Lan...) với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như trà, cà phê, gạo, hàng dệt may, da giày, điện tử", ông Thanh nói.
Doanh nghiệp cần ưu tiên kênh vận chuyển đường sắt dài hạn
Mới đây, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Ngoài đường bộ và đường biển, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có giải pháp nâng cao năng lực đường sắt, xây đường chuyên dụng để tăng vận chuyển nông sản sang Trung Quốc. Bộ GTVT, Bộ Công Thương làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp tối ưu chi phí, thời gian vận chuyển nông - lâm - thủy sản.
Trước mắt, Thủ tướng lưu ý khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung, thông qua thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại các cửa khẩu tỉnh Lào Cai với Trung Quốc. Việc này sẽ giúp tăng lưu lượng vận chuyển, giảm ùn ứ qua đường bộ như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao trong quý 1, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, xây dựng đường chuyên dụng cho hàng nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường Trung Quốc còn dư địa rất lớn. Do đó để khai thông, khai thác hết thị trường 1,4 tỉ dân này thì cần có cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ, đường biển các tỉnh biên giới kết nối với phía Trung Quốc.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay hệ thống đường bộ xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù ngày càng được cải thiện tốt hơn nhưng do đường bộ vướng về địa thế, sông núi nên không mở rộng được, khiến lưu lượng xe tải qua kênh đường bộ có thời điểm bị quá tải, gặp khó khăn trong việc thông quan.
Việc lựa chọn kênh đường sắt để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng mở ra cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Trung Á, châu Âu thông qua tuyến đường sắt liên vận. "Đặc biệt trong bối cảnh đường vận tải biển đi qua Biển Đỏ đang gặp nhiều rủi ro, giá cước leo thang thì việc đa dạng các tuyến đường vận chuyển sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro", ông Hải nói.
Do đó, ông Hải cho rằng ngành đường sắt cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin về tuyến đường vận chuyển, dịch vụ vận chuyển, có những chính sách ưu đãi giá phù hợp khi có đơn hàng vận chuyển lâu dài và quy mô lớn. Việc này nhằm đảm bảo công suất vận chuyển được đầy tải, không có những toa tàu nằm chờ hàng hoặc lãng phí nguồn lực.
Tuy vậy, ông Hải cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần ưu tiên chú trọng kênh vận chuyển đường sắt trong dài hạn, tránh việc chỉ lựa chọn khi có vấn đề xảy ra thì sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp. Bởi có trường hợp khi vận chuyển đường bộ thuận lợi, chi phí và giá rẻ lại quay lưng với đường sắt, còn khi rủi ro thì tìm kênh đường sắt để thay thế thì sẽ gặp khó khăn và không đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Sẽ thành lập đơn vị hải quan ngay tại ga Sóng Thần
Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, việc xuất khẩu hàng hóa, trong đó có nông sản, bằng đường sắt từ ga Sóng Thần mở ra "cánh cửa mới" cho sản xuất không chỉ tại Bình Dương mà cả khu vực phía Nam.
Cơ quan hải quan đã phối hợp với chủ đầu tư thực hiện suôn sẻ các chuyến tàu xuất khẩu đầu tiên và sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục gặp gỡ, đối thoại giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp để họ hiểu, ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn xuất nhập khẩu hàng hóa từ ga Sóng Thần.
Về lâu dài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thiện mở rộng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thành lập địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung. Khi đó, theo quy định thì cơ quan hải quan địa phương sẽ báo cáo cấp trên thành lập đơn vị hải quan ngay tại ga Sóng Thần để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận