Tàu chiến Nga cập cảng Havana của Cuba ngày 24-6 - Nguồn: AFP
Đài RT (Nga) cho biết tàu khu trục nhỏ Đô đốc Gorshkov, được trang bị tên lửa Kalibr, đã rời cảng Severomorsk của Nga vào cuối tháng 2 năm nay để thực hiện hành trình kéo dài nhiều tháng.
Trước khi cập cảng Havana của Cuba ngày 24-6, tàu này đã dừng chân tại Trung Quốc, Djibouti và Sri Lanka. Đi cùng tàu Đô đốc Gorshkov là một số tàu hộ tống.
Theo truyền thông nhà nước Cuba, đội tàu Nga dự kiến sẽ thăm và chào xã giao Tư lệnh Hải quân cách mạng Cuba và thăm những địa điểm lịch sử, văn hóa tại đây. Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba (FAR) đã bắn 21 phát đại bác để chào đón tàu Nga.
Ngay khi tàu Nga đi vào vịnh Havana, các tàu chiến Mỹ ở dọc bờ biển Cuba, đáng chú ý là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Jason Dunham ở cách đó vài kilomet, đã theo dõi sát sao, theo RT.
Tàu Đô đốc Gorshkov từng gây chú ý khi di chuyển qua Bắc Scotland hồi tháng 3 năm nay. Một số báo cáo truyền thông khi đó nói rằng con tàu đã mang theo một "thiết bị gây ảo giác", tức hệ thống gây nhiễu quang học Filin 5P-42 mà cũng được trang bị trên các tàu chiến cùng lớp.
Tàu Đô đốc Gorshkov được đưa vào biên chế vào năm ngoái và là một trong các tàu chiến tiên tiến nhất của Hải quân Nga. Tàu này được trang bị các tên lửa hành trình, hệ thống phòng không và các vũ khí khác.
Tàu này đóng tại cảng Severomorsk và thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga. Đây là tàu đầu tiên trong lớp tàu khu trục mới được chế tạo để thay thế các tàu khu trục cũ kỹ có từ thời Liên Xô, nhằm giúp Nga tăng cường năng lực hoạt động xa bờ.
Tàu Đô đốc Gorshkov đến cảng Havana ngày 24-6 - Ảnh: REUTERS
Các tàu chiến Nga có sự hiện diện không đáng kể ở Havana trong thập niên qua. Hồi năm 2008, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev, một nhóm tàu Nga đã đi vào vùng biển Cuba - một sự kiện mà theo truyền thông Cuba là chuyến thăm đầu tiên như vậy kể từ năm 1991.
Một nhóm tàu khác đã thăm thành phố Cienfuegos của Cuba hồi năm 2010. Các chuyến thăm khác sau đó diễn ra vào năm 2013 và 2014.
Hãng tin AP nhận định tất cả sứ mệnh hải quân của Nga tại Cuba đều được xem là hành động biểu thị sức mạnh quân sự gần bờ biển Mỹ dù Cuba và Nga đều xem đây là hoạt động thường kỳ.
Nhắc tới vị trí Cuba trong cuộc đối đầu giữa Matxcơva và Washington là phải nhắc tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - khi Liên Xô đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa tên lửa đạn đạo tới Cuba, gây căng thẳng tới mức đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận