07/03/2016 06:22 GMT+7

Tất cả những người ứng cử đều bình đẳng

V.V.THÀNH - L.KIÊN thực hiện (thanhvv@tuoitre.com.vn)
V.V.THÀNH - L.KIÊN thực hiện (thanhvv@tuoitre.com.vn)

TT - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định như trên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-3. Ông Pha cho biết:

Địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử HĐND phường Bình An, Q.2, TP.HCM - Ảnh: M.C

- Hiện tôi chưa có số liệu tổng hợp về người tự ứng cử, vì chưa đến thời gian các địa phương báo cáo. Theo quy định thì chậm nhất là ngày 13-3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, chúng ta hiểu rằng từ nay đến thời điểm nêu trên sẽ tiếp tục có số liệu cập nhật và sẽ được Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như các cơ quan có trách nhiệm thông tin kịp thời, đầy đủ.

Ở đây, tôi muốn khẳng định rằng đối với người ứng cử nói chung, bao gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử, đều bình đẳng như nhau. Nếu có phân biệt đối xử hay cản trở là phạm luật.

Trong quá trình triển khai công tác bầu cử, các địa phương tạo thuận lợi cho tất cả ứng cử viên theo đúng quy định liên quan.

 

Ông Nguyễn Văn Pha - Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Văn Pha - Ảnh: L.K.

 

* Nghĩa là không được phân biệt ứng cử viên là người tự ứng cử hay giới thiệu ứng cử, nhất là trong quá trình hiệp thương?

- Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần phát ngôn trên báo chí. Về công tác hiệp thương, luật quy định là MTTQ VN có trách nhiệm hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử.

Đối với những người được giới thiệu ứng cử thì trước hết phải qua mấy bước ở cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử. Những người tự ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.

Tất cả hồ sơ đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn theo quy định sẽ được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Nghĩa là một ứng cử viên nào đó không phân biệt là được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, nếu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn đều được đưa vào danh sách sơ bộ.

Danh sách này sẽ được gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có).

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ căn cứ vào các yếu tố như tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng... và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tôi nói tóm tắt các bước hiệp thương như trên để nhấn mạnh rằng quá trình này được quy định rõ ràng, công khai. Các cử tri và bản thân những người tự ứng cử có thể tham gia giám sát.

Về phía MTTQ, các thành phần tham gia hội nghị hiệp thương không được phép cho rằng người này được giới thiệu ứng cử thì ưu tiên hơn người kia tự ứng cử.

Tôi khẳng định lại một lần nữa, quy định pháp luật cũng như tinh thần chỉ đạo là không phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.

* Cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được quy định rất rõ ràng như tỉ lệ nữ bao nhiêu, trẻ bao nhiêu, dân tộc thiểu số bao nhiêu... Vậy người tự ứng cử thuộc cơ cấu nào?

- Đúng là nghị quyết không quy định về cơ cấu tỉ lệ người tự ứng cử, nhưng trong quá trình tiến hành công tác bầu cử thì luôn xuất hiện những người tự ứng cử. Việc không quy định cơ cấu tỉ lệ người tự ứng cử trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ảnh hưởng gì tới việc tự ứng cử.

Bởi người tự ứng cử tham gia như một thành phần bình đẳng trong quá trình bầu cử, nếu trúng cử thì họ đương nhiên thuộc vào cơ cấu, thành phần nào đó (ví dụ như trẻ, nữ, dân tộc thiểu số...) trong Quốc hội.

Hơn nữa, cơ cấu, thành phần quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ cấu định hướng chứ không phải cơ cấu bắt buộc.

* Một số người tự ứng cử trong các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây phản ảnh rằng họ gặp khó khăn ở khâu lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, ông có bình luận gì?

- Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú được thực hiện theo nghị quyết 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nơi nào có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự.

Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất 55 cử tri tham dự. Cử tri sẽ đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử, tiếp đó hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín (tín nhiệm hay không tín nhiệm người ứng cử - PV).

Qua tham gia công tác bầu cử nhiều năm nay, bản thân cũng là một đại biểu Quốc hội, tôi khuyên những người có ý định tự ứng cử phải xác định đây là chuyện nghiêm túc. Đừng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử xem thế nào” hoặc tham gia “để cho vui”.

Nếu bản thân người tự ứng cử không gương mẫu tại nơi sinh sống thì dĩ nhiên kết quả của hội nghị cử tri sẽ không được như ý.

Tôi nói ví dụ như anh ra cửa lên xe, xuống cửa vào nhà, không quan hệ gì với bà con khối xóm, lại có việc làm nào đó không gương mẫu thì kết quả biểu quyết rất dễ ra mức tín nhiệm dưới 50%. Mà tín nhiệm thấp sẽ là cơ sở để hiệp thương lần 3 loại ra khỏi danh sách ứng cử.

Một số người tự ứng cử đã trúng cử trong các nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua 

Khóa X

- Ông Phương Hữu Việt (Hà Nội), tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường sạch đẹp.

- Ông Trần Thành Trai

(TP.HCM), chủ nhiệm khoa ngoại - nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1.

- Bà Mùa Thị Mỷ (Lai Châu), phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tủa Chùa.

Khóa XI

- Ông Phương Hữu Việt (Hà Nội), Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương.

- Ông Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), Học viện Hành chính quốc gia.

Khóa XII

- Ông Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng.

Khóa XIII

- Bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư nhà đất. Đã bị bãi nhiệm.

- Ông Hoàng Hữu Phước (TP.HCM), giám đốc Công ty doanh thương Mỹ Á.

- Ông Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An). Đã mất.

- Ông Phan Văn Quý (Nghệ An), chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương.

Dự báo số người tự ứng cử sẽ nhiều hơn

Ông Nguyễn Hoàng Năng - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, phó chủ tịch Hội đồng bầu cử TP.HCM - cho biết đến thời điểm này, do chưa hết hạn nộp hồ sơ tự ứng cử nên vẫn chưa thể xác định, so sánh lượng hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ này với các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên theo dự báo, số người tự ứng cử sẽ nhiều hơn.

Theo số liệu từ Sở Nội vụ TP.HCM, tính đến cuối ngày 3-3, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã nhận được hồ sơ tự ứng cử của 24 người.

Trong đó, 13 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 11 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ mới. Đặc biệt có 4 người nộp hồ sơ 2 cấp.

MAI HƯƠNG

Ông BÙI VĂN KIÊN (tổng giám đốc Tinhvan Telecom, Tinhvan Group):

Ông Bùi Văn Kiên - Ảnh: V.K.
Ông Bùi Văn Kiên - Ảnh: V.K.

Những khó khăn người tự ứng cử thường gặp

Ứng cử vào cơ quan lập pháp chưa bao giờ là việc dễ dàng, không chỉ ở VN. Với cá nhân tôi, vượt qua vòng hiệp thương, trở thành ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII (không trúng cử - PV) là một trải nghiệm khó quên.

So với người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử có những thuận lợi và khó khăn riêng.

Về mặt tâm lý, với người được giới thiệu, việc ứng cử là nhiệm vụ do tổ chức giao, có gánh nặng phải trúng cử để đảm bảo cơ cấu đại diện cho tổ chức, nếu không trúng cử có thể sẽ có người đặt vấn đề về uy tín trong quần chúng nhân dân.

Người tự ứng cử xuất phát từ nguyện vọng bản thân, nên hầu hết không có áp lực từ nơi công tác.

Về thủ tục, người được giới thiệu ứng cử có tổ chức giới thiệu đứng ra đảm bảo về mặt hồ sơ, thực hiện xác minh trước khi giới thiệu. Người tự ứng cử phải tự chuẩn bị và chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng cử của bản thân.

Về quá trình hiệp thương, người được giới thiệu ứng cử đã được tổ chức giới thiệu đảm bảo nên hầu hết dễ dàng nhận được sự ủng hộ tại hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú.

Người tự ứng cử, quan niệm “Đảng cử, dân bầu” ăn sâu vào trong tâm lý cử tri nên nhiều khi bị đặt dấu hỏi về động cơ, mục đích của việc ứng cử và rất khó khăn đạt được sự đồng thuận tại hội nghị lấy ý kiến cử tri.

Kinh nghiệm cá nhân tôi thấy rằng việc chuẩn bị hồ sơ cần hết sức nghiêm túc. Quá trình công tác phải được thể hiện liên tục, rõ ràng để các cơ quan bầu cử thuận tiện khi xác minh, tránh để “khoảng mờ” trong lý lịch.

Khi hồ sơ hợp lệ, bước vào vòng hiệp thương, ứng cử viên cần có sự đồng ý của trên 50% cử tri nơi công tác và nơi cư trú mới có cơ hội đi tiếp.

Đây là thời điểm ứng cử viên phải thể hiện khả năng “dân vận” để đáp ứng tiêu chuẩn “liên hệ chặt chẽ với cử tri” của đại biểu Quốc hội. Không ít ứng cử viên mặc dù nổi tiếng và có uy tín trong lĩnh vực công tác, nhưng ít tiếp xúc và đóng góp cho tổ dân phố, cụm dân cư nên đã không nhận được sự đồng thuận tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

V.V.THÀNH ghi

V.V.THÀNH - L.KIÊN thực hiện (thanhvv@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên