Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký chỉ thị số 2 (ngày 24-1) của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Theo đó, nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.
Đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, UBND TP Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, cải tạo phục hồi môi trường nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông nội đô (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu) đang bị ô nhiễm nặng.
Điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc, hoàn thành trước ngày 31-12-2025. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức trước ngày 30-6-2025.
Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành đập Đồng Quan, hoàn thành trước ngày 30-6.
Trước đó, cuối tháng 12-2024, Tuổi Trẻ Online có nhóm bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở các sông nội đô Hà Nội như: Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu.
Trong khi đó, do phải oằn mình hứng nước thải và tình trạng bồi lắng hai bên bờ, khiến nhiều đoạn sông Đáy ở ngoại thành Hà Nội bị "biến dạng", không còn hình hài của dòng sông.
UBND tỉnh Hà Nam hoàn thiện hệ thống thu gom thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung, vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng. Xử lý dứt điểm các hộ sản xuất có phát sinh nước thải tẩy, nhuộm tại làng nghề Nha Xá.
Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành trạm bơm cầu Nhật Tựu, Hoành Uyển, hoàn thành trước ngày 30-6-2025.
Tổ chức xây dựng và triển khai các dự án cải tạo phục hồi môi trường, khơi thông dòng chảy nhằm giải quyết ô nhiễm nước sông Châu Giang, hoàn thành trước ngày 31-12-2025.
Thực hiện giải pháp chuyển nguồn cấp nước sinh hoạt cho các nhà máy cấp nước của tỉnh từ các nguồn nước sạch thay thế (sông Hồng).
UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo hoàn thành xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cho TP Hòa Bình và các huyện lân cận.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy gồm những sông nào?
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy gồm: sông Đáy, Nhuệ, Tô Lịch, Kim Ngưu. Sông Đáy (dài 240km) lấy nước từ sông Hồng, do mực nước sông Hồng sụt giảm, việc cấp nước không thường xuyên qua cửa Hát Môn cũng là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm môi trường nước sông.
Sông Nhuệ (dài 74km) lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc, là sông tiêu nước cho TP Hà Nội và chảy vào sông Đáy (qua cống Phủ Lý).
Sông Tô Lịch (dài 14,6km) và sông Kim Ngưu (dài 7,7km) là hai nhánh sông bao quanh TP Hà Nội, nằm trong quy hoạch tiêu thoát nước của TP, hợp lưu tại thôn Văn, xã Thanh Liệt và đổ vào sông Nhuệ (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì).
Xử lý ô nhiễm trên lưu vực sông Đồng Nai
Theo nội dung tại chỉ thị số 2, đối với lưu vực sông Đồng Nai, UBND TP.HCM xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31-12-2025.
Đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái), hoàn thành trước ngày 31-12-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận