01/01/2015 10:45 GMT+7

​Tạo sân chơi để vẫy vùng, cống hiến

HẢI THI - MỸ DUYÊN thực hiện
HẢI THI - MỸ DUYÊN thực hiện

TT - Mỗi người trẻ cần lắng nghe chính mình để lựa chọn đúng, tự tạo ra sân chơi để vẫy vùng và khát khao cống hiến.

Mỗi người trẻ đều có cách riêng để trở thành tiêu biểu. Trong ảnh: các bạn trẻ hết mình tại ngày hội “Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương” tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Quang Định
Mỗi người trẻ đều có cách riêng để trở thành tiêu biểu. Trong ảnh: các bạn trẻ hết mình tại ngày hội “Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương” tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Quang Định

Đó là chia sẻ của ba trong số sáu gương mặt trẻ đạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2014: TS Trần Hữu Lộc (31 tuổi, giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM), Lê Yên Thanh (21 tuổi, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trần Quốc Tuyên (27 tuổi, tổ trưởng tổ bảo trì phân xưởng mì Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Q.12).

Bước vào năm mới 2015, Nhịp sống trẻ trò chuyện cùng ba bạn trẻ này về tâm thế người trẻ trước những thay đổi không ngừng từ cuộc sống. 

* Chào các bạn. Thành tích của các bạn đều rất nổi bật: nghiên cứu dịch bệnh tôm của anh Trần Hữu Lộc có ý nghĩa lớn với ngành khoa học thủy sản thế giới và có tính thực tiễn cao với ngành nuôi tôm VN. Những cải tiến trang thiết bị sản xuất của anh Trần Quốc Tuyên đã tiết kiệm hàng tỉ đồng cho công ty. Trong khi đó, bộ sưu tập giải thưởng lập trình quốc tế ấn tượng khiến cái tên Lê Yên Thanh trở nên sáng giá. Nhưng có người nói văn hóa, môi trường VN không kích thích sự phát triển của nhân tài, sự bứt phá của cá nhân, nói theo ngôn ngữ giới trẻ là người tài dễ bị “dìm hàng”, “GATO” (ghen ăn tức ở). Hình như các bạn là ngoại lệ?

Ảnh: H.Thi
Ảnh: H.Thi

- Trần Hữu Lộc: Việc tôi làm cũng có người ủng hộ, người phản đối. Như quá trình nghiên cứu và áp dụng kết quả nghiên cứu bệnh tôm vào thực tiễn không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận. Nhưng tôi có kim chỉ nam và tin tưởng bản thân đang làm việc tốt, có ích thì cứ vui vẻ làm thôi.

Đâu phải chỉ xã hội VN mới có chuyện “dìm hàng”, “GATO” vì ở đâu cái mới, cái lạ thường bị soi xét, nghi ngờ, gièm pha. Nhưng không thể vì vậy mà ngã lòng.

Đúng là thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng phải tạo ra thời thế, tạo ra sân chơi cho chính mình. Khi đã chọn một con đường, mình cần trung thành với nó. Cần đi đến cùng.

- Lê Yên Thanh: Bản thân mình chưa gặp chuyện đó vì bạn bè biết mình giỏi lập trình, còn họ giỏi cái khác. Nên mình nghĩ tâm lý “GATO” xuất phát từ việc không ý thức được giá trị bản thân. Mỗi người có một thế mạnh riêng, nếu biết hài lòng với những điểm mạnh mình có thì sẽ không có chuyện ganh ghét.

* Nhìn lại một năm đã qua: những sự kiện xã hội, những hiện tượng trong lối sống của giới trẻ, các bạn quan tâm, trăn trở điều gì?

Ảnh: H.Thi
Ảnh: H.Thi

- Lê Yên Thanh: Điều mình quan tâm không phải những sự kiện đã xảy ra mà là cách người trẻ phản ứng với những sự kiện đó. Dường như người trẻ dễ bị tác động bởi mạng xã hội. Mọi người tự lăngxê bản thân dễ dàng và cũng dễ dàng bị phản ứng. Tuy nhiên, mình nghĩ tất cả chỉ là hiệu ứng ảo, không đến mức độ là một “hiện tượng” cần sốt sắng.

Điều mình lo ngại là có công nghệ, mọi người dễ gần lại nhưng cũng dễ xa nhau. Như mình và bạn bè đi chơi, gặp cảnh đẹp, thay vì tận hưởng cùng nhau lại mạnh ai lấy điện thoại ra quay và chú tâm ngóng người vào “thích”.

Mình thấy một hiện tượng nữa là lòng tự trọng của giới trẻ được đặt không đúng chỗ. Ví dụ người Nhật không bao giờ làm điều sai trái, như ăn cắp vặt, vì lòng tự trọng. Ở VN, tự trọng là... phải sắm xe đẹp để người khác không đánh giá, chê bai. Nhưng rất nhiều người lại... lái chiếc xe đẹp vượt đèn đỏ. Lúc đó, lòng tự trọng đặt ở đâu?

- Trần Hữu Lộc: Tôi luôn trăn trở khoa học, công nghệ, sản xuất... của VN mình đều chưa có sự tự chủ. Về lâu dài, đó là một sự lãng phí. Người trẻ cần những ý tưởng, cách làm để thay đổi tình cảnh đó. Tuy nhiên, những ý tưởng không tự nhiên đến mà là kết quả của quá trình nghiền ngẫm lâu dài. Cũng như một VĐV điền kinh, đâu phải họ cứ chạy cái rẹt là nhận huy chương. Họ đã tập luyện cật lực từ nhỏ.

Ngoài ra, tôi nhận thấy một điều sinh viên nước ngoài có mà sinh viên VN chúng ta còn thiếu: biết tự hào về việc mình làm. Trong thời gian học tại Mỹ, tôi có một người bạn, ngoài giờ học anh ta làm thêm trong quán bar và ở nhà chưng cất bia.

Anh ta luôn nói rất say mê về việc chưng cất bia và mơ ước ra trường sẽ mở một quán bar bán loại bia của riêng mình. Một người bạn khác của tôi làm bác sĩ thú y. Khi chữa được cho một con chó, con mèo, anh ta đều rất tự hào.

Về VN, khi tôi hỏi lớp mình chủ nhiệm: “Có bao nhiêu bạn ở đây yêu thích ngành thủy sản và có những dự định với nghề?”, tuyệt nhiên không một cánh tay giơ lên trong số 40 sinh viên ấy. Các bạn nghĩ đây là ngành không “sang trọng”, chỉ đăng ký vì không đủ điểm vào những trường khác, ngành khác. Nhiều bạn chưa tự định hướng được sở thích và năng lực bản thân.

* Đã có rất nhiều lời khuyên người trẻ hãy sống với đam mê. Nhưng làm sao để biết mình thật sự đam mê cái gì và làm cách nào để theo đuổi điều đó đến cùng?

Ảnh: H.Thi
Ảnh: H.Thi

- Trần Quốc Tuyên: Với mình, đam mê là... cái duyên. Ban đầu, mình học công nghệ ôtô vì nghe tên ngành này thấy “có tương lai”. Tốt nghiệp, mình xách cái bằng loại khá đi làm ở gara xe hơi. Nhưng khoảng cách giữa thực tại và kiến thức được học quá xa, mình làm không được việc.

Mình đã cất bằng ở nhà, xin làm công nhân chỉ với bằng THPT. Trong quá trình làm, thấy nhiều bất cập của máy móc, mình chủ động đề xuất cải tiến.

Lúc đầu không ai tin, mình ở lại ngoài giờ tự mày mò làm. Các thiết bị dần chạy tốt hơn, cấp trên dần tin tưởng. Mình được giao việc nhiều hơn. Đam mê đã bắt đầu từ đó. Đôi khi phải bắt tay vào làm, thử mọi thứ mới biết mình yêu thích cái gì.

Mình tự nhận bản thân may mắn khi luôn được sự ủng hộ của lãnh đạo, đồng sự. Nhưng nhìn lại, mình nhận ra may mắn là hệ quả của quá trình cố gắng lâu dài chứ không phải trên trời rơi xuống.

Nhìn vào những người chúng ta nghĩ là may mắn, thực chất họ đã cố gắng rất nhiều. Các bạn đừng ngại khó. Cái khó khi chia tách ra sẽ thành nhiều cái dễ. Nếu các bạn bỏ cuộc mỗi khi gặp khó sẽ tạo thành thói quen bỏ cuộc.

- Lê Yên Thanh: Mọi người nhìn vào bảng thành tích nghĩ mình rất thành công. Trên thực tế, bảng thành tích chỉ phản ánh khoảng 30% cuộc thi mình tham gia, 70% còn lại là những cuộc thi khác mình có tham gia nhưng thất bại.

Lý do là sau khi đoạt giải nhất của một cuộc thi, mình ỷ lại, lơ là, hệ quả là thất bại ở cuộc thi khác. Thất vọng, mình buộc bản thân phải cố gắng nhiều hơn để lại đoạt giải cao trong lần sau. Mình rút ra: thành công luôn tỉ lệ thuận với sự cố gắng. Trong trường hợp thấy mình cố gắng nhiều mà chưa thành công, có thể bạn cố gắng chưa đủ. Người thành công chính là người cố gắng nhiều nhất.

- Trần Hữu Lộc: Sự cố gắng, quyết tâm cần được thể hiện trước hết trong việc học. Tôi để ý ở giảng đường, sinh viên mình thường chen chúc ngồi bàn cuối. Trong khi sinh viên nước ngoài thường tranh nhau ngồi bàn đầu để được tiếp cận giáo sư.

Mọi người nên xem việc đi học đại học là một sự đầu tư. Khoản đầu tư đó sinh lãi nhiều hay ít trong tương lai phụ thuộc bạn quyết tâm cỡ nào trong hôm nay. Các bạn phải đặt cược bản thân vào điều đó.

Cuối cùng, khi đã chọn được đường đi và quyết tâm đi cho ngon lành, phần còn lại chỉ cần sống trung thực, làm tốt việc của mình, suy nghĩ cách cống hiến nhiều hơn. Được vậy, bạn đã trở thành người “tiêu biểu”, mẫu mực cho chính mình, là niềm tự hào cho chính bản thân.

Biết sống cho bản thân, vì mục đích chính đáng, phù hợp lợi ích của xã hội là chọn lựa của nhiều bạn trẻ. Trong ảnh: tổ chức trò chơi thiếu nhi tại Mùa hè xanh mặt trận Lý Sơn 2014 - Ảnh: Q.Định
Biết sống cho bản thân, vì mục đích chính đáng, phù hợp lợi ích của xã hội là chọn lựa của nhiều bạn trẻ. Trong ảnh: tổ chức trò chơi thiếu nhi tại Mùa hè xanh mặt trận Lý Sơn 2014 - Ảnh: Q.Định

* Như vậy, mỗi người trẻ đều có thể là một “công dân trẻ tiêu biểu” theo cách của mình?

- Lê Yên Thanh: Mình đồng ý. Mỗi người đều có thể trở thành tiêu biểu trong lĩnh vực của mình, miễn người đó xác định được đam mê và “cháy” hết tuổi trẻ. Không nhất thiết phải có danh hiệu hay sự công nhận quá to lớn nào, chỉ cần bạn biết sống cho bản thân, vì mục đích chính đáng, mang lại lợi ích cho xã hội, bạn đã là một “công dân trẻ tiêu biểu”.

- Trần Quốc Tuyên: Các bạn cần dám nghĩ, dám nói, phải biết đề xuất, đưa ra chính kiến. Nhiều ý tưởng nhỏ được cộng gộp sẽ làm nên sự thay đổi lớn trong hệ thống. Mình nghĩ một người trẻ tiêu biểu là một người trẻ có nhiều sự đóng góp: góp sức, góp ý tưởng, góp tâm huyết.

- Trần Hữu Lộc: Nhiều người trẻ rất giỏi, nhưng giỏi thôi chưa đủ, bởi chỉ cần thiếu một kỹ năng mềm nào đó, các bạn dễ bị hẫng khi cần áp dụng điều mình biết vào thực tế. Quan trọng nhất, mình sống phải thực chất, phải thấy lao động là vinh quang và tất cả ngành nghề chân chính nào cũng có giá trị, được xã hội công nhận. Đừng phù phiếm với một nghề hay đeo đuổi một danh hiệu.

Dù rằng có nhiều trăn trở nhưng tôi luôn rất tin tưởng thế hệ trẻ. Tôi nghĩ toàn xã hội cũng vậy. Các bạn trẻ cũng nên nhìn vào xã hội bằng con mắt tin tưởng, lạc quan.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhiều hơn sự đồng cảm. Mỗi người đều có cách riêng để trở thành tiêu biểu, đừng hùa theo số đông với những chỉ trích ác ý. Với sự đồng cảm, mỗi cá nhân có thể tự do phát triển song hành với việc mọi người có thể cùng nhau sống chan hòa.

Tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2014

Hôm nay 1-1-2015, Thành đoàn TP.HCM tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2014. Đây là những gương mặt trẻ tiêu biểu, đại diện cho tuổi trẻ TP.HCM với nhiều thành tích xuất sắc trong năm qua, được hội đồng bình chọn từ 91 ứng viên do các cơ sở đề cử. Lễ tuyên dương diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, dự kiến được truyền hình trực tiếp trên HTV bắt đầu từ 9g.

Sáu gương mặt được trao tặng danh hiệu này gồm: Lê Yên Thanh (sinh viên khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Trần Hữu Lộc (giảng viên khoa thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM), Tạ Thùy Chi (phó ban quản lý nhà hát thực nghiệm Trường trung cấp Múa TP.HCM (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), Nguyễn Thế Tiến (trinh sát đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM), Trần Quốc Tuyên (tổ trưởng tổ bảo trì phân xưởng mì Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Q.12) và Lê Thị Thanh Vân (Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, Sở Lao động - thương binh và xã hội).

Q.LINH

TẠ THÙY CHI - phó ban quản lý nhà hát thực nghiệm Trường trung cấp Múa TP.HCM, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2014:

Những năm gần đây, nghệ thuật múa đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Điều đó được minh chứng qua việc khán giả tìm đến sân khấu múa ngày càng đông, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Thật sự đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người làm nghề như Thùy Chi.

Trong năm tới, Thùy Chi mong rằng nghệ thuật múa sẽ tiếp tục được các cấp quan tâm, hỗ trợ. Khán giả sẽ đến với múa một cách thường xuyên, thân thuộc như những loại hình nghệ thuật khác. Đó là nguồn động lực rất lớn để các nghệ sĩ múa hoàn thiện mình, rút ngắn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, góp phần giúp nghệ thuật biểu diễn của thành phố ngày càng phát triển.

Năm 2015, thành phố sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi công dân TP.HCM. Không nằm ngoài sự kiện đó, ngành nghệ thuật múa TP.HCM hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật múa đặc sắc được xây dựng. Thùy Chi mong mình có thể tiếp tục cùng các thầy cô, anh chị, bạn bè đồng nghiệp làm nên nhiều bước đi mới, sáng tạo cho nghệ thuật múa trong năm 2015 đầy ý nghĩa này.

M.DUYÊN ghi

HẢI THI - MỸ DUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên