24/05/2011 05:27 GMT+7

Tạo niềm tin vào bác sĩ trong nước

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Tiếp ý kiến của bác sĩ Trương Công Dũng về điều trị chấn thương cho vận động viên (VĐV) trên Tuổi Trẻ 23-5, chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến của một chuyên gia trong ngành là bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

TT - Tiếp ý kiến của bác sĩ Trương Công Dũng về điều trị chấn thương cho vận động viên (VĐV) trên Tuổi Trẻ 23-5, chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến của một chuyên gia trong ngành là bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

Cầu thủ Kim Hồng cuối cùng cũng được phẫu thuật gối. Tin vui cho Kim Hồng nhưng rõ ràng là tin buồn cho giới y khoa VN vì đã không tạo đủ niềm tin cho giới thể thao để phẫu thuật trong nước.

Hiện nay, một số bệnh viện trong nước có thể đảm trách được việc phẫu thuật khớp gối hay các khớp khác cho giới thể thao với các trang thiết bị, dụng cụ mổ cũng như các dụng cụ cố định dây chằng hiện đại như các nước tiên tiến khác. Vậy tại sao các VĐV vẫn quyết định mổ ở nước ngoài, nhất là ở Singapore?

Một thời lạc hậu

Trước năm 2005, gần như các phương pháp mổ hiện đại chưa được phát triển mạnh vì chưa có các nhà phân phối dụng cụ phẫu thuật. Thu nhập thấp, dụng cụ phẫu thuật đắt tiền khiến các ca mổ không thể thực hiện hoặc thực hiện với sự hạn chế. Một số bệnh viện cũng như một số bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình vào thời đó cũng cố gắng phẫu thuật cho bệnh nhân với dụng cụ mua được từ nguồn không chính thức hoặc áp dụng nhiều kiểu cải tiến “cây nhà lá vườn”.

Dĩ nhiên kết quả khó mà tốt bằng các cuộc phẫu thuật được tiến hành với đầy đủ dụng cụ. Thời đó, ngay cả việc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật cho các VĐV cũng không được thực hiện tốt. Điều này làm giảm tỉ lệ kết quả tốt sau mổ. Trong bối cảnh như vậy, các VĐV phải ra nước ngoài phẫu thuật hoặc một số được phẫu thuật trong nước bởi một chuyên gia người Đức với các dụng cụ và ốc vít do ông tự tay mang sang.

4 lý do phải đi mổ ở nước ngoài

Từ năm 2005 trở về sau, nhiều nhà phân phối dụng cụ cho các hãng nổi tiếng thế giới vào VN với đầy đủ dụng cụ phẫu thuật và ốc vít. Hàng loạt cuộc hội thảo trong nước được tổ chức. Nhiều bác sĩ có cơ hội du học ở các nước có nền y khoa tiên tiến như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc. Các bệnh viện đã chú trọng hơn đến nhu cầu được phẫu thuật của các VĐV chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư nên đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị. Nhiều khoa và đơn vị điều trị chấn thương thể thao, chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện công hay tư đã ra đời. Không phải tất cả các VĐV đều có khả năng đi nước ngoài phẫu thuật nên đã phẫu thuật trong nước. Nhiều người trong số họ tiếp tục gặt hái các huy chương trong nước. Tuy vậy, một số VĐV vẫn đi điều trị ở nước ngoài. Có thể lý giải với bốn lý do sau:

Thứ nhất, những VĐV đi nước ngoài mổ là những người đang trên đỉnh cao sự nghiệp, họ cần có niềm tin vững chắc rằng sau khi phẫu thuật họ có thể chơi lại được để còn có thu nhập vì cuộc đời VĐV khá ngắn ngủi.

Thứ hai, những VĐV ở đỉnh cao sự nghiệp hay nổi tiếng thường có các mạnh thường quân tài trợ nên họ sẵn sàng đi nước ngoài điều trị.

Thứ ba, tâm lý chuộng hàng ngoại đã ăn sâu vào trong tâm trí người Việt.

Thứ tư, một vài ca thất bại trong chẩn đoán và điều trị của một vài cơ sở y tế trong nước càng làm tăng thêm lòng tin của VĐV là chỉ có đi nước ngoài mổ mới thành công, cho dù tỉ lệ thành công của một số bệnh lý là không cao.

Hãy tin vào bác sĩ trong nước

Trên phương diện phẫu thuật, không có gì là quá khó khăn với một số cơ sở y tế trong nước. Thậm chí một số bác sĩ VN được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có nhiều bệnh nhân để phẫu thuật mỗi ngày nên có tay nghề cao hơn so với đồng nghiệp ở Singapore, nơi mà dân số còn ít hơn cả TP.HCM nên số bệnh nhân mổ mỗi ngày cũng ít hơn. Những kỹ thuật mổ mới nhất trong điều trị chấn thương thể thao đã được triển khai rất tốt tại VN và một số bác sĩ đã được mời làm báo cáo viên trong các hội nghị ở nước ngoài cũng như được mời giảng về các kỹ thuật mổ nội soi khớp ở một số nước trong khu vực.

Nêu lên điều này chúng tôi muốn mọi người có cái nhìn thực tế hơn về trình độ bác sĩ, cơ sở vật chất và nhân viên phục vụ cho việc điều trị chấn thương thể thao trong nước. Cơ sở vật chất có thể mua được nhưng nhân lực là vấn đề lớn. Các bệnh viện cần chú trọng đầu tư con người, cơ sở vật chất, cải tiến thủ tục và tự giới thiệu mình với giới VĐV để tạo niềm tin của giới này vào trình độ y khoa trong nước.

Điều trị VĐV khác người thường

Ai cũng có thể trả lời điều trị cho VĐV khác người thường. Khác vì lẽ VĐV có yêu cầu về cường độ hoạt động rất lớn. Vì vậy điều trị thành công cho một VĐV không chỉ là vấn đề phẫu thuật (việc này chỉ chiếm 50% thành công) mà còn phải phụ thuộc vào việc tập vật lý trị liệu sau mổ, phục hồi thể lực, phục hồi sức cơ trên phương diện sức mạnh và độ bền của cơ tùy vào môn chơi.

Ngoài ra còn phải tư vấn về dinh dưỡng sao cho mau hồi phục. Tư vấn về tâm lý sao cho VĐV không còn lo sợ tái chấn thương lần nữa cũng như tư vấn làm sao học cách tránh các động tác có thể gây tái chấn thương. Điều này không thể xảy ra nếu VĐV được mổ ở nước ngoài vì họ không thể ở lâu hàng tháng để tập luyện sau mổ.

Khi trình độ phẫu thuật của phẫu thuật viên trong nước tiến khá xa thì các cơ sở phục hồi cho VĐV lại không tiến xa được như vậy. Chúng ta không được chứng kiến các huấn luyện viên nổi tiếng thế giới chỉ dẫn cho cầu thủ ăn gì, chỉ dẫn kỹ thuật cá nhân như thế nào... vì đơn giản đây là công việc của trợ lý huấn luyện viên về thể lực, trợ lý huấn luyện viên về kỹ thuật cũng như các nhân viên phục hồi thể lực.

Chẳng trách sao mà các huấn luyện ngoại khi dẫn dắt tuyển VN rất vất vả vì họ làm tất cả các công việc mà bản thân họ không phải chuyên về việc đó. Chẳng trách sao các cầu thủ VN khi thi đấu các trận quan trọng hay kéo dài thường đuối vào những đoạn cuối.

BS TĂNG HÀ NAM ANH

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên