15/04/2021 14:56 GMT+7

Tăng trưởng tiêu dùng hàng Nhật ở Việt Nam vào top 10 khu vực

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Từng là điểm đến cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu dùng quan trọng, lớn thứ 5 trong các nước nhập khẩu hàng Nhật, với mức tăng trưởng đạt được hằng năm 15-17%.

Tăng trưởng tiêu dùng hàng Nhật ở Việt Nam vào top 10 khu vực - Ảnh 1.

Dù có mức tăng trưởng hai con số nhưng hàng Nhật ở Việt Nam vẫn phải giải quyết bài toán giá thành - Ảnh: N.BÌNH

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay 53,4 tỉ yen (gần 490 triệu USD), tăng 17% so với năm 2019.

Ngày 15-4, chia sẻ với báo chí về các xu hướng kinh doanh mới của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hirai Shinji - trưởng đại diện JETRO tại TPHCM - cho biết nếu như trước đây 40% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là mở nhà máy sản xuất, thì gần đây con số này giảm còn 20%. Đang có sự chuyển đầu tư từ sản xuất, chế tạo sang dịch vụ, bán lẻ, tận dụng sức mua tăng nhanh của thị trường Việt Nam. 

Xu hướng này ngày càng rõ rệt gắn với phát triển thương mại điện tử, giúp cho hàng Nhật Bản dễ dàng đến tay người dùng Việt Nam hơn. 

Do ảnh hưởng của dịch, lưu lượng hàng hóa giữa Nhật Bản và nước ngoài bị hạn chế, từ đầu năm 2021 JETRO bắt đầu vận hành nền tảng trực tuyến "Japan Street", cho phép hỗ trợ việc phân phối các sản phẩm Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. 

Hơn 500 nhà cung cấp đã đăng ký trên trang web này, và dự kiến số lượng đăng ký tăng dần trong tương lai. Các đơn vị mua hàng ở nước ngoài nhiều quốc gia trong đó bao gồm Việt Nam đã được tạo điều kiện đăng ký.

Đặc biệt với dự án Japan Mall, chuyên phát triển các kênh bán hàng ở nước ngoài cho các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày, mỹ phẩm Nhật Bản... thông qua các trang thương mại điện tử ở nước ngoài, nhiều sản phẩm mới được cập nhật thăm dò thị hiếu tiêu dùng của người Việt. 

Đại diện Jetro cho biết với việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, dự án Japan Mall sẽ tiếp tục mở rộng phân phối thương mại các sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam. Hiện nhiều gian hàng Nhật cũng đã lên các sàn thương mại điện tử trong nước. 

Dù cơ cấu đầu tư có thay đổi nhưng Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện Việt Nam xếp thứ 5 trong nhóm các thị trường nhập khẩu hàng lâm nông thủy hải sản của Nhật Bản sau Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... 

"Nếu xét về tỉ lệ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu hàng Nhật vào thị trường Việt Nam tăng lên đến 17%, nằm trong top 10, đưa VN trở thành thị trường tiêu thụ hàng Nhật rất quan trọng", ông Hirai Shinji nói. 

Có một chi tiết khá thú vị là trong thời điểm dịch COVID-19, phải hạn chế ra ngoài, nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn... Thống kê cho thấy dù giá cả bán ra có giảm so với năm trước nhưng doanh thu bán hàng vẫn tăng 5%. 

"Những sản phẩm này thường không quá thiết yếu, giá cao nhưng đã được bán chạy hơn, cho thấy thị trường Việt Nam có sức tiêu thụ đầy tiềm năng, chứ không chỉ là nơi sản xuất của doanh nghiệp Nhật. Tuy vậy, hàng Nhật vẫn phải giải quyết bài toán về giá để phù hợp hơn sức mua thị trường ở đây", ông Hirai Shinji nhận định. 

EVN: Nắng nóng khiến hơn 3,1 triệu khách hàng tiêu thụ điện tăng 30-300% EVN: Nắng nóng khiến hơn 3,1 triệu khách hàng tiêu thụ điện tăng 30-300%

TTO - Các đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua dẫn đến tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên