25/03/2013 02:15 GMT+7

Tăng tốc cho "Tháng 3 biên giới"

P.VŨ
P.VŨ

TT - Phải mất một ngày rưỡi các nhân viên ngân hàng mới kiểm đếm xong một thùng tiền lẻ với 50.860.000 đồng, được góp từ hơn hàng trăm con heo đất của các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM).

QxTyQOcZ.jpgPhóng to
Tiền góp từ heo đất của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) được gửi tới chương trình “Tháng 3 biên giới” - Ảnh: Thanh Đạm

Thầy Bùi Kim Trọng, tổng phụ trách Đội, cho biết truyền thống nuôi heo đất giúp bạn đã được Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm gây dựng và duy trì nhiều năm nay. Cứ trước tết, những con heo đất đưa thẳng từ lò gốm về trường và các bạn học sinh tha hồ tô vẽ cho người bạn của mình, mang về “vỗ béo” trong mùa tết và góp heo cho các chương trình có ý nghĩa xã hội sau đó. Năm nay, đó là chương trình “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ.

Những hình ảnh về ngôi trường rách nát và lớp học thiếu thốn giữa núi cao, vực sâu ở Pò Hèn mà các thầy dán trên bảng đã khiến các cô cậu học trò nhỏ Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy ngôi trường của mình, lớp học của mình đẹp hơn, lung linh hơn. Các em biết mình được sung sướng, may mắn, từ đó đã biết sẻ chia.

Thiết thực theo kiểu của người lớn, Công ty Việt - Nga - Nhật ở Vũng Tàu chuyển khoản đến báo Tuổi Trẻ, đóng góp “Tháng 3 biên giới” 50 triệu đồng. Công ty May Sài Gòn cùng Công ty cổ phần Blue Exchange gửi đến 3.300 chiếc áo thun giữ ấm (trị giá 360 triệu đồng) cho các em học sinh bảy tỉnh biên giới. 500 chiếc áo đầu tiên đã lập tức được Tuổi Trẻ gửi đến Trường Pò Hèn, kịp đón rét Nàng Bân.

Cùng hưởng ứng “Tháng 3 biên giới”, tại Hà Nội, Đại học FPT đã phát động chương trình “Góp gạch xây trường biên giới” trong năm đơn vị thành viên: ĐH FPT Detech, ĐH FPT Hòa Lạc, FPT Arena, Viện Quản trị kinh doanh FSB và FPT Aptech. Mấy hôm nay các cán bộ, sinh viên của ĐH FPT đã chuyền cho nhau những tấm ảnh chụp ở miền biên giới kèm theo thông điệp: “Mỗi viên gạch nhỏ sẽ làm nên một ngôi trường lớn. Ngôi trường ấy sẽ làm cho các em học sinh vùng biên giới vững tâm học hành để sau này cùng bảo vệ Tổ quốc VN”.

Nao nức đi “góp gạch” mỗi sáng, mọi người còn nhắc nhau góp sách để tặng các em khi ngôi trường mới ở Pò Hèn xây dựng xong. Câu lạc bộ tình nguyện FPT bắt đầu lên kế hoạch về một chuyến đi đến Pò Hèn để tìm hiểu cuộc sống của các em học sinh và để đặt chân vào mảnh đất biên cương lịch sử.

Ở TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM tiếp tục các hoạt động trong Tháng 3 thanh niên - Tháng 3 biên giới của trường, tổ chức ngày hội sinh viên với biên cương, hải đảo tại cơ sở Linh Trung, Q.Thủ Đức ngày 23-3. Ở đó, ngoài những bản đồ, hình ảnh Trường Sa, tài liệu biên giới, hải đảo, chủ quyền được trưng bày, triển lãm, còn có cuộc thi “Mỏ neo vàng” dành cho sinh viên toàn trường tìm hiểu về biên giới, hải đảo, có hội thảo báo cáo thời sự về tình hình biển đảo, biên giới VN và các gian hàng gây quỹ cho “Tháng 3 biên giới”.

Nuôi heo đất cho “Tháng 3 biên giới”

Sáng 21-3, công đoàn cơ sở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (TP.HCM) đã mang đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ chú heo đất tham gia đóng góp chương trình “Tháng 3 biên giới”. Số tiền góp được trong heo đất hơn 6,8 triệu đồng, là tiền tiết kiệm của cán bộ công nhân viên trung tâm cùng các cụ đang an dưỡng tại đây đóng góp. Chị Ngô Thị Vân Anh, chủ tịch công đoàn cơ sở trung tâm, cho biết: “Ngay sau khi đọc thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”, chúng tôi vận động mọi người tại trung tâm cùng tham gia nuôi heo đất. Mọi người hưởng ứng nhiệt tình vì biết rằng đây là chương trình rất có ý nghĩa”.

Được biết, trước đây công đoàn và Đoàn thanh niên Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè cũng phát động nuôi heo đất ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên