27/11/2020 08:26 GMT+7

Tăng thuế xe công nghệ: Không để tài xế và hành khách 'gánh' hết

T.DUNG - C.TRUNG
T.DUNG - C.TRUNG

TTO - Xe công nghệ sẽ chịu thuế cao hơn từ ngày 5-12. Ai sẽ chi trả khoản chi phí tăng thêm này? Trách nhiệm các hãng xe công nghệ đến đâu với mức thuế mới trong sự chia sẻ với đối tác (tài xế) và khách hàng?

Tăng thuế xe công nghệ: Không để tài xế và hành khách gánh hết - Ảnh 1.

GrabCar chở khách ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ trích giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh câu chuyện này.

* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM):

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Tăng thuế đối với xe công nghệ trong thời điểm này là hợp lý, cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường taxi.

Từ khi bước vào thị trường Việt Nam, các hãng xe công nghệ đã được nhận rất nhiều lợi thế nhờ kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Phải thừa nhận rằng nhờ có sẵn ưu thế, tính tiện lợi, chi phí hợp lý... các hãng này nhanh chóng được khách hàng ưa chuộng.

Bây giờ cần chính sách quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Khi áp dụng mức thuế cao hơn, nước ta sẽ có thêm nguồn thu thuế có thể phân bổ sử dụng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, đến nay về phía các hãng taxi truyền thống cũng đã có ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, một môi trường cạnh tranh hợp lý sẽ thúc đẩy kinh doanh vận tải phát triển hơn, dịch vụ phát triển hơn, người dân được phục vụ tốt hơn.

Các hãng xe công nghệ nên tính phương án hỗ trợ tài xế, chứ không để tài xế và hành khách chịu hết chi phí tăng thêm được.

* Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển:

Đi xe công nghệ, khách hàng "cõng" thêm phí

Với quy định mới của nghị định 126, hiệu lực từ ngày 5-12, các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Gojek... phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho đối tác và mức thuế GTGT từ 3% lên 10%, tức tăng 7% so với trước đây. Việc này sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Rõ ràng chúng ta nhìn thấy dịch vụ xe công nghệ, đặc biệt là xe 2 bánh, phục vụ nhu cầu số đông người dân đi lại, chủ yếu là người có thu nhập thấp. So với các phương tiện khác như taxi, xe buýt, có thể thấy rằng xe công nghệ vẫn đang có ưu thế về tiện dụng, linh hoạt, giá cả cạnh tranh, được người dân sử dụng hằng ngày như một phương tiện giao thông hữu ích.

Khi hãng xe công nghệ thu giùm Nhà nước khoản thuế của đối tác với mức tăng hơn trước, trước hết là thuế GTGT tăng 7%, cước phí cũng tăng thêm, khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe.

Ở Mỹ, người dân rất hiểu về thuế GTGT và họ được khấu trừ. Họ thoải mái mua hàng hóa, từ điện, nước, đi xe... đều chịu thuế GTGT và họ lấy hóa đơn. Cuối năm họ khai báo thuế và được khấu trừ vào phần thuế thu nhập cá nhân.

Trong khi đó ở VN người dân chưa được khấu trừ thuế GTGT từ những khoản như trên. Việc tăng thuế GTGT đối với xe công nghệ mà không được khấu trừ sẽ gia tăng chi phí cho khách hàng.

Và cũng chắc chắn rằng khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ tính phương án tăng giá cước. Làm sao khách hàng tránh được cú "sốc" giá, vốn dĩ loại xe công nghệ luôn kỳ vọng cạnh tranh giá thấp hơn so với taxi? Doanh nghiệp cũng phải "chia lửa", san sẻ cùng khách hàng và đối tác với phần chi phí tăng thêm kể từ ngày 5-12.

Hiện nay các ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh khốc liệt để lấy thị phần, cách hỗ trợ tốt cho khách hàng hiện nay vẫn là giá hợp lý, thêm khuyến mãi phù hợp với mức chi tiêu của đa số khách hàng ở thời điểm người dân khó khăn. Đó là sự chia sẻ cần thiết và có ý nghĩa với khách hàng.

* Anh Trần Ngọc Lãm (tài xế ôtô công nghệ TP.HCM):

Lo lắng chất chồng

Việc tăng mức thuế từ ngày 5-12 sẽ tạo thêm áp lực cho tài xế rất nhiều. Căn cứ theo quy định mới, tài xế sẽ phải nộp 10% thuế GTGT đầu ra như doanh nghiệp (thay vì mức hiện hành là 3%).

Bên cạnh đó, mức thuế thu nhập cá nhân của tài xế xe công nghệ hiện nay là mức thuế quá cao. Tài xế phải gánh toàn bộ thuế, phí đến "oằn" vai. Các công ty công nghệ cần chia sẻ thuế với tài xế.

Chúng tôi mong Nhà nước phải có chính sách về thuế và quản lý chặt chẽ hơn để các công ty công nghệ cùng chia sẻ thuế với tài xế, thực hiện trách nhiệm thuế với Nhà nước.

Hiện tại, đời sống nhiều tài xế xe công nghệ đã rất khó khăn. So với trước đây, mức thu nhập giảm sút trầm trọng, chính sách ưu đãi từ phía công ty cũng không còn như trước.

Thời gian đầu xe công nghệ vào thị trường Việt Nam, nhiều tài xế đổi đời nhờ chăm chỉ chạy xe. Tuy nhiên trong năm 2020, hàng loạt tài xế còng lưng trả lãi vay mua xe.

Tôi chuyển từ chạy taxi sang chạy xe công nghệ để được tự do thời gian hoạt động, cải thiện thu nhập. Nếu áp dụng việc tăng thuế, e rằng thu nhập của tài xế chạy xe công nghệ còn thấp hơn chạy taxi truyền thống nhiều.

Tài xế xe công nghệ Tài xế xe công nghệ 'run' vì thuế sắp tăng

TTO - Thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, từ ngày 5-12 tới, theo nghị định 126, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

T.DUNG - C.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên