13/04/2017 01:15 GMT+7

Tăng thêm sức mạnh cho pháo phòng không 37mm

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Mất nhiều năm mày mò nghiên cứu để cải tiến hệ thống pháo phòng không 37mm hai nòng, các nhà khoa học quân sự hàng đầu của Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự đã thành công.

Các chiến sĩ pháo phòng không 37mm hai nòng đã được cải tiến tại vị trí chuẩn bị bắn nghiệm thu - Ảnh: ĐẠI THẮNG
Các chiến sĩ pháo phòng không 37mm hai nòng đã được cải tiến tại vị trí chuẩn bị bắn nghiệm thu - Ảnh: ĐẠI THẮNG

“Sau 12 năm cải tiến đó của chúng tôi mới được thừa nhận. Chúng tôi tự hào vì chất xám, trí tuệ của mình đã được áp dụng vào thực tế, giúp ích cho đất nước

PGS.TS NGUYỄN QUANG HÙNG

PGS.TS Nguyễn Quang Hùng, nguyên bí thư đảng ủy Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự (thuộc Viện Khoa học và công nghệ quân sự), nhớ lại: “Khi cuộc chiến vùng Vịnh diễn ra, phương thức tác chiến của đối tượng tấn công thay đổi, chủ yếu tấn công vào ban đêm, tầm thấp, tấn công ồ ạt. GS.TS khoa học Cao Tiến Huỳnh, lúc đó là viện trưởng Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự, đã đặt vấn đề phải làm gì để quân đội có đủ khả năng tác chiến trong điều kiện tác chiến hiện đại và phù hợp với điều kiện đất nước còn nghèo, chưa được trang bị vũ khí hiện đại?”.

Hành trình đi tìm niềm tin

Từ đó, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự có ý tưởng cải tiến hệ thống pháo phòng không tầm thấp trên cơ sở các hệ thống vũ khí hiện có trong trang bị theo hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại để thông minh hóa, hiện đại hóa các vũ khí, đặc biệt là phải trang bị được khả năng đánh đêm cho các hệ thống vũ khí hiện có.

Theo PGS.TS Hùng, pháo phòng không 37mm lúc đó là lực lượng phòng không tầm thấp của quân đội Việt Nam nhưng phải bắn bằng tay, quan sát bằng mắt, chỉ đánh được ban ngày nên không đáp ứng được điều kiện chiến tranh hiện đại. Lúc đó Việt Nam mình có chủ trương sẽ mua hệ thống pháo cải tiến 37mm hai nòng của nước ngoài.

Với pháo phòng không 37mm hiện có, các chuyên gia hàng đầu của Viện quyết làm cho được hệ thống tự động hóa điều khiển hỏa lực tác chiến nhanh và đánh được cả ban đêm. “Chúng tôi bắt đầu làm từ năm 1994. Lúc đó ngành tự động hóa còn non trẻ và Việt Nam đang bị cấm vận. Việc mua các vật tư thiết bị đặc chủng cho quân sự rất khó khăn. Kinh phí thì không có. Lúc mới làm không ai tin chúng tôi làm được” - PGS.TS Nguyễn Quang Hùng kể.

Các giải pháp kỹ thuật phục vụ một hệ thống điều khiển hỏa lực thế giới không công bố, các vật tư linh kiện không bán. Trong khi đó các chỉ tiêu kỹ thuật hệ thống cần phải đạt các chỉ tiêu của hệ thống điều khiển hỏa lực của các nước tiên tiến trên thế giới. Nhóm chuyên gia lại mày mò nghiên cứu. Tất cả chi tiết ban đầu như các sensor đo góc, giải pháp điều khiển chính xác, truyền số liệu tin cậy... cũng do các chuyên gia khoa học, kỹ sư quân sự của viện tự thiết kế, chế tạo.

Được sự ủng hộ của quân chủng phòng không - không quân, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự được cho mượn một khẩu pháo 37mm hai nòng. Khuôn viên viện ở Lý Nam Đế (Q.Hoàn Kiếm) quá chật, không có chỗ đặt pháo. Mọi người mượn mãi mới được một chỗ tại cơ sở 2 của đoàn 871 là chỗ ở của lưu học sinh bên Đông Anh.

Hằng ngày, các chuyên gia khoa học hàng đầu của viện cứ đi từ Lý Nam Đế đến Đông Anh rồi chiều tối lại về viện suốt hai năm ròng như thế. Sau mượn được bãi đất trống của quân đội ở Hoàng Hoa Thám, dời khẩu pháo về đó. Xung quanh bãi đất là ao rau muống. Không có tường rào, nhóm chuyên gia phải đào giếng, dựng tạm nhà lá để có chỗ che mưa nắng cho khẩu pháo và chỗ sinh hoạt để mọi người đến nghiên cứu...

Sau bốn năm “chiến đấu” với rất nhiều thách thức, nhóm đã nghiên cứu cải tiến xong. Đợt bắn thử nghiệm đầu tiên diễn ra ở trường bắn TB1. Pháo được kéo từ Hoàng Hoa Thám lên tỉnh Bắc Giang.

PGS.TS Nguyễn Quang Hùng cho biết: “Lần đó gặp sự cố. Khi ấy đang ở giai đoạn chứng minh về nguyên lý, hệ thống điều khiển sử dụng máy tính văn phòng chứ không phải máy tính quân sự như sau này. Máy tính quân sự thì chịu được trong điều kiện khắc nghiệt hơn: nóng, ẩm, rung, xóc... Máy tính mở từ sáng đến 1h chiều mới bắn vì lúc đó mục tiêu bay mới bay được. Máy bị treo không hoạt động được. Chúng tôi cử người về nhà lấy máy tính khác lên thay trong khi ở trường bắn anh em tháo tung máy ra phơi cho mát rồi lắp lại. Khi anh em chưa về đến viện thì ở trường bắn chúng tôi đã ráp lại máy tính và bắn rơi được mục tiêu”.

Lãnh đạo quân chủng phòng không không quân vui mừng nói ở TB1, pháo phòng không 37mm bắn rơi được mục tiêu M96 là rất tuyệt vời (là loại máy bay chuyên làm mục tiêu bay cho các cuộc bắn thử nghiệm).

Tính ưu việt của hệ thống

Pháo phòng không 37mm hai nòng do nhóm cải tiến có chế độ bắn tự động hiện đại. Hệ thống quan sát phát hiện và xác định quỹ đạo mục tiêu và tính toán hỏa lực hoàn toàn tự động. Việc triển khai chiến đấu rất nhanh, chính xác do được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như tự động lấy thăng bằng, tự động bù góc nghiêng...

Trung tâm chỉ huy hiển thị toàn bộ các thông số của mục tiêu trên màn hình giúp người chỉ huy ra quyết định chính xác, đúng thời cơ. Nó tự động tính toán tọa độ mục tiêu cho từng khẩu pháo, truyền lệnh bắn đến từng khẩu.

Cả sáu khẩu 12 nòng bắn đồng loạt đúng thời cơ, nâng cao hiệu quả của hỏa lực. Trắc thủ không phải tính toán bằng tay như trước, do đó độ chính xác rất cao. Thêm nữa, thời gian từ lúc triển khai đội hình đến lúc chiến đấu rất ngắn. Việc hiệu chỉnh pháo rất nhanh, gọn.

Hệ thống pháo 37mm hai nòng được viện cải tiến, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tác chiến trong điều kiện trang bị của quân đội ta. Các thao tác, sử dụng, phương án triển khai... đều được nghiên cứu kỹ lưỡng lấy ý kiến đánh giá của đơn vị nhằm phù hợp nhất với cách đánh. Trận địa được bố trí rất linh hoạt mà vẫn đạt được hiệu quả hỏa lực cao.

Hiện nay, đến nơi đội hình triển khai xong là bắn được ngay vì đài quan sát đã đọc được các số liệu, tính toán và truyền tọa độ bắn cho từng khẩu pháo nên ở vị trí nào pháo cũng khai hỏa được...

Trước kia một khẩu đội pháo 37mm cần sáu pháo thủ thao tác, tham gia trực tiếp chiến đấu, việc xác định các tham số mục tiêu thực hiện qua việc ước lượng vào bằng tay. Với các mục tiêu bay thấp, tốc độ cao gặp rất nhiều khó khăn (chưa kịp làm gì mục tiêu bay tốc độ nhanh đã bay qua, không bắn được).

Hiện nay với phiên bản bán tự động chỉ còn hai pháo thủ tham gia trực tiếp chiến đấu và có khả năng tiêu diệt được mục tiêu bay thấp và bay nhanh như tên lửa hành trình có tốc độ 800-2.000km/h.

Năm 2000, nhóm chuyên gia tiếp tục hoàn thiện việc cải tiến theo hướng tự động hóa hoàn toàn. Với phiên bản tự động, số người tham gia trực tiếp chiến đấu không còn.

“Sản phẩm rất ổn định, tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Chi phí cải tiến, hiện đại hóa một đại đội chỉ bằng 1/3 giá mua của nước ngoài, đặc biệt chủ động trong bảo đảm kỹ thuật và vận hành” - đại tá Vương Đức Thấn, chính trị viên Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự, nói.

Đến năm 2006, quân chủng phòng không - không quân bắt đầu đặt hàng Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự cải tiến một số đại đội pháo 37mm hai nòng. Công trình cải tiến pháo 37mm hai nòng của nhóm chuyên gia đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

“Với kết quả trong lần bắn thử nghiệm đầu tiên, mọi người mới tin chúng tôi làm được. Nếu không có người đứng đầu bản lĩnh và quyết tâm như anh Cao Tiến Huỳnh, dám đi vào một lĩnh vực rất mới, rất khó thì chắc chắn Việt Nam phải mua của nước ngoài với chi phí rất đắt” - PGS.TS Nguyễn Quang Hùng nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên