01/07/2011 14:39 GMT+7

Tăng quyền bảo vệ người tiêu dùng

H.NHỰT
H.NHỰT

TTO - Từ ngày 1-7, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực. Luật này đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-11-2010.

* TP.HCM thành lập Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng (AFCA)

vea8516f.jpgPhóng to
Với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2011, người tiêu dùng có tiếng nói mạnh mẽ hơn - Ảnh minh họa: NHƯ BÌNH

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

So với những quy định trước đây, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2011 có những điểm mới đáng chú ý là những quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật cũng đã dành riêng chương IV để quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Đặc biệt, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí…

Luật cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp quản lý hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải tại địa phương; xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

* Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA). AFCA là một tổ chức xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. AFCA hình thành từ tiền thân là CLB Chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng báo Sài Gòn Giải Phóng (SACC).

Ngoài mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2011), AFCA còn tham gia các hoạt động chống gian lận thương mại, chống việc sản xuất và mua bán hàng giả, hàng gian và kinh doanh dịch vụ kém chất lượng trên địa bàn TP.HCM. AFCA do ông Hoàng Văn Kháng (nguyên phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng) làm chủ tịch.

H.NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên