27/12/2012 08:02 GMT+7

Tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe: cứng hay mềm với Trung Quốc?

TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ
TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - Ngày 26-12, Hạ viện Nhật Bản đã bầu nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) Shinzo Abe làm thủ tướng, thay thế ông Yoshihiko Noda. Tân thủ tướng lập tức bổ nhiệm nội các mới.

Ông Shinzo Abe lần thứ hai làm thủ tướng Nhật BảnNhật muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc

vEaCFim3.jpgPhóng to
Tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhậm chức ngày 26-12 - Ảnh: Reuters

Theo Kyodo, với 328 phiếu ủng hộ trên 478 phiếu bầu, chính trị gia 58 tuổi Abe đã trở thành thủ tướng thứ 96 của Nhật và là thủ tướng thứ bảy nhậm chức trong vòng sáu năm qua. “Hôm nay tôi thức dậy với một cảm giác tươi mới - ông Abe tuyên bố - Tôi sẽ dẫn dắt chính phủ của mình một cách vững vàng, cân bằng”.

Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Abe đã lập tức bổ nhiệm chính phủ mới với nhiều gương mặt quen thuộc là đồng minh thân cận và các quan chức cấp cao trong LDP. Ông cũng khẳng định việc tái sinh nền kinh tế đang èo uột của Nhật sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông trong thời gian tới.

Mục tiêu kinh tế

Theo báo Asahi, ông Abe đã giao chức bộ trưởng tài chính cho cựu thủ tướng Taro Aso. Ông Aso cùng Bộ trưởng khôi phục kinh tế Akira Amari và Bộ trưởng thương mại Toshimitsu Motegi được trao nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thời kỳ hậu thảm họa động đất - sóng thần 2011. Một trong những thách thức trước mắt với bộ ba này là giải quyết bất đồng trong việc tham gia Hiệp ước tự do thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Trước đó, ông Abe hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng gói kích thích 10.000 tỉ yen (khoảng 120 tỉ USD) và sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Nhật phải siết chặt tỉ lệ lạm phát và hạ giá trị đồng yen nhằm tăng cường sức mạnh cho xuất khẩu. Theo AFP, ngày 26-12 đồng yen Nhật đã giảm giá so với đồng USD lần đầu tiên trong 20 tháng qua. Giới đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Nhật trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Abe. Theo giới phân tích, nỗ lực khôi phục kinh tế của ông Abe nhiều khả năng sẽ giúp LDP chiến thắng tại cuộc bầu cử thượng viện vào giữa năm sau, qua đó kiểm soát toàn bộ Quốc hội Nhật.

Trong chính sách đối ngoại, ông Abe nhấn mạnh trọng tâm tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Ông Abe cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong nhiệm kỳ này sẽ là Mỹ. Hỗ trợ ông Abe sẽ là tân Bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida, 55 tuổi, nguyên chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc hội của LDP. Theo báo Asahi, ông Abe hi vọng những kinh nghiệm đối ngoại của ông Kishida sẽ giúp Tokyo cải thiện quan hệ với Washington.

Còn trọng trách Bộ Quốc phòng được giao cho ông Itsunori Onodera, người từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao. Ông Onodera sẽ là nhân vật đáng chú ý nhất trên chính trường Nhật trong thời gian tới, khi chính quyền Abe thực hiện việc sửa đổi hiến pháp nhằm tái vũ trang quân đội và tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản.

“Quả bóng ở phần sân Trung Quốc”

Giới quan sát nhận định dù Thủ tướng Shinzo Abe bị mang tiếng là “diều hâu”, nhưng việc ông lên nắm quyền sẽ tạo cơ hội cải thiện quan hệ Nhật - Trung. Khi vận động tranh cử, ông tuyên bố sẽ thay đổi hiến pháp hòa bình và sẽ không thương lượng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên sau khi thắng cử, ông Abe đang phát đi những tín hiệu cho thấy ông muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Chẳng hạn, cử đặc sứ Masahiko Komura đến Trung Quốc để đối thoại với Bắc Kinh cũng như cử các đặc sứ khác đến Hàn Quốc và Nga, những nước có tranh chấp lãnh thổ với Nhật. Tổng thống Nga Putin mới đây cũng tiết lộ ông Abe muốn ký một hiệp ước hòa bình với Nga. Tân đại sứ Nhật tại Trung Quốc Masato Kitera ngày 24-12 tuyên bố trên NHK rằng nhiệm vụ số 1 của ông là cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. “Tôi sẽ giải thích cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng chúng ta cần hâm nóng quan hệ kinh tế”.

Theo báo Asahi, tuần trước ông Abe khẳng định quan hệ song phương Nhật - Trung là hết sức quan trọng. Khi tranh cử, ông tuyên bố sẽ đưa quan chức chính phủ ra đóng ở quần đảo Senkaku, nhưng giờ ông cho biết sẽ chỉ “nghĩ về khả năng đó”. Trong quan hệ với Hàn Quốc, ông Abe hủy bỏ “ngày Takeshima” 22-2, một hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền quần đảo tranh chấp này mà Hàn Quốc gọi là Dokdo.

Trên báo Japan Times, nhà bình luận chính trị Frank Ching ở Hong Kong nhận định ông Abe hiểu rằng LDP của ông thắng cử là do cử tri Nhật trừng phạt Đảng Dân chủ sau ba năm cầm quyền thất bại, chứ không phải vì ủng hộ LDP. Do đó, ưu tiên hàng đầu của ông Abe là đưa nền kinh tế Nhật trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Vì vậy, ông Abe sẽ áp dụng chính sách đối ngoại thực dụng. Năm 2006-2007, khi lên làm thủ tướng trong khi mối quan hệ Nhật - Trung đang căng thẳng dưới thời thủ tướng Koizumi, ông Abe đã cải thiện được quan hệ này bằng chuyến thăm quan trọng đến Bắc Kinh.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định một mình nỗ lực của ông Abe là không đủ để cải thiện quan hệ Nhật - Trung. Bởi ông Abe sẽ có ít sự lựa chọn ngoài việc khẳng định chủ quyền của Nhật.

“Nhưng nếu Trung Quốc mềm dẻo, ông Abe cũng sẽ mềm dẻo - nhà phân tích Frank Ching dự báo - Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép lên Tokyo hoặc tận dụng cơ hội này để cải thiện quan hệ hai nước. Quả bóng đang nằm ở phần sân của Trung Quốc”.

TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên