Gỗ sao đen và dầu rái đã khai thác ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: NGỌC CHUNG
Nhiều bất thường quanh vụ khai thác rừng mà ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Tây Hòa (Phú Yên) cần phải trả lời, làm rõ, khi lượng gỗ bị khai thác ước tính lên đến hơn 100m3, nhưng khối lượng thu được thực tế chỉ hơn 10m3.
"Tiền trảm, hậu tấu"
Tại cuộc giao ban báo chí tỉnh Phú Yên tổ chức chiều 6-4, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Trị - phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa - cho biết đã chỉ đạo công an huyện tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ khai thác rừng trồng tại thôn Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây) từ Hạt kiểm lâm Tây Hòa để điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo thông tin mà Tuổi Trẻ có được, trong các ngày từ 10 đến 13-3-2018, BQL rừng phòng hộ Tây Hòa, đơn vị quản lý rừng, đã thuê nhân công vào rừng trồng cây sao đen và dầu rái 22-25 năm tuổi ở thôn Lạc Đạo để khai thác cây đổ, ngã do bão số 12 năm 2017 gây ra.
Ông Lê Văn Bé - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên - cho biết trước khi khai thác tận thu rừng trồng, BQL rừng phòng hộ Tây Hòa phải tính toán khối lượng khai thác, lên bảng kê cụ thể và báo cáo kiểm lâm để giám sát, kiểm tra. Tuy nhiên trên thực tế, ban này đã không thực hiện.
Theo hồ sơ, đến ngày 14-3, khi Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa phát hiện có việc khai thác gỗ trên địa bàn nên tiến hành kiểm tra thì ông Phan Phiến - giám đốc BQL rừng phòng hộ Tây Hòa - mới lập báo cáo, nêu lý do là thấy dân... vào chặt phá, thu gom trái phép nên đơn vị vội thu gom gỗ trước khi làm báo cáo các cơ quan chức năng.
Không biết gỗ đi đâu
Điều bất thường là ông Phan Phiến ký 2 văn bản cùng số 16, cùng ngày 15-3 để báo cáo vụ việc nhưng lại có 2 nội dung khác nhau.
Trong 1 văn bản thì địa điểm tận thu là dốc cây Tung, diện tích thu gom 29,4ha, số lượng cây tận thu khoảng 300 cây ngã. Nhưng trong văn bản cùng số, cùng ngày còn lại, cũng do ông Phiến ký thì địa điểm khai thác là dốc cây Tung và suối Buôn, diện tích thu gom là 83,4ha nhưng số lượng cây tận thu cũng khoảng 300 cây.
Tiếp đó, trong công văn gửi báo chí ngày 17-3 do ông Phiến ký lại nêu số cây ước thu gom tận thu là khoảng 600 cây.
Theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Tây Hòa, sau khi khai thác được chừng 170 cây thì bị yêu cầu dừng lại. Song ông Lê Văn Bé cho biết số lượng cây bị đốn hạ đã lên đến 491 cây, với khối lượng gỗ ước khoảng 115m3.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Phú Yên, BQL rừng phòng hộ Tây Hòa chỉ gom được 8,9m3 gỗ và Hạt kiểm lâm Tây Hòa bắt tại hiện trường được hơn 1,4m3 gỗ. Nghĩa là tại hiện trường chỉ có hơn 10m3 gỗ, số gỗ khai thác còn lại không biết đã "biến" đi đâu.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bé nói rằng chưa thể nói chính xác khối lượng gỗ đã khai thác tận thu của 491 cây gỗ trên vì hiện trường không còn nữa. Vì vậy theo ông Bé, cần thành lập một hội đồng chuyên môn mới xác định chính xác số gỗ đã bị khai thác.
"Luật quy định nếu khai thác trên 20m3 gỗ rừng trồng sai quy định thì sẽ bị khởi tố hình sự. Với số lượng cây đã chặt là 491 cây, đường kính thân lên đến 60cm như thế thì khối lượng gỗ rất lớn.
Do vậy, sau khi khám nghiệm hiện trường, chúng tôi đã lập hồ sơ chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Hòa thụ lý từ ngày 30-3" - ông Bé cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận