24/03/2012 07:52 GMT+7

Tận thu

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
GS.TS NGUYỄN VÂN NAM

TT - Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, người ta đã thảo luận nhiều về “luận thuyết con bò sữa“. Có người nói phải tận thu vắt sữa con bò mỗi ngày thật nhiều mới có sản lượng tối đa, người khác bảo phải nuôi nó cho khỏe để có thể cho sữa trong thời gian dài nhất. Người ta gọi những người đòi vắt sữa mỗi ngày và thật nhiều là theo “chủ nghĩa tận thu”.

Có vẻ như chúng ta đang phải đối diện với sự trở lại của “chủ nghĩa tận thu“? Phí chồng phí giao thông đến mức phi lý; thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý, không theo kịp lạm phát, không chú ý đến nhu cầu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu; đủ các loại phí mà người ta có thể nghĩ ra để thu tiền con trẻ, học sinh, sinh viên đến trường; đủ loại chi phí khi phải đến bệnh viện...

Hậu quả của tận thu ai cũng biết. Chắc chắn không ai muốn có nó. Nhưng ngay cả ấn tượng, cảm giác về sự tồn tại của lạm thu cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng và cần phải được nhanh chóng xóa bỏ.

Phần lớn các quy định về phí giao thông được ban hành có cơ sở pháp lý từ cấp cao nhất. Nhưng rõ ràng chúng còn nặng tính tận thu vì thế khó hợp lòng dân. Phải có một cơ sở pháp lý để hủy bỏ hoặc sửa đổi những quy định hợp pháp như vậy. Nhưng chúng ta chưa xây dựng được những cơ sở pháp lý đó. Đây là nhiệm vụ của lần sửa đổi hiến pháp hiện nay.

Trong hiến pháp phải có những quy định có giá trị chung cao nhất làm mục tiêu và giới hạn cho mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước để có thể vận dụng hủy bỏ các quy định của Chính phủ dù chúng phù hợp với pháp luật hiện hành nhưng không phù hợp với những giá trị chung của hiến pháp. Nếu hiến pháp quy định và công nhận phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm thì chắc chắn những quy định thuế thu nhập cá nhân nào khiến người dân sau khi nộp thuế không còn đủ tiền để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày sẽ bị hủy bỏ.

Khi hiến pháp công nhận và bảo vệ quyền tự do đi lại, quyền tự do hoạt động kinh doanh thì mọi loại phí giao thông - dù được ban hành hợp lệ nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do lưu thông cá nhân, hay quyền tự do kinh doanh (người ta vì sợ chi phí giao thông cao mà không muốn kinh doanh) cũng sẽ bị hủy bỏ.

Cũng cần phải mở rộng hơn nữa phạm vi các quyết định, hành vi quản lý nhà nước mà người dân có quyền khởi kiện hành chính.

Người dân chắc chắn sẽ vui lòng nộp thêm các loại thuế, phí nếu họ biết chắc đó là vì quyền lợi của chính mình. Nếu không thể áp dụng được cho toàn bộ thì trước mắt đối với những loại thuế, phí nhạy cảm gây nhiều tranh cãi cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc công khai, minh bạch. Thu bao nhiêu, dùng vào việc gì và ai là người giám sát, ai là người kiểm tra quyết toán đều phải công bố cụ thể cho người dân biết trước khi thực hiện.

Làm được vậy, chắc hẳn những nghi ngại về một thứ “chủ nghĩa tận thu” sẽ nhanh chóng biến mất.

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên