Hung thủ giết nữ sinh lớp 9 xin được tử hình sớmNữ sinh 15 tuổi chết "bí ẩn" tại nhà
Phóng to |
Giờ nghị án, những phóng viên xúm vào chia sẻ với người mẹ đau khổ có con gái bị xiết cổ đến chết. Chị kể từng chuyện con mình đã phải chịu đau đớn thế nào, cổ bé bị bầm, gương mặt bị biến dạng ra sao, rồi gia đình hung thủ dù ở sát vách nhưng không hề sang đốt cho bé một nén nhang, cũng không thèm hỏi han chia sẻ nỗi đau đớn với gia đình chị... Câu chuyện càng kể càng kéo đông phóng viên xúm đến thì một phụ nữ trung niên, mái tóc đã bạc gần hết mếu máo nói: “Sao Huyền lại nói thế, tôi đã mang tiền sang mà Huyền không nhận, sao Huyền lại nói không có?”.
Không được thông cảm
Tuyên án tử hình Ngày 11-3, hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã tuyên án tử hình bị cáo Lê Văn Đức (41 tuổi) về hai tội giết người (thuộc trường hợp giết trẻ em) và cướp tài sản. Vụ phạm tội của Đức xảy ra tại P.18, Q.4, TP.HCM và nạn nhân của Đức là em H.P.N.D. (học sinh lớp 9, hàng xóm của Đức) khi Đức đột nhập vào nhà em D. (từ sân thượng) trộm đồ. Tuy nhiên, Đức chưa kịp lấy đồ gì thì em D. về nhà nên phát hiện và tri hô. Lo sợ bị lộ, Đức đã đánh đập và xiết cổ D. đến chết. |
Các phóng viên dồn mắt về phía người phụ nữ trung niên. Chị tiếp: “Em tôi nó gây ra tội thì gia đình tôi ngàn lần xin lỗi Huyền, xin lỗi cháu. Hôm làm đám tang, tôi đã mang sang 50 triệu đồng cùng bông, trái cây để thắp nhang cho cháu nhưng Huyền không nhận. Huyền không nhận là việc của Huyền, sao Huyền lại nói chúng tôi không hỏi thăm, không chia sẻ?”.
Bị ngắt ngang câu chuyện, chị Huyền - mẹ nạn nhân - ngưng lại, ngạc nhiên đôi chút rồi nói tiếp: “Tui có lấy tiền đâu mà biết nhà chị mang sang nhà tui bao nhiêu tiền. Tui nói chưa có đồng nào là nói đúng chớ đâu có nói sai”. “Nhưng Huyền nói gia đình tui không sang thắp nhang cho cháu, không chia sẻ hỏi han gì là không đúng...” - chị của bị cáo nói còn chưa xong thì một phụ nữ khác lại kéo chị ra, bởi sợ làm mất trật tự nơi pháp đình tôn nghiêm. Các phóng viên lại đi theo, chị nói: “Tôi biết các bạn làm việc của mình, em tôi có lỗi thì tôi xin nhưng chúng tôi không có lỗi gì cả. Là hàng xóm với nhau, sớm tối đều gặp nhau mà như thế thì chúng tôi như những người không có nhận thức, không có lương tri hay sao?...”. Chị nói và nước mắt chứa chan, gương mặt nhòe nhoẹt.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đến an ủi chị: “Chị đừng khóc nữa, mình có gửi tiền mà người ta chưa lấy thì hôm nay tòa tuyên, mình đi nộp tiền ở thi hành án đi, rồi chờ vào phiên phúc thẩm”. Chị níu lấy luật sư: “Anh nói với quan tòa giúp tôi rằng nhà tôi rất có thiện chí để bù đắp một phần mất mát cho gia đình cháu bé...”. Luật sư kiên nhẫn giải thích: “Lát nữa hội đồng xét xử chỉ tuyên án, tôi có được nói gì nữa đâu. Người ta chưa nhận đồng tiền nào thì người ta nói thế có sai đâu”. Chị ngồi xuống ghế, nín khóc.
Gia đình nào cũng đau
Phía trên hàng ghế dành cho thân nhân bị hại, các phóng viên tiếp tục hỏi câu chuyện về cái chết của bé D. (15 tuổi). “Trời ơi, nó làm lẹ lắm. Hôm đó ở quê nhà tôi có giỗ, tôi về quê trước, cháu dự khai giảng sẽ đi xe ôm người quen xuống sau. Cháu nhớ ra phải về nhà để lấy cục sạc pin điện thoại nên dặn bác xe ôm chờ ngoài đầu hẻm. Chờ mãi không thấy cháu ra nên người xe ôm gọi điện thoại cho tôi hỏi, tới chừng tôi nhờ người tông cửa vào nhà thì con tôi đã chết rồi. Tôi không mang theo những tấm ảnh pháp y đến tòa, chứ nó dùng dây thít đứt cổ con tôi, cái mặt bé phù lên tím bầm...” - chị Huyền nói.
Theo lời chị Huyền, nhà chị bán cà phê, Lê Văn Đức là khách quen hằng ngày. Sáng bữa đó con gái chị còn bê cà phê cho Đức, ly cà phê ấy Đức còn chưa trả tiền cho chị, vậy mà trưa Đức tước đi mạng sống của con chị. Chị chưa bao giờ nghĩ Đức là hung thủ bởi hằng ngày Đức rất hiền lành. “Lúc đó tôi nghi cho người khác. Tôi không nghĩ là thằng Đức”. Chị tiếp tục kể về đứa con gái bé bỏng, xinh xắn và học giỏi. Góc xa một chút là bà nội móm mém của cháu D. đang nói chuyện với mấy cháu học sinh bạn của D.. Cạnh nữa là người cha gầy gò của cháu D. với tấm ảnh thờ ôm trước ngực. Anh ngồi một mình, im lặng ôm chặt tấm ảnh con gái duy nhất trong tay.
Góc khác, mấy học sinh ngồi chúi đầu lại với nhau. “Lớp con đi nhiều nhưng tòa chỉ cho vào được gần một nửa, còn lại đứng ở ngoài hết. Con chép lại để những bạn nào ở ngoài không vào dự thì có thể đọc được”. Một bé gái có đôi mắt trong veo, tay đang giữ cuốn tập ghi chép tỉ mỉ từng lời khai của bị cáo, từng câu hỏi của chủ tọa giải thích. Nhìn đám bạn của cháu líu ríu xung quanh, chị Huyền rầu rĩ: “Nếu con tôi không chết, giờ cháu đã học lớp 11 rồi. Mỗi ngày nhìn thấy các cháu đi học, lại buốt lòng khi nghĩ đến lúc thấy con nằm lăn lóc trên sàn nhà”.
Trước đó không lâu, nói lời sau cùng trước vành móng ngựa, bị cáo Đức nói xin lỗi gia đình nạn nhân, xin lỗi gia đình và các anh chị. Đức nhận ra được việc làm sai trái của mình và mong hội đồng xét xử cho mức án nặng nhất tương xứng với tội danh mà bị cáo đã gây ra.
Và trong khi các chị gái nhốn nháo trước lời nói sau cùng của Đức thì Đức cúi gằm mặt trước vành móng ngựa.
Khi nghe thẩm phán tuyên án tử hình, hai đầu gối Đức run lẩy bẩy, còn các học sinh tham dự phiên tòa vỗ tay thật to.
***
Trời nắng chang chang, giữa trưa đứng bóng nhưng vừa nhìn thấy cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa em ra khỏi tòa, những người chị gái, chị dâu của Đức nhào lại gọi: “Đức ơi, giữ sức khỏe nhé em!”. Bị cáo Đức không nhìn, bước chân chậm chạp tiến về thùng xe đặc dụng đã mở cửa. “Đức ơi, nhìn các chị một tí đi em”. Đức vẫn không quay lại. Tiếp tục lê từng bước ngắn và đôi chân khuỵu xuống trước cửa xe đặc dụng, đôi mắt Đức vô hồn.
- Trời ơi, em ơi, sao không nhìn chị lấy một lần.
- Đức ơi!
Nhiều phụ nữ cùng khóc.
Cánh cửa xe đặc dụng đóng lại, không còn nhìn thấy mặt của bị cáo nữa. Các chị gái, chị dâu của Đức cũng không dám tiến đến gần hơn mà rúm rít vào nhau.
Trước khi rời tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo an ủi các chị của Đức: Giờ chị phải động viên để Đức làm đơn kháng cáo. Thân nhân tốt và thái độ ăn năn, thành khẩn thì còn có hi vọng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận