25/01/2014 07:45 GMT+7

Tâm lý tiền lẻ

THU HÀ
THU HÀ

TT - Lại đến mùa đổi tiền lẻ, những đồng bạc nhỏ rất ít giá trị mua bán hàng hóa đã được dùng để “đổi” với khoản chênh lệch kha khá đủ cho những người hành nghề “đổi tiền lẻ” có một cái tết no đủ.

Tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng có khi bị từ chối ở bãi gửi xe, ở quầy bán vé, bị thay bằng cái kẹo trong siêu thị, giờ lại lên ngôi, phục vụ những nhu cầu được gọi là tâm linh: cúng chùa, cầu may.

Bó tay với “tiền lẻ cầu may”?Cấm dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động tại di tích và lễ hộiKinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ sẽ bị xử lý

Chuyện tiền lẻ rải trắng những chốn vốn chẳng liên quan gì đến tiền như đền chùa miếu mạo giờ đã thành đương nhiên, thành vấn nạn. Ai cũng thấy phản cảm, ai cũng kêu lãng phí, ai cũng thấy có cái gì đó bất nhẫn, thậm chí vô văn hóa trong những hành vi rải tiền trước bệ thờ, nhét tiền vào tay Phật, thậm chí nhét vào miệng, vào vành tai... Nhưng rồì ai cũng tặc lưỡi: có đáng là bao, mọi người đều làm, sao mình không? Bỏ thêm mấy đồng lẻ, nhỡ gặp may mắn... (?!)

Lãnh đạo một tỉnh có nhiều chùa chiền, danh thắng vào bậc nhất đất nước cho rằng: “Năm nào vào mùa lễ hội, chúng tôi cũng nhận được vô số chất vấn của công luận: tại sao lại để tình trạng rải tiền lẻ xảy ra? Câu hỏi có lẽ cần đặt ra lớn hơn: tại sao lại có nhiều người tin vào sức mạnh của những đồng tiền lẻ như vậy?”.

Và ông tự lý giải: có lẽ ai cũng hi vọng bỏ năm xu một hào mua lấy một cơ may, cho nên mới ưa chuộng cái phương châm sống “thả con săn sắt bắt con cá sộp”. Năm nào các chùa chiền, danh thắng cũng tái diễn tình trạng: loa kêu mặc loa, tiền rải cứ rải, có khi họ nhét tiền vào tay Phật xong là có người thu ngay, nhưng vẫn cứ nhét, có vẻ cái tâm lý “hối lộ thần thánh” nhiễm đến độ chỉ cần có cảm giác Phật đã chạm tay vào tiền của mình là làm họ yên tâm, thỏa mãn. Bà nông dân nhét tiền lẻ thì ông xe ôm cũng rải được, anh trí thức ấn vào tay Phật được thì ông quan chức cũng ấn được, không ai kém ai, cứ thế mà thi đua cầu may cầu lộc bằng... tiền lẻ. Chẳng ban quản lý nào, chẳng ngành văn hóa nào gọi loa và đi thu tiền lẻ suốt năm suốt tháng được, một khi ai cũng cứ quyết tin vào sức mạnh của nó.

Ở đây, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền ý thức cho toàn xã hội và từng người dân, còn cần đến sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước: quyết định ngưng in tiền lẻ mới đây của Ngân hàng Nhà nước, hoàn toàn không nêu lý do vì tiền lẻ không có giá trị trao đổi, mà vì lượng tiền lẻ đã in và đang lưu thông vẫn còn đủ dùng. Một chuyên gia kinh tế thì bình luận: VN có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới mà người ta bỏ tiền to ra để mua tiền nhỏ. Và không chỉ là việc đổi tiền, ăn chênh lệch giá - chi phí in tiền lẻ mới là kinh khủng. Lại chỉ để cho một mục đích hết sức mơ hồ: lên chùa cầu may (?!).

Năm hết tết đến, chúng ta chúc nhau những điều đẹp đẽ to tát: dân giàu, nước mạnh, an khang thịnh vượng... Nhưng nếu nhà nhà người người đều chuẩn bị đón một mùa xuân mới bằng một việc rất... lẻ là đi đổi/mua tiền lẻ, với tâm lý cầu may cầu lộc cầu tài như vậy, liệu xã hội có thật sự thịnh vượng, mỗi người có thật sự an khang vì những niềm tin mang tầm... tiền lẻ?

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên