24/01/2014 06:10 GMT+7

Bó tay với "tiền lẻ cầu may"?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Cứ mỗi mùa lễ hội, di tích, chùa chiền, đền miếu ngập trong tiền lẻ. Trước cảnh phản cảm đó, Bộ VH-TT&DL đã vào cuộc với văn bản gửi các sở VH-TT&DL địa phương đề nghị chấn chỉnh, không để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khuôn viên di tích và lễ hội.

Cấm dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động tại di tích và lễ hội

JSmiQkmk.jpgPhóng to
Nhiều người bỏ tiền lẻ lên đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Quang Thế

Nhưng liệu tiền lẻ sẽ không còn phủ trắng đền, chùa mỗi mùa lễ hội và các ngày lễ quan trọng trong năm?

Tiền lẻ trắng đền chùa

"Tôi nghĩ không cấm được người dân đổi và dùng tiền lẻ ở những di tích, lễ hội"

Ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai)

Chùa Hương mỗi năm gánh đến 1.200 bao tải tiền lẻ của du khách. Nếu đến chùa Hương vào ngày khai hội sẽ thấy tiền lẻ rải khắp chùa Trình, suối Yến, suối Giải Oan.

Đền Trần trong thời khắc khai ấn rào rào hàng đợt tiền lẻ ném vào kiệu ấn. Chưa kể đến việc suốt tháng giêng, từ con ngựa gỗ trong đền, bàn thờ đến hậu cung, nghê đá luôn giắt sẵn tiền lẻ của người dân.

Cũng không phải bỗng dưng mà ban quản lý di tích đền Hùng đã phải thiết lập một tấm lưới sắt ở giếng Ngọc để ngăn chặn tình trạng người dân vứt tiền lẻ xuống giếng cầu may. Tuy nhiên suốt nhiều năm qua, tình trạng để tiền lẻ bừa bãi vẫn không thể ngăn chặn.

Nhà Thái học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn rêu phong bỗng dưng mấy năm nay cũng trắng cả tiền lẻ. Những ngày đầu năm, hàng ngàn tờ tiền lẻ được rải trên mái nhà. Chưa kể đến dãy rùa đá ở các bia tiến sĩ Văn Miếu năm nào cũng oằn lưng với xấp tiền lẻ mà du khách đặt lên. Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng tâm lý cầu may ăn sâu bám rễ vào người Việt đến mức cả nơi được coi là trung tâm của tinh thần hiếu học như Văn Miếu cũng không được buông tha.

Trông chờ vào địa phương

Chỉ thị của Bộ VH-TT&DL về việc không để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khuôn viên di tích và lễ hội dường như vẫn chưa đủ nặng để thay đổi thực trạng này. Ông Vũ Xuân Thành (chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL) thừa nhận: “Chỉ thị của bộ là vậy nhưng hiện tại không có chế tài xử phạt. Một khi không có chế tài thì thanh tra không thể xử phạt, buộc phải trông chờ vào địa phương và việc kiểm soát của đoàn thanh tra liên ngành”.

Vì vậy, việc người dân có đổi hay tham gia đổi tiền lẻ hay không lại trông chờ hoàn toàn vào địa phương. Do vậy, theo ông Thành, việc duy nhất có thể làm hiện nay là thuyết phục người dân làm theo. Nhưng thực tế, mỗi chỉ thị của Bộ VH-TT&DL nếu không có chế tài thì rất khó có thể thực hiện, nhất là qua đường tuyên truyền.

Bình luận về chỉ thị của Bộ VH-TT&DL, ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai) cho rằng chỉ thị này không khác việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng. “Việc đó nên để thị trường tự điều chỉnh. Tôi nghĩ không cấm được người dân đổi và dùng tiền lẻ ở những di tích, lễ hội. Người dân bây giờ làm gì có tiền chẵn để công đức, họ chỉ có tiền lẻ thôi thì sao phải hạn chế này nọ. Mà nếu không có chế tài xử phạt thì chỉ là chuyện để nói với nhau”.

Theo thống kê của thanh tra Bộ VH-TT&DL, những nơi được coi là trọng điểm của “vấn nạn” tiền lẻ hiện nay là chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), phủ Giày (Nam Định). Ngoài ra ở hàng ngàn di tích khác, những người thu, đổi tiền lẻ hoạt động công khai, chèo kéo du khách mỗi mùa lễ hội.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên