25/02/2008 02:12 GMT+7

Tấm lòng blouse trắng

 KIM ANH - QUỐC LINH
 KIM ANH - QUỐC LINH

TT - Lần đầu tiên, 50 gương mặt thầy thuốc trẻ được tuyên dương. Họ không chỉ là những y bác sĩ đam mê nghiên cứu, có nhiều sáng kiến mà ở đó còn là những tấm lòng luôn hướng về người khác...

hYMJdVEl.jpgPhóng to

Y sĩ Phạm Thị Thảo kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tâm thần - Ảnh: Q.L.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Dù là những chuyến đi xa đến với đồng bào nghèo hay ở bất kỳ công việc nào, ngọn lửa nhiệt huyết vẫn luôn thắp sáng trong họ dưới lớp áo trắng thiêng liêng của người thầy thuốc...

Sống chung với… bệnh nhân tâm thần

Nhớ ngày đầu tiên vào tham quan Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (TP.HCM), Phạm Thị Thảo không nghĩ có ngày mình lại gắn bó với nơi đây. Chính cô giám đốc trung tâm trò chuyện và không quên hỏi đi hỏi lại cô gái mới 19 tuổi rằng "liệu em có làm nổi công việc này không?". Vậy mà cô y sĩ đa khoa Phạm Thị Thảo đã có tám năm buồn vui nơi đây. Và bốn năm nay Thảo cùng ăn, cùng sống với 213 bệnh nhân nam đủ các lứa tuổi ở khoa B - một trong ba khoa lớn nhất, có số bệnh nhân đông và phức tạp nhất của trung tâm.

Dẫn đi một vòng trung tâm, Thảo chỉ vào những luống rau cải bẹ xanh đã gần tới ngày thu hoạch và không giấu được niềm vui: "Thành quả của các bệnh nhân đó”. Song song với dùng thuốc điều trị, những bệnh nhân đang dần hồi phục, tỉnh táo sẽ được ra ngoài cùng lao động với nhân viên. Những công việc tưởng như rất đỗi thường tình ấy lại trở thành liệu pháp trong điều trị, giúp bệnh nhân có được cảm giác sớm hòa nhập trở lại với đời thường.

Liên hoan tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu do Thành đoàn TP.HCM tổ chức diễn ra tối 24-2. Dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ đã chính thức ra mắt với trên 150 hội viên do thạc sĩ - bác sĩ Vũ Trí Thanh (ĐH Y dược TP.HCM) làm chủ tịch.

Lau rửa vết thương, chùi rửa chỗ ghẻ chốc, hỏi thăm chuyện gia đình, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho bệnh nhân là công việc hằng ngày của Thảo. Cũng phải có lúc thấy chán công việc này chứ? Câu hỏi còn chưa dứt, Thảo đã lắc đầu quầy quậy bảo càng làm càng thấy thương bệnh nhân, càng thấy mình khó có thể dứt bỏ nơi này mà đi.

Làm "chiến sĩ” trên từng cây số

Rời ca trực đêm, bác sĩ Châu Phú Thi (khoa ngoại - lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy) tất tả khoác balô chạy kịp chuyến xe đi khám bệnh cho bà con dân tộc tỉnh Đắc Lắc. Những chuyến đi hàng tháng như vậy của Đoàn thanh niên Bệnh viện Chợ Rẫy hầu như không thiếu mặt bác sĩ Thi, dù thời gian cho công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học được anh tính bằng... giây! Mê nghiên cứu khoa học và mê luôn những hoạt động tình nguyện, anh phải "chia sức" để được tham gia cả hai.

Luôn áp lực với tình trạng bệnh nhân quá tải, nhiều ca trực căng thẳng nhưng lúc nào trong anh cũng đầy ắp kỷ niệm của những ngày làm "chiến sĩ” Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng mà ở đó anh bảo rằng đã cảm nhận được giá trị của sự chia sẻ.

Với nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo (khoa nội Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Bưu điện II) thì "mỗi chuyến đi lại thấy lòng mình nhẹ nhàng". Gần chục năm trong nghề thì cũng ngần ấy năm cô bác sĩ nhỏ nhắn này gắn với những chuyến đi tới những vùng sâu, vùng xa để khám chữa bệnh cho người nghèo. Thảo đã có hẳn cho mình "bộ sưu tập" những sáng kiến: sáng kiến cải tiến qui trình chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện; cải tiến trả kết quả điện thần kinh cơ... Không chỉ thế, Thảo còn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "Điện thế gợi thính giác thân não trên người VN bình thường" đã được báo cáo tại một số hội nghị y tế và mang lại hiệu quả cao cho việc chẩn đoán điều trị bệnh nhân.

 KIM ANH - QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên