08/11/2017 19:45 GMT+7

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Dù mưa lớn liên tục nhưng hàng trăm phương tiện cơ giới vẫn kiên trì làm việc, khơi thông những điểm sạt lở cô lập người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhiều ngày qua.

Hơn 300 điểm sạt lở bủa vây các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi - Thực hiện: TRẦN MAI

Ngày 8-11, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại quốc lộ 24C có hàng chục điểm sạt lở bạt cả ta-luy âm và ta-luy dương, những khối đất đá lớn chắn ngang đường.

Trên quốc lộ 24C, đoạn tiếp giáp giữa hai huyện Trà Bồng và huyện Tây Trà tình trạng sạt lở núi làm hàng trăm mét đường giao thông trên tuyến tê liệt hoàn toàn. 

Còn tại Km 63, Tỉnh lộ 622B, đi qua xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, hơn 500 m3 đá đất đã tràn xuống chặn ngang, cắt đứt tuyến đường lên trung tâm huyện Tây Trà. 

Đó chỉ là một trong rất nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ trên tuyến đường huyết mạch lưu thông của người dân huyện Tây Trà xuống các huyện đồng bằng.

Trong khi đó tại huyện miền núi Sơn Tây, nhiều điểm sạt lở trên các tuyến đường huyết mạch cũng đang thách thức người dân. 

Đường Trường Sơn Đông không thể lưu thông qua lại khi có đến bốn điểm sạt lở lớn với hàng chục ngàn mét khối đất đá chắn hoàn toàn lối đi.

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi  - Ảnh 2.

Người dân kẹt lại ở điểm sạt lở trên quốc lộ 24C - Ảnh: TRẦN MAI

Theo UBND huyện Sơn Tây, toàn huyện có trên 50 điểm sạt lở, trong đó có hơn 20 điểm sạt lở nặng. 

Khắp các tuyến đường, máy múc phải hoạt động hết công suất để sớm giải phóng mặt bằng, tạm thời thông tuyến, giải cứu người dân bị mắc kẹt ở đầu bên kia điểm sạt lở.

Chiều 8-11, cơn mưa dầm nặng hạt đang tiếp tục trút xuống, nhưng khắp các điểm sạt lở đều có công nhân và phương tiện cơ giới xử lý đất đá. 

Tại quốc lộ 24C hàng chục công nhân và phương tiện máy xúc của Công ty Cổ phần xây dựng giao thông Quảng Ngãi đang xử lý số đất đá bị ngọn núi sạt lở vùi đoạn đường tại đây.

Ông Trần Châu Anh - Phó giám đốc Công ty nêu trên cho biết đã huy động hai máy đào và bốn xe tải để xử lý từ ba ngày qua nhưng chỉ mới dẹp được khoảng 7000m3 đất đá ở đoạn giáp hai huyện Trà Bồng và Tây Trà

Số lượng đất đá đổ xuống ở khu vực này ước khoảng 30.000 m3 nhưng mối đe dọa vẫn còn nếu trời vẫn còn khả năng mưa những ngày tới.

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi  - Ảnh 3.

Hàng trăm điểm sạt lở như thế này bủa vây các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Lê Nhân - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết rằng chỉ riêng 11 tuyến tỉnh lộ và 3 tuyến Quốc lộ do sở quản lý, qua thống kê sơ bộ đã có khoảng 300 điểm sạt lở do cơn bão lũ số 12 gây ra. 

Tổng số lượng đất đá bị sạt lở cần dọn dẹp khoảng 100.000 m3 và để xử lý số đất đá này cần kinh phí khoảng 300 tỉ đồng mà dù phần tỉnh cần khoảng 200 tỉ đồng cũng là "quá lớn", theo ông Nhân.

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi  - Ảnh 4.

Xe cơ giới tiến vào xử lý một điểm sạt lở với hàng chục ngàn mét khối đất đá đổ xuống đường - Ảnh: TRẦN MAI

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi  - Ảnh 5.

Điểm sạt lở ở đường Đông Trường Sơn cô lập con đường huyết mạch nối từ huyện Sơn Tây lên tỉnh Kon Tum - Ảnh: TRẦN MAI

Tạm khai thông 300 điểm sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi  - Ảnh 6.

Tỉnh Quảng Ngãi đang huy động hàng trăm phương tiện cơ giới xử lý sự cố sạt lở khắp các huyện miền núi Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên