Đặc biệt có những chỗ xe đậu hai làn, lấn ra sát làn xe chạy rất nguy hiểm.
Dừng xe, mắc võng ngủ trên cao tốc
2h sáng, tài xế Nguyễn Nhựt Minh (36 tuổi, quê Bến Tre) tấp xe vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Bước xuống xe, anh Minh uể oải kéo lại tấm bạt phủ trên thùng xe cho ngay rồi đi một vòng xung quanh để kiểm tra chốt cửa phụ, khóa bình ắc quy. Sau đó, anh lôi một cái võng trong cabin ra mắc dưới gầm xe của mình nằm nghỉ, mặc kệ dòng xe lướt qua với tốc độ 100km/h ngay cạnh mình.
Anh Minh cho biết đều đặn mỗi tuần anh ghé đây ngủ hai lần. Công ty giao hàng cho đối tác rất trễ, khi quay về TP.HCM thường đã 2, 3 giờ sáng nên tranh thủ ghé hai bên đường ngủ để lấy lại sức.
"Chạy trên cao tốc giờ này vắng xe rất dễ buồn ngủ nên tấp vào ngủ cho an toàn chứ ráng chạy rất nguy hiểm. Hơn nữa nếu về đến TP.HCM cũng phải đậu xe ngoài đường để ngủ", anh Minh nói.
Theo anh Minh, ngủ trên đường cao tốc có lưới rào hai bên đường nên hạn chế được tình trạng trộm cắp. Có đèn đường của trạm dừng chân gần đó hắt ra nên nằm ngủ an tâm hơn.
Cũng như tài xế Minh, anh Hoàng Đình Hùng (39 tuổi, quê TP.HCM) cũng chọn một chỗ trống trên làn tăng - giảm tốc ở hai đầu trạm dừng chân trên cao tốc này để ngủ. Anh Hùng không thường ngủ trên cao tốc nhưng nếu bữa nào lỡ đường, không về công ty kịp thì anh sẽ chọn cao tốc để dừng xe ngủ vì... an toàn.
"An toàn" ở đây theo anh Hùng là không sợ bị kẻ xấu trộm vặt, xin đểu như nhiều nơi khác. "Hơn nữa ở đây gần trạm dừng chân, có bảo vệ trông coi nên cũng đỡ lo", anh Hùng nói.
Theo ghi nhận trong đêm 20-6, hai bên làn tăng - giảm tốc và làn dừng khẩn cấp gần khu vực trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương có hàng chục xe tải, xe đầu kéo dừng để ngủ.
Tài xế đậu xe hàng dài, mắc võng ngủ trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Dù có trạm dừng chân gần đó nhưng theo một số tài xế, có những thời điểm trong trạm dừng chân xe đã đậu kín chỗ, không còn chỗ trống nên họ buộc phải ngủ trên đường. Một số tài xế khác cho biết ngủ ngoài đường "êm" hơn vì không ồn ào như trong trạm bởi tiếng rồ ga, tiếng đèn chớp nháy của những xe khác.
Nghiên cứu mở rộng trạm dừng chân
Theo ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam), trước tình trạng tài xế dừng, đỗ xe trên làn dừng khẩn cấp và làn đường tăng - giảm tốc trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đơn vị quản lý đường cao tốc đã cắm biển cấm dừng, đậu trên đoạn đường này.
Tuy nhiên một số tài xế vẫn dừng, đỗ trái quy định. "Hiện đã có camera ghi nhận tại khu vực này và sẽ tiến hành xử phạt nguội đối với những xe vi phạm", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, hiện lưu lượng xe trên cao tốc đã tăng rất nhiều so với trước đây. Sắp tới tuyến đường này mở rộng thêm thì trạm dừng chân cũng cần tính toán phương án mở rộng để đáp ứng dừng xe ngủ, nghỉ qua đêm của tài xế.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang - cho biết trong buổi làm việc với Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) về việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới đây, tỉnh đã có ý kiến cần mở rộng trạm dừng chân trên tuyến đường này. Tuy nhiên, quyết định làm hay không thì phải chờ ý kiến chính thức của Bộ GTVT.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng lên 10 làn xe
Ngày 21-6, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết đơn vị đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và Long An về dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.
Nói về thực trạng của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai.
Ban Quản lý dự án 7 cho biết dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Dự án đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài khoảng 39,6km. Về quy mô đầu tư, sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Tốc độ thiết kế 120km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.765 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của Bộ GTVT.
Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2025 và tổ chức thi công, hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trong năm 2027.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận