Tài xế của công ty tôi vi phạm luật giao thông, bị tước bằng lái 2 tháng nên không thể tiếp tục thực hiện công việc lái xe được. Vậy công ty tôi có thể bố trí làm việc khác được không? Nếu tài xế không chấp nhận làm công việc khác thì xử lý như thế nào?
Bạn đọc L.T. (TP.HCM) gửi câu hỏi tư vấn.
Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về việc bố trí công việc khác khi tài xế bị tước bằng lái như sau:
Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về các trường hợp người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp:
- Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm.
Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
- Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
- Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới.
Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại điều 99 của bộ luật này.
Như vậy, do tài xế của công ty chị vi phạm luật giao thông đường bộ, bị tước bằng lái, không còn đủ điều kiện để thực hiện công việc lái xe, không đáp ứng được yêu cầu kinh doanh, sản xuất nên công ty có quyền tạm thời chuyển tài xế làm công việc khác phù hợp sức khỏe, giới tinh trong thời hạn không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm.
Trường hợp tạm thời phải làm công việc khác quá 60 ngày cộng dồn trong 1 năm mà người lao động không đồng ý, thì công ty phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận