16/01/2018 17:43 GMT+7

Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trung Quốc hiện đang nắm giữ hơn 1,2 ngàn tỉ USD nợ công của Mỹ. Thông tin Bắc Kinh ngừng "cho Mỹ vay thêm" đã khiến thị trường bấn loạn trong tuần qua. Thực hư thế nào?

Nhà báo Tom Holland giải thích trên báo South China Morning Post của Hong Kong lý do tại sao Bắc Kinh đã và sẽ tiếp tục là ông chủ nợ lớn nhất của Washington.

Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay? - Ảnh 1.

Các container hàng hóa được bốc dỡ lên tàu ở cảng Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: AP

Có một câu nói xưa trong ngành tài chính như vầy: "Nếu anh nợ ngân hàng 100 USD, có nghĩa anh có vấn đề. Nhưng nếu anh nợ ngân hàng 1 triệu USD, thì ngân hàng mới là có vấn đề".

Đưa vào thực tế: Chính phủ Mỹ nợ Trung Quốc 1,2 ngàn tỉ USD (có lẽ còn nhiều hơn). Như vậy, Trung Quốc có vấn đề chứ không phải Mỹ.

Có vẻ như các thị trường tài chính đã quên mất câu nói đó trong tuần rồi. 

Một bản tin của hãng thông tấn Bloomberg có nội dung cho rằng Bắc Kinh dường như đang giảm bớt và thậm chí dừng mua nợ công của Mỹ và điều đó đã kích hoạt một làn sóng bất an trên thị trường.

Phản ứng lại, nợ công của Mỹ bị bán tháo, đẩy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 10 tháng. Một số nhà quan sát còn tuyên bố đà đi lên suốt 35 năm qua của thị trường trái phiếu coi như là chấm hết.

Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay? - Ảnh 2.

Thông tin nói Bắc Kinh muốn ngừng mua trái phiếu Mỹ khiến khị trường hốt hoảng - Ảnh: AFP

Công bằng mà nói, có một số lý do chính đáng khiến các quan chức Trung Quốc muốn hạn chế mua nợ công Mỹ. Có dấu hiệu cho thấy các thế lực lạm phát đang trỗi dậy trong nền kinh tế Mỹ, vốn sẽ đẩy lãi suất USD lên cao và đẩy giá trái phiếu đi xuống.

Cùng lúc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang giảm số nợ công họ nắm giữ dù trong bối cảnh chính phủ Mỹ chuẩn bị tăng lượng phát hành để bù đắp cho lỗ hổng ngân sách tạo ra bởi các khoản cắt giảm thuế hồi tháng 12-2017. 

Theo thời gian, kết quả ròng sẽ là áp lực giảm đè lên giá trái phiếu.

Nhưng kể cả khi Bắc Kinh muốn ngừng mua trái phiếu Mỹ, thì cũng không có nghĩa họ sẽ làm được. Và thậm chí nếu họ có thể dừng, cũng không có nghĩa các nhà đầu tư khác nên sợ hãi viễn cảnh đó.

Trung Quốc mua nợ công Mỹ - hay cho Chính phủ Mỹ vay tiền - bởi vì ngành xuất khẩu của họ thu được một lượng ngoại tệ khổng lồ. Trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 11-2017, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 416 tỉ USD. Và mặc dù Bắc Kinh nỗ lực "nhân dân tệ hóa" các giao dịch quốc tế, phần lớn số tiền họ kiếm được vẫn là USD.

Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay? - Ảnh 3.

Người dân Trung Quốc xếp hàng tại một ngân hàng ở Bắc Kinh để mua trái phiếu - Ảnh: AFP

Trong nhiều năm, lượng thặng dư thương mại lớn như vậy giúp Bắc Kinh tích trữ được 2 ngàn tỉ USD. Phần lớn số tiền đó - ít nhất 1,2 ngàn tỉ và khả năng là hơn - được đầu tư vào nợ công Mỹ.

Rất đơn giản, những người quản lý quỹ dự trữ của Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong chuyện này.

Hiển nhiên, khu vực đồng euro và Nhật Bản cũng phát hành một lượng lớn nợ công. Nhưng trong cả hai khu vực kinh tế này, các ngân hàng trung ương thường tiến hành bơm tiền vào thị trường bằng cách mua lại toàn bộ trái phiếu do chính phủ phát hành.

Nói cách khác, khi nói đến mua trái phiếu chính phủ, chỉ có Mỹ mới đủ cung cấp cho Trung Quốc.

Trên lý thuyết, các nhà quản lý của Trung Quốc có thể bỏ qua nợ công và chọn mua cổ phiếu hoặc nợ doanh nghiệp. Nhưng đa dạng hóa đầu tư như vậy rất khó khăn. Trái phiếu doanh nghiệp ít có tính thanh khoản hơn nợ công, việc giữ chúng làm tăng thêm rủi ro tính dụng, vốn rất khó đánh giá. Và rủi ro khi ôm cổ phiếu thậm chí còn lớn hơn.

Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay? - Ảnh 4.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: AP

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ. Và mặc cho những lý do nên giảm/ngừng mua nêu trên, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy giữa tháng 11-2016 và tháng 10-2017, nợ công của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ chỉ tăng chứ không giảm (thêm 140 tỉ USD).

Các nhà quản lý Trung Quốc quả thật không có nhiều lựa chọn. Nhưng thử tưởng tượng Bắc Kinh muốn đa dạng hóa đầu tư, chẳng hạn mua nợ công của châu Âu hoặc trái phiếu doanh nghiệp Mỹ. Kể cả trong kịch bản này thị trường cũng không có gì phải lo sợ.

Trước hết, Bắc Kinh sẽ quản lý sự thay đổi một cách rất cẩn thận để không gây ra một trận bán tháo gây ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu họ nắm giữ.

Thứ hai, hãy cân nhắc hệ quả của thay đổi. Những người quản lý quỹ dự trữ của Trung Quốc là "cá voi" trong giới đầu tư, nếu họ chuyển đổi một lượng đáng kể nợ công Mỹ sang nợ công châu Âu, họ sẽ đẩy lãi suất trái phiếu châu Âu xuống so với trái phiếu Mỹ. Trái phiếu doanh nghiệp cũng tương tự như vậy.

Đối với các con "cá mập" khác trên thị trường - quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương... - thay đổi của Trung Quốc sẽ tăng sức hấp dẫn của trái phiếu Mỹ so với các loại tài sản khác, dẫn đến kết quả là dòng tiền mới sẽ lấp vào.

Các nhà đầu tư bị bấn loạn trong tuần rồi có thể không hiểu hết những thứ nói trên, nhưng các nhà quản lý của Trung Quốc hoàn toàn hiểu. Đó là tại sao ngày tiếp theo, Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc lên tiếng bác bỏ thông tin Bắc Kinh có kế hoạch dừng mua nợ công Mỹ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên