Một gia đình ở Mumbai cùng dán mắt vào màn hình xem phim truyền hình dài tập - Ảnh: NYT |
Bộ phim truyền hình dòng soap opera (phim truyền hình dài tập với những câu chuyện đan xen, kể về cuộc sống của nhiều nhân vật, tập trung vào các mối quan hệ tình cảm) đầu tiên ở Ấn Độ là Hum log, dài 154 tập, được phát sóng năm 1984.
Kể từ đó, dòng phim soap opera thống trị hoàn toàn thị trường truyền hình khổng lồ ở Ấn Độ.
Ấn Độ có hơn 800 kênh truyền hình, và truyền hình là hình thức giải trí rẻ tiền nhất, dễ tiếp cận nhất tại một quốc gia có hàng trăm triệu người dân vẫn đang phải sống trong cảnh đói nghèo.
Ước tính 146 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ có tivi, đồng nghĩa với việc các kênh truyền hình thu hút khoảng 600 triệu khán giả. Các bà nội trợ, phụ nữ vùng nông thôn, người giúp việc là những khán giả trung thành nhất của dòng phim soap opera.
Dài hàng nghìn tập
Dư luận Việt Nam xôn xao về bộ phim Cô dâu 8 tuổi dài tới 1.924 tập. Tuy nhiên đó không phải là hiện tượng gì quái lạ tại Ấn Độ. Bộ phim Kyunki Saas Bhi Kabhi Bahu Thi (Vì mẹ chồng từng là con dâu) được phát sóng từ ngày 4-7-2000, kéo dài tới gần tám năm rưỡi với 1.830 tập. Có tập phim thu hút lượng người xem kỷ lục 110 triệu người.
Yeh Rishta Kya Kehlata Hai (Tên của mối quan hệ này) chiếu từ tháng 1-2009 đến nay và phát sóng 1.770 tập. Tương tự, Taarak Mehta Ka Ooltah Chashmah phát sóng từ ngày 28-7-2008 và tính đến ngày 12-6-2015 kéo dài 1.694 tập. Kahaani Ghar Ghar Kii (Chuyện của mỗi nhà) phát sóng từ tháng 16-10-2000 và kết thúc vào tháng 10-2008 với 1.661 tập.
Uttaran (Đã qua sử dụng) kéo dài từ tháng 12-2008 đến tháng 1-2015 với 1.549 tập. Cũng phải kể đến Kumkum (Mối quan hệ thân thiết) lê lết từ tháng 7-2002 đến tháng 3-2009 với 1.449 tập.
Hay Saath Nibhaana Saathiya bắt đầu từ tháng 5-2010 và đến nay đã chiếu 1.426 tập. Kasautii Zindagii Kay khởi động từ tháng 10-2001 và kết thúc vào tháng 2-2008 sau 1.423 tập.
Tại sao những bộ phim truyền hình dài lê thê lại có thể lôi kéo hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu khán giả dán mắt vào màn hình mỗi ngày?
Nếu các bộ phim điện ảnh Hollywood mang tính giải trí, giật gân cao, thì phim truyền hình tập trung vào cuộc sống gia đình đời thường, những mối quan hệ chồng chéo giữa vợ - chồng, mẹ chồng - con dâu, anh - chị - em…
Nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, sự hi sinh của người thân dành cho nhau, các nhân vật luôn rơi nước mắt trong những tình huống éo le. Tất cả đều đậm chất truyền thống văn hóa Ấn Độ, mà gia đình vẫn là nền tảng của các giá trị truyền thống trong xã hội quốc gia Nam Á này, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Và dù dài lê thê, nhưng các bộ phim truyền hình Ấn Độ cũng có đủ chiêu trò lôi kéo khán giả như những diễn biến bất ngờ ngoài dự đoán.
Cảnh trong tập 85 Cô dâu 8 tuổi |
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu
Đó có thể là những âm mưu hiểm ác, chuyện ngoại tình, chồng đánh vợ, những đứa trẻ ngoài giá thú… Phụ nữ luôn là trung tâm của các bộ phim truyền hình, cánh mày râu chỉ là công cụ để dẫn dắt câu chuyện.
“Do đó, mọi phụ nữ Ấn Độ đều mê mẩn phim truyền hình, từ các bà nội trợ, những người giúp việc, kể cả phụ nữ có công ăn việc làm” - BBC dẫn lời giáo sư Shoma Munshi thuộc trường ĐH Mỹ ở Kuwait nhận xét.
Một đề tài mà rất nhiều phim truyền hình Ấn Độ khai thác là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Theo nền văn hóa Ấn Độ truyền thống, người phụ nữ khi lập gia đình không chỉ kết hôn với chồng mà cả toàn bộ gia đình nhà chồng.
Và mối quan hệ với mẹ chồng đóng vai trò quan trọng đối với hạnh phúc của người phụ nữ. Câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu chính là yếu tố quan trọng nhất đem lại sự thành công cho bộ phim Kyunki Saas Bhi Kabhi Bahu Thi.
Báo New York Times dẫn lời nhà sản xuất phim truyền hình Ekta Kapoor, người đứng sau thành công của Kyunki Saas Bhi Kabhi Bahu Thi, giải thích: “Phụ nữ thích chứng kiến nhân vật yêu thích của họ thể hiện cảm xúc cá nhân. Những bà mẹ chồng sẽ thông cảm với nhân vật mẹ chồng, còn các cô con dâu có thể nhìn thấy mình trong phim”.
Sau Kyunki Saas Bhi Kabhi Bahu Thi, rất nhiều phim truyền hình Ấn Độ khác cũng khai thác đề tài mẹ chồng - nàng dâu để lôi kéo khán giả.
Ngoài ra, thông thường mỗi tập phim truyền hình Ấn Độ chỉ dài khoảng 22 phút, chi phi sản xuất rẻ hơn so với truyền hình thực tế. Do đó, các bộ phim liên tục kéo dài qua nhiều năm.
Giáo sư Shoma Munshi cho biết phim truyền hình soap opera là nguồn sống của các kênh truyền hình giải trí tại Ấn Độ, do đó sẽ còn tiếp tục phát triển, còn tiếp tục được khai thác và có một tương lai tươi sáng.
Như vậy, một điều chắc chắn là sẽ còn vô số bộ phim dài hàng trăm, hàng nghìn tập của Ấn Độ xuất hiện trong thời gian tới. Liệu các nhà nhập phim ở Việt Nam sẽ chọn được những bộ phim hay từ Ấn để phát sóng hay sẽ rơi vào tình trạng phim gì cũng phát?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận