15/08/2021 12:23 GMT+7

Tại sao người bệnh ở nhà thở máy không được, đến bệnh viện lại thở máy bình thường?

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Hiện nay trên thị trường có những loại máy thở nào, sử dụng các loại máy thở trên trong những trường hợp cụ thể nào? Tại sao khi mua máy thở về nhà không thở bằng máy được, nhưng đến bệnh viện lại có thể thở được bằng máy thở?

Tại sao người bệnh ở nhà thở máy không được, đến bệnh viện lại thở máy bình thường? - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 nặng được sử dụng máy thở để hỗ trợ - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trước những thắc mắc trên của độc giả, sáng 15-8, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - về vấn đề trên.

Ông Hải cho biết: Hiện nay có 2 loại máy thở, máy thở không xâm nhập và máy thở xâm nhập. Không xâm nhập là mình dùng mặt nạ úp vào mặt, mũi hoặc là chỉ vào mũi và nối với máy. Lúc này tình trạng bệnh nhân vẫn phải tự thở, tỉnh táo và tiếp xúc tốt thì chỉ cần hỗ trợ oxy như vậy.

Loại máy thở thứ 2 là loại máy thở xâm nhập, người bệnh phải thở qua ống nội khí quản, ống này đặt vào đường thở và nối với máy.

Lúc đó thì bệnh nhân có thể không cần tỉnh táo, thậm chí bác sĩ có thể dùng thuốc an thần cho bệnh nhân ngủ để thở theo máy hoàn toàn.

Và có thể dùng giãn cơ để không có một tác động nào chống lại máy thở. Loại máy thở xâm nhập này dùng cho những trường hợp nặng hơn, nguy kịch hơn.

Về oxy, máy thở không xâm nhập và xâm nhập đều có thể dùng đến khí nén, những loại dùng khí nén sẽ êm hơn. Những loại máy không cần khí nén ví dụ như phải di chuyển trên xe cứu thương, sẽ sử dụng bằng điện hoặc tuabin quay bên trong.

Về oxy thì các loại máy thở đều cần sử dụng oxy cao áp và thường có trong bệnh viện.

Có những cái máy thở có thể lắp vào bình oxy, như những máy dùng để di chuyển cùng với bệnh nhân trên xe cứu thương hoặc di chuyển trên cáng, đi chụp chiếu. Những trường hợp trên không cần phải dùng khí nén hay oxy cao áp vì sử dụng trong thời gian ngắn.

Khi thay oxy cho máy thở, công đoạn này khá phức tạp, không chỉ về mặt cơ học mà sau khi thay xong, người thay phải biết nó có thực sự hoạt động được hay không? Vì vậy vấn đề thay bình oxy thường phải có nhân viên y tế thì họ mới biết được việc này.

Trường hợp cần oxy là khi bệnh nhân cảm thấy khó thở, SpO2 thở bình thường không đạt được 94%, lớn hoặc bằng 93% khi thở bằng oxy thông thường thì sẽ cho bệnh nhân thở oxy.

Khi đã thở oxy đã nâng tối đa, ví dụ kính ở mũi chỉ được 4 lít/phút, cao hơn nữa cũng không có tác dụng gì. Bệnh nhân gắng sức và cần phải có hỗ trợ thêm thì lúc đó phải thở oxy dòng cao và có thể sử dụng máy thở không xâm nhập để hỗ trợ cho người bệnh.

Khi tình trạng hô hấp không đạt dù đã dùng oxy dòng cao thì lúc đó bác sĩ có thể sẽ đặt ống thở máy cho người bệnh.

Hiện nay, các bệnh viện gần như đang thiếu cả 2: máy thở và oxy cung cấp cho máy thở. Về máy thở, với số lượng bệnh nhân điều trị lớn như vậy, phải di chuyển từ chỗ sử dụng ít sang chỗ sử dụng nhiều, huy động tối đa, mua thêm, sắm thêm.

Vì vậy, không có nơi nào có đủ máy thở ngay để đủ cho tất cả các bệnh nhân trong bối cảnh đại dịch phức tạp như thế này. Cho nên việc phải huy động và củng cố thêm máy thở là rất đúng đắn và cần thiết.

Oxy hiện nay cũng thiếu, máy tạo oxy và oxy khí hóa lỏng phải được trang bị và cung cấp, nếu dùng nhiều thì hết là chuyện đương nhiên.

photo-1

Ông Hoàng Bùi Hải

Tôi cũng khuyên là mọi người không nên mua máy thở tại nhà, mua máy thở nhưng biết sử dụng máy thở như thế nào cho đúng mới là quan trọng. Máy thở không phải là cái máy bơm, bơm vào hút ra như suy nghĩ của chúng ta mà cần có sự tương tác, cá thể hóa mỗi người mỗi khác.

Nhiều người không thở máy thì sống, mà thở máy thì chết, đặc biệt là những người chưa được đào tạo, không có kinh nghiệm. Đối với những trường hợp trên, khi sử dụng máy thở sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề hơn, ngay cả thở máy hay thở oxy tại nhà.

Thở oxy tại nhà thì có thể làm lu mờ các triệu chứng, không cảnh giác, không theo dõi được tình trạng sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng lúc nào không hay. Vì vậy để thở oxy và thở máy thì bệnh viện vẫn là nơi quan trọng và an toàn nhất.

Kỹ thuật vận hành máy thở và theo dõi tình hình người bệnh rất quan trọng, ngoài ra chỉ định thời điểm nào dùng máy thở và dùng loại máy thở nào cũng rất quan trọng, dùng nhiều oxy quá lúc không cần thiết cũng có thể sẽ bị ngộ độc.

Ngoài ra, việc tự sử dụng oxy, máy thở tại nhà, người dân không biết giai đoạn nào cần dùng bình oxy, giai đoạn nào cần dùng máy thở cũng rất nguy hiểm, nếu không nắm rõ được giai đoạn chuyển tiếp thì người bệnh có thể bị đột tử. Có máy thở nhưng không có nhân viên y tế theo dõi còn nguy hiểm hơn.

Ông Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Có nên mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở dự trữ cho gia đình? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Có nên mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở dự trữ cho gia đình?

TTO - Nhiều người lo xa trước diễn biến của dịch COVID-19 nên đã tìm mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở về nhà để sử dụng khi cần. Như vậy có đúng không?

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên