06/05/2019 22:10 GMT+7

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Có rất nhiều công trình kiến trúc trong một đô thị, tại sao du khách nước ngoài luôn bị thu hút bởi những tòa nhà phủ màu thời gian thay vì các tòa tháp cao tầng bóng lộn?

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ? - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà lúc chưa bắt đầu trùng tu, tháng 4-2017. Công trình này sẽ luôn là biểu tượng của Sài Gòn - Ảnh: PHÚC LONG

Bất cứ ai làm du lịch ở TP.HCM đều thuộc nằm lòng chương trình "City tour" (tham quan thành phố), cứ hỏi và họ sẽ liệt kê ngay các địa điểm quen thuộc: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây, Chùa Ngọc Hoàng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...

Đi một vòng các điểm trên là hết nửa ngày, là "đủ hết Sài Gòn" như một số hướng dẫn viên hay đùa. Bao năm trôi qua từ ngày kinh tế Việt Nam bùng nổ, danh sách trên chưa bao giờ cần cập nhật các công trình mới xây, cho dù nó có cao trăm tầng hay hiện đại cỡ nào.

Điều này không có gì lạ, vì ở bất cứ thành phố nào khác trên thế giới, cái du khách quan tâm hàng đầu luôn là văn hóa, di sản, lịch sử... Một khảo sát từng ghi nhận yếu tố này ảnh hưởng chính đến quyết định chọn điểm đến của hơn 50% khách du lịch.

Văn hóa - di sản ở đây được hiểu là các tòa nhà, công trình lịch sử; di tích khảo cổ; vườn quốc gia; bảo tàng nghệ thuật; biểu diễn nghệ thuật dân tộc; di sản sinh thái... và những thứ tương tự.

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ? - Ảnh 2.

Khách du lịch xếp thành hàng dài để được vào tham quan Nhà thờ Đức Bà Paris, tháng 11-2018 - Ảnh: PHÚC LONG

Xu hướng toàn cầu

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Travel Research, thống kê toàn cầu cho thấy du lịch văn hóa - di sản tiếp tục là mảng tăng trưởng mạnh nhất, đặc biệt là tại khu vực OECD (các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...) và APEC (các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam).

Các chuyên gia ước tính giá trị của mảng du lịch văn hóa - di sản đạt hơn 1 tỉ USD trên toàn thế giới, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là miếng bánh 327 triệu USD. Nó giúp tạo ra hơn 50 triệu việc làm chỉ riêng ở các nước APEC; nếu tính cả lợi ích gián tiếp thì giá trị lên đến 1 tỉ USD và cộng thêm 75 triệu việc làm khác.

Dễ nhận thấy rằng, du lịch văn hóa - di sản có xu hướng thu hút khách cao cấp hơn các mảng khác. Tuy không có sẵn một thống kê toàn cầu, số liệu du lịch của các thị trường như Anh, New Zealand, Úc, Ấn Độ... chứng minh điều đó, theo Travel Research. 

Bênh cạnh đó, một nghiên cứu còn cho thấy nhóm khách quan tâm đến văn hóa - di sản tiêu xài nhiều hơn 38% mỗi ngày, ở lâu hơn 22% so với khách du lịch đại trà. Dữ liệu của Cơ quan Văn hóa và di sản Hoa Kỳ còn ghi nhận tỉ lệ quay trở lại trong nhóm khách văn hóa - di sản cũng cao hơn.

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ? - Ảnh 3.

Những ngôi nhà nhỏ như thế này là linh hồn của cố đô Kyoto của Nhật Bản - Ảnh: Kyoto Journal

Những thứ cũ kỹ nhưng quý giá

Các học giả Serageldin, Shluger và Martin-Brown từng mô tả trong quyển sách Các thành phố lịch sử và di tích linh thiêng (XB 2001) như sau:

"Phố cổ có thể nói là hạt nhân của một đô thị. Đặc điểm của chúng là các ngôi nhà xưa và công trình di sản. Đôi khi, các khu vực này đóng vai trò như một kết tinh văn hóa, chứ không đơn thuần là tập hợp những khối kiến trúc. Lịch sử và con người mang lại ý nghĩa cho chúng".

Trong vài thập niên trở lại đây, các thành phố trên thế giới quay cuồng trong áp lực kinh tế - xã hội, những thứ vốn gây ra tác động không cân xứng lên môi trường đô thị. Nhiều tòa nhà, công trình lịch sử bị phá dỡ, những nơi khác thì trong tình trạng hoang phế.

Theo Viện quốc tế Trao đổi kiến thức IEREK, đổi mới trong kiến trúc hiển nhiên là quan trọng, nhưng bảo tồn và phục hồi các tòa nhà cổ cũng quan trọng không kém.

Bên cạnh giá trị kinh tế nhờ khai thác du lịch, những công trình cổ còn là dấu ấn của lịch sử, giúp các thế hệ sau hiểu và tôn trọng các bậc tiền nhân từng sống qua các thời kỳ khác nhau, với những tập quán và truyền thống khác nhau.

"Sự tồn tại của di tích giúp chúng ta quan sát những thay đổi trong xã hội, hiểu rõ sự hình thành và phát triển của một đô thị từ xưa đến nay. Công trình cổ là bộ mặt của thành phố, chúng phản chiếu những biến động của thời cuộc, từ xung đột, chiến tranh, sự phồn thịnh..." - IEREK nhận định.

Trong nhiều khảo sát, du khách nhận xét những chuyến đi "di sản - văn hóa" để lại ấn tượng sâu sắc hơn kiểu nghỉ dưỡng đơn thuần vì họ học được những thứ mới mẻ. 

Học hỏi kỹ năng và kiến thức được Hãng phân tích Trendwatching đánh giá là xu hướng toàn cầu trong du lịch, ảnh hưởng đến các xu hướng vĩ mô rộng hơn trong tiêu dùng.

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ? - Ảnh 4.

Khu chợ Grand Bazaar ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Bicycletouringpro

Bài học Li Băng

Thủ đô Beirut của Li Băng (Lebanon) là một thành phố cảng tuyệt đẹp nằm bên bờ Địa Trung Hải. Khu phố cổ ở trung tâm Beirut mang dấu ấn của 11 nền văn minh cổ đại, từ Canaanite trong Kinh thánh đến Đế chế Ottoman.

Bản sắc đô thị và kiến trúc của thành phố hình thành trong giai đoạn Đế chế Ottoman và thời kỳ Pháp thuộc. Trong cuộc nội chiến 1975 - 1990, khu vực trung tâm Beirut bị tàn phá nặng nề, khoảng 2/3 công trình gần như không còn cứu được.

Đập hết xây lại toàn bộ thì quá dễ, nhưng người Li Băng đủ khôn ngoan để không làm điều đó. Quận Trung tâm Beirut (BCD) cùng với chính phủ trung ương thành lập một công ty phát triển tư nhân gọi là SOLIDERE để phục dựng lại tất cả những công trình bị hư hại.

Đó là dấu mốc dẫn đến sự hồi sinh của khu phố cổ Beirut ngày nay, một mô hình phục hồi kinh tế kiểu tân tự do. Thành công này không chỉ góp phần chữa lành vết thương cho Beirut, mà còn cả đất nước Li Băng. 

Trong trường hợp này, phục dựng đô thị tạo nên hình ảnh ổn định cho một quốc gia, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch. Công cuộc tái thiết Beirut được giới chuyên gia kiến trúc đánh giá là một thành tựu mang tầm mức toàn cầu.

Cần phải nhìn nhận: bảo tồn di sản, công trình cổ là một nhiệm vụ phức tạp mang đủ các yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế, nó đòi hỏi sự cân bằng. Thiếu đi một chút tinh tế và nhạy cảm dễ dẫn đến những sai lầm không sửa chữa được. Chúng ta muốn thế hệ sau nói "cảm ơn", hay mắc nợ họ lời xin lỗi?

Tại sao khách du lịch thích ngắm những tòa nhà cũ kỹ? - Ảnh 5.

Phục dựng Con đường di sản ở trung tâm TP Beirut thuộc Li Băng - Ảnh: SOLIDERE

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên