16/04/2018 16:22 GMT+7

Tại sao hồ sơ dự án luật cứ trình bản nháp?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga than phiền về tính kỷ luật của các cơ quan Chính phủ trong việc trình Quốc hội dự án luật, trong khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trình độ xây dựng luật của bộ, ngành còn hạn chế.

Tại sao hồ sơ dự án luật cứ trình bản nháp? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga than phiền, các ủy ban của Quốc hội phải dồn quá nhiều tâm sức để làm luật, đến mức không còn thời gian đi giám sát - Ảnh: LÊ KIÊN

Đây là những chi tiết đáng chú ý tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 16-4), cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chương trình năm 2019.

Thiếu nghiêm túc

"Tại sao những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật đã nhiều năm qua nhưng vẫn không khắc phục được? Chúng tôi cho rằng đó là do kỷ luật không nghiêm. Ngay cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra bộ, ngành nào thiếu nghiêm túc" - bà Nga đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ví dụ ngay đến bản tổng kết thi hành pháp luật ở lĩnh vực đó, là một tài liệu kèm hồ sơ dự án luật, nhưng đến 70% là không ký, không đóng dấu. 

"Vậy ai chịu trách nhiệm về những đánh giá, tổng kết số liệu đó?" - bà hỏi.

Bà Lê Thị Nga dẫn chứng thêm: dường như 100% các bản báo cáo đánh giá, tác động của dự án luật, chính sách đó điều chỉnh cũng không ai ký. Tôi nghĩ đó chỉ là bản nháp, bởi không ai chịu trách nhiệm. 

Tôi lấy ví dụ 3 dự án luật mới trình gần đây là dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi hồ sơ rất dày, nhưng các báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết chính sách không ký, đóng dấu.

"Bộ Tư pháp cứ đánh giá là hồ sơ, tài liệu đầy đủ, trình đúng thủ tục, vậy thử hỏi với những trường hợp trên tại sao Bộ Tư pháp vẫn cho qua. Chúng ta có muốn làm nghiêm hay không, chứ cứ để tình trạng nể nang nhau thì rất khó" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bức xúc.

Bà "đề nghị Chính phủ trả lời xem tình trạng ổn định của hệ thống pháp luật như thế nào? Gần đây có hiện tượng trình rất nhiều dự án một luật sửa nhiều luật. Tôi nghĩ nhà đầu tư khi vào VN người ta đầu tư theo luật A, được vài hôm chúng ta lại sửa thành luật B thì họ có hài lòng không?".

Cũng đề cập đến vấn đề này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc bình luận nguyên nhân là do thực hiện chưa nghiêm. Có những dự án luật chúng ta đã bố trí vào chương trình rồi, đến khi báo cáo cử tri rồi nhưng lại xin rút ra thì rất khó coi. 

Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội này cũng vậy, đến phút chót mới xin rút dự án luật ra vì chưa chuẩn bị kịp.

"Làm sao khắc phục tình trạng tờ trình thì có, số công văn thì có nhưng ruột thì không. Tại sao số liệu báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội cứ vênh nhau như vậy, đó là do chúng tôi báo cáo số liệu thực. Chúng tôi không thể thống kê vào khi hành chính báo lên là chưa nhận được tài liệu" - ông Phúc cho biết.

Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị: "Cần thay đổi nguyên tắc, không thể cứ để tình trạng Quốc hội phải bắc nước chờ gạo, khi nào có gạo mới bắc nước, chỉ trừ trường hợp đặc biệt lắm. 

Bây giờ chúng ta đã ấn định thời gian rất cụ thể là ngày 10 mỗi tháng sẽ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20-5 và 20-10 mỗi năm sẽ khai mạc kỳ họp Quốc hội, thì cơ quan chuẩn bị phải căn cứ vào đó để hoàn thành hồ sơ, tài liệu".

Việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên (năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung 10 dự án)... Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Tại sao hồ sơ dự án luật cứ trình bản nháp? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật có nguyên nhân sâu xa do trình độ, năng lực - Ảnh: Quochoi.vn

Nguyên nhân sâu xa là trình độ hạn chế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu tình trạng không thống nhất ngay bên trong Chính phủ: Trong soạn thảo luật thì quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành còn vênh nhau. 

Ví dụ chủ trương Luật Đầu tư công thì Thủ tướng rất sốt sắng sửa để thúc đẩy phát triển, nhưng khi tôi trao đổi với các bộ thì họ nói rằng nên nghiên cứu kỹ.

Giải trình về trường hợp Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: Về sửa đổi Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chính thức kiến nghị Quốc hội cho phép đưa dự án luật này vào kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhưng qua làm việc với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội, chúng tôi thống nhất là sẽ trình vào kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thời gian nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ.

"Về phía Chính phủ, Thủ tướng và các phó thủ tướng rất quyết liệt, trong các kỳ họp đều có nội dung này và tổ chức kỳ họp chuyên đề. Nhưng hạn chế như đã nêu thì đúng là tồn tại qua nhiều năm. 

Thực ra các bộ, ngành cũng rất tích cực, nhưng cũng thẳng thắn mà nói nguyên nhân sâu xa là do trình độ xây dựng pháp luật còn hạn chế" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo bà Tiến, "mặc dù quyết tâm, nhưng các bộ, ngành cũng tập trung nhiều cho công tác điều hành, còn lại ở các bộ thì chỉ có vụ pháp chế, thậm chí có bộ không có vụ pháp chế".

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong hai năm 2018 và năm 2019, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tổng cộng trên 50 dự án luật.

Trình Quốc hội dự Luật cảnh sát biển Trình Quốc hội dự Luật cảnh sát biển

TTO - Sau khi được Chính phủ thông qua, dự án Luật cảnh sát biển đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay (10-4), trước khi trình Quốc hội xem xét.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên