Nhà văn Quách Giao (bìa phải) ký tặng sách của cha ông cho độc giả - Ảnh: P.S.N.
Buổi lễ do gia đình cố nhà văn - tác giả Xứ trầm hương cùng Thư viện tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Dịp tái bản lần này cũng là tròn 50 năm Quách Tấn khởi sự viết cuốn sách Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa, rồi đổi tên thành Xứ trầm hương và được NXB Lá Bối ấn hành lần đầu tiên vào năm 1969.
Cuốn Xứ trầm hương của NXB Đà Nẵng vừa tái bản có độ dày hơn rất nhiều (gần 700 trang) bởi ngoài được in lại đầy đủ, sách còn có thêm hai phần phụ lục khoảng 300 trang, "bổ túc" nhiều thông tin mang tính cập nhật của chính tác giả, của nhà văn Quách Giao (con trai tác giả) và nhiều người viết khác cho phần nguyên bản.
Nói về Xứ trầm hương trong Lời thưa khi hoàn thành cuốn sách, Quách Tấn rất khiêm nhường cho rằng "viết Xứ trầm hương, tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được, nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa. Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú, thấy đáng yêu, đáng quý, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng nước non" và "Xứ trầm hương không phải là Khánh Hòa tỉnh chí".
Thế nhưng tất cả núi non, sông ngòi, bãi đảo, thắng cảnh, cổ tích, phong tục, dân sinh… của cả vùng đất, con người Khánh Hòa đã được Quách Tấn quan sát, tìm hiểu, ghi chép, bảo lưu chân thực, sống động, cẩn trọng trong từng lời kể đến từng chữ, từng câu trong Xứ trầm hương.
Chính vì vậy, nhiều người được đọc Xứ trầm hương vẫn coi đây là cuốn sách dư địa chí Khánh Hòa hay cuốn "sách sử" về đất, về người Khánh Hòa. Ngày nay, rất nhiều vùng đất, cảnh vật, di tích, danh thắng Khánh Hòa đã bị đổi thay - "thương hải tang điền"… - nên Xứ trầm hương còn giống như một "bảo tàng vô giá", thuyết minh về rất nhiều giá trị văn hóa, núi sông, con người Khánh Hòa cho bạn đọc, du khách và cho mai sau…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận