21/01/2019 11:13 GMT+7

Tai nạn giao thông, xét trách nhiệm các bên

Ông ROGER BADDELEY (người Úc)
Ông ROGER BADDELEY (người Úc)

TTO - Luật pháp ở Úc quy định bất cứ ai tham gia vào quy trình thu tiền, đóng gói, vận chuyển hoặc nhận hàng cho doanh nghiệp thì đều có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Tai nạn giao thông, xét trách nhiệm các bên - Ảnh 1.

Xe container cán chết người nhưng lái xe bỏ chạy, bị người dân chặn lại (ảnh chụp ngày 7-1 tại đường số 2, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN

Vào khoảng những năm 1980, sau hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng do xe tải gây ra liên quan đến tình trạng tài xế mệt mỏi, lạm dụng ma túy để tỉnh táo, xe bị lỗi và quá tải, Chính phủ Úc và Bộ Giao thông vận tải đã quyết tâm phải giảm bớt số vụ tai nạn nghiêm trọng.

Và thay đổi tích cực đã diễn ra ở đất nước tôi từ đó.

Lập cơ quan quản lý xe hạng nặng

Năm 2013, Cơ quan Quản lý xe hạng nặng quốc gia (NHVR) của Úc được thành lập. Đây là cơ quan có quyền độc lập giám sát tất cả các phương tiện hạng nặng với tải trọng hơn 4,5 tấn để nâng cao tính an toàn và hiệu quả của các phương tiện vận tải nặng trong giao thông.

Luật mới cho phép cơ quan này quản lý hoạt động của các xe, các quy định về việc đánh giá phương tiện vận tải nặng, quản lý sức khỏe của tài xế, tiêu chuẩn vận hành của xe, nhất quán trong việc áp dụng và tuân thủ các quy định.

Tình trạng mệt mỏi là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các tài xế xe tải gây ra tai nạn. Mệt mỏi ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và khiến phản ứng của tài xế chậm hơn, mất tập trung và ngủ gật. Đây chính là những khoảnh khắc rất nguy hiểm có thể khiến xảy ra tai nạn chết người.

Tai nạn giao thông, xét trách nhiệm các bên - Ảnh 2.

Ông ROGER BADDELEY

Lao động quá sức làm cho chúng ta khó nhận ra mình thực sự mệt mỏi như thế nào. Nếu bạn lái một chiếc xe tải hoặc xe buýt, điều quan trọng là bạn biết cách nhận ra và xử lý những ảnh hưởng của sự mệt mỏi. 

Trong luật dành cho các phương tiện vận tải nặng có yêu cầu bắt buộc về quản lý mệt mỏi của tài xế và nhật ký công việc. Tài xế phải giữ một sổ ghi chép chính xác về số giờ đã lái xe.

Đây là cách cơ quan chức năng Úc đảm bảo mọi người làm việc trong ngành vận tải phải thực hiện những quy định này một cách nghiêm túc. Trách nhiệm được quy định rõ ràng và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

"Chuỗi trách nhiệm" trong vi phạm

Luật pháp ở Úc quy định bất cứ ai tham gia vào quy trình thu tiền, đóng gói, vận chuyển hoặc nhận hàng cho doanh nghiệp thì đều có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, dù không có vai trò trực tiếp trong việc lái xe hạng nặng. 

Ngoài ra, công ty, giám đốc, đối tác và người quản lý phải chịu trách nhiệm về hành động của những người dưới quyền của họ. Điều này được gọi là "chuỗi trách nhiệm". 

Các bên trong "chuỗi trách nhiệm" bao gồm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có ảnh hưởng đến nhiệm vụ vận chuyển, bao gồm: tài xế, chủ thuê lao động, người lên kế hoạch lưu hành xe hoặc xếp tài cho tài xế, người gửi và nhận hàng hoặc tiền, người bốc vác vận chuyển hàng...

Ở Úc, việc kiểm tra ngẫu nhiên phương tiện vẫn được áp dụng khi cần. Tuy nhiên, đôi khi các vụ tai nạn nghiêm trọng, chết người vẫn xảy ra. Chúng ta phải thừa nhận việc xảy ra tai nạn là không tránh khỏi. 

Các quy định chặt chẽ là để hạn chế tai nạn càng nhiều càng tốt. Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tài xế cũng rất quan trọng vì các tình huống cấp cứu bất ngờ như đột quỵ hay co giật có thể xảy ra và gây tai nạn thảm khốc.

Trong giai đoạn sống ở Việt Nam từ 2003-2010, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn. Trong đó, đến nay tôi vẫn ám ảnh vụ tai nạn xảy ra trên đường Cộng Hòa ở TP.HCM. Hôm đó, một chiếc xe tải đậu bên đường với những thanh thép nhô ra khỏi thùng xe. 

Họ bất cẩn đến nỗi không có giẻ màu hoặc cảnh báo màu cho những người đi xe máy. Một người lái xe máy không chú ý đã tông thẳng vào các thanh thép lòi ra. Hai người trên chiếc xe máy đó đã chết dưới chân tôi.

Một lần khác, tôi đang chạy xe máy trên quốc lộ thì trời mưa. Thật kinh hoàng khi thấy một người lái phụ đang chênh vênh trên nóc xe bên ngoài kính chắn gió phía trước để sửa cần gạt nước chiếc xe bị hư, trong khi xe vẫn đang chạy. Nếu điều đó xảy ra ở Úc thì cả tài xế, lái phụ và chủ sở hữu xe sẽ bị tòa án xử lý nghiêm và phạt nặng.

Việt Nam đang bàn đến việc có nên tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế vi phạm luật giao thông, gây tai nạn nghiêm trọng hay không. Theo tôi biết, Úc không có quy định về việc tước bằng lái vĩnh viễn của người lái xe. Khi chạy xe quá tốc độ quy định, tài xế có thể bị thu bằng từ 3-12 tháng. 

Ngoài ra, có một hệ thống điểm phạt, ai càng nhiều điểm phạt, thời gian bị thu bằng lái càng lâu. Ở Úc, theo quy định, mọi xe tải đều phải có thiết bị chặn tài xế chạy quá 100km/h.

Ông MICHAEL DOLA (Ireland):

Nguy hiểm trên những đường liên tỉnh

michael dolan

Phải nói thật rằng giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là ở các cung đường liên tỉnh, đôi khi rất nguy hiểm. Trong một lần đi phượt ở miền Bắc, tôi đang chạy xe máy trên quốc lộ 32 thì chiếc xe tải hạng nặng đột ngột tách làn để vượt mà không để ý gì đến những chiếc xe khác ở làn bên cạnh và không chừa một khúc đường nào cho tôi đi. Hoảng sợ, tôi nhanh chóng phi xe máy lên mép đường đầy cỏ để thoát thân!

Ở nước tôi, xe tải được gắn thiết bị theo dõi thời gian lái xe liên tục và tốc độ lái để các công ty có thể kiểm soát xem tài xế có nghỉ ngơi sau bốn tiếng chạy xe liên tục như pháp luật quy định không. Tài xế cũng có thể bị kiểm tra nồng độ cồn tám tiếng trước giờ chạy xe, còn đối với ma túy thì tài xế có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào.

Tôi nghĩ cần có quy định các công ty vận tải phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước các quy định do Chính phủ đề ra. Nếu tài xế do công ty này thuê mướn không đạt chuẩn quy định (uống bia rượu trong khi lái xe, sử dụng ma túy hay thuốc kích thích...), hoặc xe cộ không đạt chuẩn, toàn bộ trách nhiệm sẽ được quy về các doanh nghiệp và họ sẽ phải trả những khoản tiền phạt lớn và bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Có những doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để tối ưu lợi nhuận nên Chính phủ cần phải siết lại quy định và đảm bảo quy định được thực thi. Một cách tốt để đảm bảo các doanh nghiệp thực thi quy định là cấm họ kinh doanh hoàn toàn khi họ bị phát hiện vi phạm.

Hà My ghi

Ông VONGTHASITH SONG (người Lào):

Thói quen gây nguy hiểm

Cảnh xe tải tham gia giao thông nguy hiểm chẳng xa lạ gì với tôi nữa vì nhà tôi gần quốc lộ 1, đặc biệt là với các tuyến xe Bắc - Nam. Theo tôi, điều nguy hiểm nhất ở Việt Nam có lẽ là thói quen tăng tốc khi thấy đèn giao thông từ xanh chuyển sang vàng hay đỏ, thay vì chạy chậm lại. Và một trong những "tâm lý" gây chết người khác là "xe lớn được ưu tiên", trong khi xe nhỏ như xe máy, hay người đi bộ lại nghĩ "xe lớn sẽ nhường mình thôi" và chen vào những khe nhỏ, điểm mù của xe lớn.

Các doanh nghiệp lại thường hay ép tài xế chạy liên tục quá giờ quy định khiến họ trở nên nóng nảy và vội vàng hơn. Tài xế dẫu chạy xe để cải thiện cuộc sống nhưng phải biết từ chối những cuốc xe họ không tự tin mình sẽ chạy được. Có như vậy các doanh nghiệp mới ngừng ép họ.

Các nhà chức trách luôn tập trung vào việc tăng mức phạt, nhưng theo tôi cách này sẽ không hiệu quả nếu các tài xế không hiểu hậu quả từ hành động của mình và không có trách nhiệm với công việc. Nếu muốn áp dụng các mức phạt cho hiệu quả, nên yêu cầu các tài xế xe tải, xe khách, xe container làm bài kiểm tra lý thuyết luật giao thông hằng năm để đảm bảo họ luôn cập nhật những quy định mới nhất và không quên đi những gì đã học.

Ông Tony Shepherd (người Úc):

Nhiều người chạy xe như đua

Tôi thường thấy nhiều tài xế chạy xe như đua mà không màng đến kích thước, trọng lượng xe, cũng như khoảng cách an toàn. Mỗi lần thấy chiếc xe container nào bẻ cua trên đường, tôi lại có cảm giác họ đang "đua xe" trên đường phố. Một thói quen xấu khác mà nhiều người Việt mắc phải là sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Ở Úc, việc nghe điện thoại khi lái xe luôn được cảnh sát chú ý hàng đầu và người vi phạm bị phạt rất nặng.

Hà My - Ngọc Đông ghi

Không lẽ bó tay với tai nạn giao thông? Không lẽ bó tay với tai nạn giao thông?

TTO - Tai nạn giao thông, ai cũng nơm nớp lo sợ, bất ngờ xảy ra và để lại hậu quả - trong nhiều trường hợp - vô cùng nặng nề. Đã có nhiều biện pháp đưa ra, vậy mà số người chết vì tai nạn giao thông vẫn khong giảm.

Ông ROGER BADDELEY (người Úc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên