02/05/2020 13:41 GMT+7

Chuyên gia quốc tế: Tái dương tính nhiều khả năng không phải là tái nhiễm

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các chuyên gia cho biết hiện tượng các bệnh nhân tái dương tính với virus corona chủng mới nhiều khả năng không phải là tái nhiễm mà do thiếu sót của phương pháp xét nghiệm tìm gen virus dẫn đến kết quả dương tính giả.

Chuyên gia quốc tế: Tái dương tính nhiều khả năng không phải là tái nhiễm - Ảnh 1.

Bác sĩ Oh Myoung Don, làm việc tại Bệnh viện ĐH Quốc gia Seoul và đứng đầu Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Làn sóng các bệnh nhân COVID-19 tái dương tính với virus corona chủng mới sau khi đã hồi phục đang khiến nhiều người lo lắng rằng virus này có khả năng "tái hoạt động" hay lây nhiễm cho mọi người nhiều lần. Hàn Quốc cho đến nay đã ghi nhận hơn 260 bệnh nhân tái dương tính với virus corona chủng mới sau khi hồi phục, theo Trung tâm Y khoa quốc gia Hàn Quốc (KCDC).

Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm hiện tại cho rằng cả hai khả năng này đều khó xảy ra, theo trang Live Science ngày 1-5.

Bác sĩ Oh Myoung Don, làm việc tại bệnh viện ĐH Quốc gia Seoul và đứng đầu ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo ngày 30-4 rằng phương pháp PCR có thể không phân biệt được giữa vật liệu di truyền (RNA hay DNA) của virus gây lây nhiễm với các mảnh của virus "đã chết" vốn có thể tồn tại một thời gian dài trong cơ thể người đã khỏi bệnh, theo báo The Korea Herald.

Ông Oh cho biết các xét nghiệm PCR không thể biết được virus còn sống hay đã chết, do đó có thể dẫn đến kết quả dương tính giả. "PCR nhằm tạo ra một lượng lớn bản sao gen mục tiêu của virus để xét nghiệm COVID-19 ở Hàn Quốc, và các trường hợp tái phát là do các giới hạn kỹ thuật của xét nghiệm PCR" - bác sĩ Oh nói.

Giáo sư Carol Shoshkes Reiss, khoa sinh học tại ĐH New York và không liên quan đến ủy ban trên, giải thích thêm: "Mặc dù một người có thể hồi phục và không còn bị nhiễm nữa, họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ RNA của virus (không hoạt động) vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm đó" (tức xét nghiệm PCR)".

Giáo sư Reiss nói với trang Live Science rằng nguyên do là vì một khi virus đã bị tiêu diệt thì vẫn còn các tế bào đã bị virus tiêu diệt trước đó bên trong cơ thể con người và trong "đống rác thải của các tế bào chết này" có những mảnh vỡ còn sót lại của các phân tử virus không lây nhiễm.

Để xác định liệu một người có đang mang hay không mang virus lây nhiễm hoặc bị tái nhiễm với virus corona chủng mới hay không, giáo sư Reiss cho rằng cần phải làm thêm một loại xét nghiệm hoàn toàn khác. 

Theo giáo sư Reiss, thay vì xét nghiệm virus như hiện nay, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ nuôi cấy virus lấy từ các bệnh nhân hoặc đặt virus vào các đĩa nuôi cấy tế bào trong các điều kiện lý tưởng và quan sát xem liệu nó có khả năng phát triển hay không.

Phát hiện của ủy ban do bác sĩ Oh đứng đầu cũng đã xác nhận lại một đánh giá trước đó từ KCDC khi cho rằng các bệnh nhân tái dương tính dường như có rất ít hoặc không có khả năng lây bệnh. KCDC đưa ra bản đánh giá sau khi dẫn kết quả thí nghiệm nuôi cấy virus cho thấy không phát hiện virus sống trong người các bệnh nhân đã hồi phục, theo The Korea Herald.

Chuyên gia quốc tế: Tái dương tính nhiều khả năng không phải là tái nhiễm - Ảnh 2.

Bác sĩ Oh Myoung Don (bìa trái) cùng các quan chức khác của Hàn Quốc trong cuộc họp báo về tình hình các ca COVID-19 ở Hàn Quốc ngày 29-4-2020 - Ảnh: KTV

Không chỉ ở Hàn Quốc, một số quốc gia khác như Trung Quốc và Nhật cũng đã báo cáo về các trường hợp tái dương tính với virus corona chủng mới. Tuy nhiên, bà Reiss cho rằng cộng đồng khoa học hiện nay có chung quan điểm, dựa vào tất cả các thông tin đã biết về virus corona chủng mới cho đến ngày hôm nay rằng những người đó không phải bị tái nhiễm mà là có kết quả dương tính giả.

Hơn nữa, bác sĩ Oh cũng cho rằng "virus corona không có khả năng gây nhiễm trùng mãn tính hay tái phát bệnh". Nguyên do, theo bác sĩ Reiss, là thế này: Một số virus, như virus làm suy giảm hệ miễn dịch ở người (HIV) và virus thủy đậu, có thể tích hợp vào DNA của tế bào vật chủ bằng cách xâm nhập vào nhân tế bào con người, nơi chúng có thể ẩn nấp trong nhiều năm và sau đó "hoạt động trở lại".

"Tuy nhiên virus corona không nằm trong số những virus đó. Thay vào đó virus ở bên ngoài nhân của tế bào vật chủ trước khi nhanh chóng xâm nhập vào tế bào tiếp theo" - bà Reiss nói.

"Điều đó có nghĩa là virus không gây lây nhiễm mãn tính hay tái nhiễm" - bác sĩ Oh nhận định. Nói cách khác, "rất khó có khả năng" virus corona hoạt động lại một thời gian ngắn trong cơ thể sau khi người bệnh nhiễm bệnh và hồi phục.

Tuy nhiên, ở một thời điểm nào đó xa hơn, tái nhiễm vẫn là một khả năng về lý thuyết. "Chúng ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau một năm tính từ hiện nay, không ai biết cả" - bà Reiss nói.

Theo bà Reiss, virus corona hiện chỉ đang có những đột biến gen rất nhỏ nên không thể trốn tránh hệ miễn dịch của những người đã từng mắc COVID-19. Đột biến gen phải đủ lớn để các kháng thể hiện có của một người đối với SARS-CoV-2 không còn tác dụng chống lại một chủng mới của virus này. Cho đến nay điều này dường như sẽ không xảy ra.

"Nếu những phần còn lại của virus này có những thay đổi rất nhỏ thì rất khó có khả năng" một người sẽ bị tái nhiễm vào năm tới, theo bà Reiss.

Trong kịch bản khác, mà bà Reiss nghĩ là có khả năng xảy ra, virus corona chủng mới sẽ hoạt động giống như virus gây bệnh thủy đậu, và những người mắc COVID-19 một lần cũng có sẵn kháng thể miễn dịch sau đó do khả năng ghi nhớ miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Bác sĩ Reiss cho biết tất nhiên đây vẫn chỉ là một "giả định", và sẽ mất một thời gian trước khi chúng ta có thể hiểu đầy đủ về sức mạnh của hệ miễn dịch trước virus corona chủng mới và liệu khả năng miễn dịch nếu có trước virus corona chủng mới có tồn tại lâu dài hay không.

Ngày 25-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bác bỏ quan điểm cho rằng bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục sẽ không tái nhiễm. WHO khẳng định rằng vẫn chưa có bằng chứng về hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể.

Washington Post: Mỹ có thể học hỏi Việt Nam kinh nghiệm chống COVID-19 Washington Post: Mỹ có thể học hỏi Việt Nam kinh nghiệm chống COVID-19

TTO - Việt Nam không phải nước có công nghệ phát triển như Hàn Quốc hay Đài Loan, cũng không phải một không gian nhỏ, dễ kiểm soát như Hong Kong hay Iceland, song họ đã kiểm soát dịch thành công và Mỹ có thể học hỏi kinh nghiệm, theo Washington Post.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên