08/06/2012 20:29 GMT+7

Tái cơ cấu kinh tế: nhà cấp 4 hay biệt thự?

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TTO - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra trong ngày 8-6 khi thảo luận tại hội trường của Quốc hội về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

6ALCfscS.jpgPhóng to
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) kiến nghị nên thành lập bộ máy điều tra đặc biệt, kiểm toán viên giỏi nhất, thanh tra giỏi nhất, điều tra viên giỏi nhất. Cho họ chế độ đặc biệt để thực thi công vụ trong quá trình kiểm soát tái cơ cơ cấu. Có vậy mới đủ cơ chế để đề án này thành công.

Đồng ý với đại biểu Đương, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng nên có cả một hội đồng quản lý vốn, do Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng làm chủ tịch, thành viên của hội đồng này nhất thiết phải nên có mặt của nhiều thành phần của cả hệ thống chính trị.

Góp ý cụ thể vào nội dung đề án tái cơ cấu mà tại cuộc thảo luận ở tổ trước đó nhiều đại biểu đã cho rằng chỉ mới là "nhà xây thô". Các đại biểu đã đi sâu vào việc đưa ra các giải pháp, nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu thành công. Với mục tiêu mà như đại biểu Đỗ Văn Đương ví von: “Chúng ta phải xác định mục tiêu là sẽ xây nhà cấp 4 hay xây biệt thự”.

Về nguồn lực để tái cơ cơ cấu, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng nên huy động tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào tái cơ cấu. Trong đề án hiện chưa nói việc thành phần kinh tế tư nhân có tham gia tái cơ cấu hay không. Theo ông Nam, nên có biện pháp giải cứu doanh nghiệp, vì doanh nghiệp có mạnh lên, có thoát được những khó khăn khủng hoảng hiện tại thì mới có thêm nguồn lực để tái cơ cấu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng bản chất tái cơ cấu kinh tế chính là phân bổ lại nguồn lực để giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất, nhưng phải làm rõ việc phân bổ nguồn lực đó như thế nào? Cái nào sẽ dùng nguồn lực nhà nước, cái nào dùng nguồn lực xã hội?

Ông Hòa đề nghị phải lượng giá được quá trình này, ảnh hưởng ngân sách chung và riêng như thế nào? Đồng thời làm rõ hệ thống luật pháp để thúc đẩy tái cơ cấu, môi trường pháp lý để đầu tư tái cơ cấu. Phải cho thấy tái cơ cấu không là việc của riêng doanh nghiệp nhà nước như đề án nói mà là toàn xã hội, như vậy mới huy động tối đa nguồn lực.

Một số đại biểu khác cũng băn khoăn khi nhiều tiềm lực kinh tế đã không được nhắc đến để huy động nguồn lực trong tái cơ cấu, như kính tế biển, nông nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân còn cho rằng không nên hướng nền kinh tế quá thiên về xuất khẩu, vì chúng ta sẽ phải phụ thuộc. Trong khi thị trường nội địa đến 88 triệu dân là một “mỏ vàng” cần được lưu ý đặc biệt trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Tránh việc tái cơ cấu kiểu “địa phương”

Đại biểu Phạm Văn Hùng (Cao Bằng) nhắc lại một ý của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) trong cuộc thảo luận ở tổ trước đây về tái cơ cấu. Đó là không nên để 63 tỉnh là 63 nền kinh tế cùng cơ cấu, mà tất cả phải nằm trong cái chung là một nên kinh tế.

Thực tế đã từng xảy ra hiện tượng xây dựng tràn lan cảng biển, sân bay, nhà máy thép… Nhưng như cầu sử dụng không có, năng lực quản lý lại càng không và hiện có hàng chục cảng biển nằm chờ hàng, sân bay chỉ bay vài chuyến ngày cũng như nhiều khu kinh tế cửa khẩu bỏ hoang. Đó là sự lãng phí nguồn lực mà theo nhiều đại biểu khi tái cơ cấu nền kinh tế bắt buộc phải điều chỉnh

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên