26/04/2020 08:24 GMT+7

'Tắc' xuất khẩu khẩu trang, vì sao?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Dù Thủ tướng đã chấp thuận cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các thiết bị phòng dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp thừa nhận rất khó để xuất khẩu do những rào cản thủ tục.

Tắc xuất khẩu khẩu trang, vì sao? - Ảnh 1.

Công nhân ở Công ty cổ phần Dệt may Huế may khẩu trang vải kháng khuẩn - Ảnh: HOÀNG AN

Ngay cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng khẳng định, nếu ngành y tế không nới lỏng hay sửa đổi các điều kiện chưa hợp lý trong dự thảo tờ trình về việc xuất khẩu khẩu trang y tế (trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19) thời gian tới, các doanh nghiệp (DN) sẽ không thể nào xuất khẩu khẩu trang y tế, mất cơ hội "vàng" cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cục Công nghiệp đã họp với Cục Xuất nhập khẩu, thống nhất đề nghị bỏ việc cấp phép đối với việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Chỉ cần đấu thầu để mua đủ số khẩu trang còn thiếu cho dự trữ theo giá thị trường, sau đó cho phép DN xuất khẩu không giới hạn.

Ông Trương Thanh Hoài (cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương)

Thừa nhu cầu trong nước, khó xuất khẩu

Là doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế có quy mô lớn, chuyên cung ứng cho các bệnh viện và cơ sở y tế, ông Lê Hải Trọng - chủ tịch Công ty CP y tế Danameco - cho biết do nhu cầu khẩu trang y tế tăng mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng năng lực sản xuất khẩu trang với sản lượng 4-5 triệu chiếc/ngày.

Từ sau ngày 15-5, Danameco có thể tăng sản lượng lên tới 7-8 triệu khẩu trang, không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang y tế gặp nhiều khó khăn do các cơ quan nhà nước chưa thực sự "thích ứng với việc thay đổi giá", không chấp nhận mức giá cao khi mua vào cho dự trữ hay đưa lưu thông ra thị trường, nên "chưa thực sự tạo thuận lợi cho xuất khẩu".

Do đó, Danameco mới chỉ nhận và được cấp phép một đơn hàng xuất khẩu khẩu trang y tế sang Hàn Quốc, chưa dám gật đầu với đơn hàng của các đối tác khác. Cũng theo ông Trọng, do nhu cầu ngày càng tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng rất mạnh trên toàn thế giới, nên doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước phải tăng giá bán, chứ không phải là "thổi giá".

Chẳng hạn, nguyên liệu vải không dệt và các phụ kiện khác như nẹp mũ và dây đeo tai... đều đã tăng 4-5 lần so với thời điểm bình thường trước đó. Đặc biệt, nguyên liệu quan trọng nhất là màng lọc đã tăng giá tới 20 lần! 

Trong khi đó, Nhà nước mua khẩu trang dự trữ vẫn căn cứ vào giá cũ với mức quá thấp, hàng đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ lại sợ bị quản lý thị trường xử phạt vì "tăng giá bất hợp lý", nên doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà.

"Kể cả khi Nhà nước chưa cấm xuất khẩu, chúng tôi cũng không xuất khẩu cái nào vì quan điểm là ưu tiên phục vụ ngành y tế trong nước. Giá bán cho các cơ sở y tế trong nước chỉ với hơn 2.000 đồng/khẩu trang y tế thông thường, dù bên ngoài đang có giá 5.000-7.000 đồng/chiếc" - ông Trọng cho biết.

Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết trong kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ (ngày 23-4) có hướng dẫn tiếp tục cấp phép cho việc xuất khẩu khẩu trang. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền thiết bị, tăng năng lực sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải đáp ứng tiêu chuẩn phòng dịch (tiêu chuẩn 870 do Bộ Y tế quy định) lên tới chục triệu chiếc/ngày cho mỗi loại, không chỉ thừa cho nhu cầu trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu.

Theo ông Hoài, việc xuất khẩu khẩu trang y tế đang bị tắc không phải do thiếu năng lực sản xuất, mà chủ yếu do những quy định rất khó khăn, trong khi ngành y tế chưa mua đủ số khẩu trang y tế cần mua để phục vụ dự trữ phòng dịch trong nước. 

Cục Công nghiệp đã họp với Cục Xuất nhập khẩu, thống nhất đề nghị bỏ việc cấp phép đối với việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Chỉ cần đấu thầu để mua đủ số khẩu trang còn thiếu cho dự trữ theo giá thị trường, sau đó cho phép DN xuất khẩu không giới hạn" - ông Hoài đề nghị.

Tắc xuất khẩu khẩu trang, vì sao? - Ảnh 3.

Sản xuất khẩu trang xuất khẩu tại một công ty ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: YẾN NHI

Muốn xuất khẩu, phải hỗ trợ 20% số lượng?

Thủ tướng vừa có ý kiến chấp thuận cho xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Theo đó, Bộ Y tế cùng Bộ Công thương và các cơ quan liên quan phải khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi nghị quyết 20 ngày 28-2-2020 của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu khẩu trang.

Tuy nhiên, trong tờ trình dự thảo về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất phương án chỉ cho phép DN xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xuất trình bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu, hợp đồng với cơ sở y tế hoặc bản chính thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang, ghi rõ số lượng.

Theo Bộ Y tế, quy định này nhằm tránh việc cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang y tế để phục vụ phòng chống dịch bởi các doanh nghiệp có thể chỉ tập trung cho xuất khẩu, hủy bỏ các hợp đồng cung cấp cho các cơ sở y tế... 

Góp ý cho dự thảo tờ trình, Bộ Công thương cho rằng quy định doanh nghiệp phải hỗ trợ hoặc bán tối thiểu 20% sản lượng khẩu trang cho cơ sở y tế trong nước rất khó triển khai bởi không phải DN nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho cơ sở y tế trong thời gian ngắn, chưa kể nhiều cơ sở y tế không có nhu cầu mua hoặc chỉ có thể mua được số lượng rất nhỏ.

Nếu d oanh nghiệp chọn giải pháp hỗ trợ để được xuất khẩu, tỉ lệ hỗ trợ 20% sản lượng sản xuất là quá cao. Do đó, bộ này đề nghị không hạn chế số lượng xuất khẩu, nhưng trong hồ sơ doanh nghiệp phải có giấy cam kết sẵn sàng cung cấp (bán hoặc hỗ trợ) tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai. 

"Trường hợp yêu cầu chống dịch trong nước tăng cao, có thể hạn chế số lượng cấp phép hoặc dừng cấp phép", Bộ Công thương đề xuất.

Bộ Tài chính cũng cho rằng để có hợp đồng mua bán tối thiểu 20% sản lượng cho cơ sở y tế trong nước, doanh nghiệp phải tham gia đấu thầu, sẽ mất nhiều thời gian, không phù hợp với tinh thần "tận dụng thời cơ" như chỉ đạo của Thủ tướng. Chưa kể, doanh nghiệp có thể mở một hoặc nhiều tờ khai tại một hoặc nhiều chi cục hải quan và chỉ cần đưa ra các chứng từ theo quy định. "Cần phải đánh giá đầy đủ năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Nếu đảm bảo thu mua đủ số lượng, nên cho phép xuất khẩu mà không ràng buộc các điều kiện", Bộ Tài chính đề xuất.

Tắc xuất khẩu khẩu trang, vì sao? - Ảnh 4.

Người dân sử dụng nhiều loại khẩu trang khác nhau - Ảnh: T.T.D.

Được xuất 80-90% sản lượng khẩu trang y tế?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-4, ông Nguyễn Tử Hiếu - phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế - cho biết bộ này đang lấy ý kiến các bộ ngành cho dự thảo nghị quyết của Chính phủ liên quan đến xuất khẩu khẩu trang và vật tư y tế.

Theo đó, thay vì chỉ được xuất khẩu 25% sản lượng khẩu trang y tế (75% còn lại tiêu thụ nội địa) như quy định trước đó, dự thảo mới sẽ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu 80% sản lượng. Với những doanh nghiệp đã hỗ trợ, cho/tặng ngành y tế khẩu trang, có nơi cho tặng đến 10% sản lượng cho ngành y tế, sẽ được xuất khẩu 90% còn lại.

Cũng theo ông Hiếu, từ cuối tháng 2-2020, Việt Nam đã hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế do nhu cầu sử dụng tăng lên và khan hiếm thành phẩm. Tuy nhiên, lượng khẩu trang còn tồn kho "thay đổi theo từng ngày", chưa kể thị trường đang có hiện tượng thu gom nguyên liệu khẩu trang để... xuất khẩu.

L.ANH

Xuất khẩu khẩu trang vải cũng bị "tắc"

Không chỉ khẩu trang y tế xuất khẩu bị "tắc" đường xuất khẩu, triển vọng cho khẩu trang vải cũng không mấy khả quan. Ngoài tiêu thụ nội địa, theo Bộ Công thương, đến nay các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 37 triệu chiếc, nhưng do năng lực sản xuất lớn (11 triệu chiếc/ngày với khẩu trang tiêu chuẩn phòng dịch 870), trong khi người tiêu dùng nội địa không mấy mặn mà, nên còn tồn khoảng 20 triệu chiếc (số liệu của 20 doanh nghiệp lớn ngành dệt may).

Trong thực tế, để xuất khẩu được, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu hoặc yêu cầu của cơ quan hải quan, khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội xuất khẩu. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trước khi nhận đơn hàng đặt mua khẩu trang vải kháng khuẩn của đối tác, một doanh nghiệp đã đến cơ quan hải quan hỏi về việc "có được phép xuất khẩu hay không" và được trả lời là cho phép xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận và hoàn thiện đơn hàng, đưa hàng xuất khẩu, doanh nghiệp này lại bị hải quan từ chối cho xuất khẩu với lý do trong giấy phép đầu tư không ghi sản xuất mặt hàng khẩu trang (mặc dù giấy phép kinh doanh ghi rõ là may mặc). Do đó, doanh nghiệp này phải làm thêm bước thủ tục đăng ký kinh doanh sản xuất khẩu trang để đáp ứng yêu cầu mới được xuất khẩu.

N.AN

Chỉ được xuất khẩu khẩu trang bằng 5 lần đã bán cho cơ sở y tế trong nước: Quá khó Chỉ được xuất khẩu khẩu trang bằng 5 lần đã bán cho cơ sở y tế trong nước: Quá khó

TTO - Quy định này khó thực hiện, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho các cơ sở y tế trong nước trong thời gian ngắn, chưa kể trường hợp các cơ sở y tế trong nước không có nhu cầu mua.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên