Ngoài Cha rơi, Nguyễn Quý Dũng còn là tác giả của khá nhiều bộ phim ăn khách như Hoa xương rồng, Vật chứng mong manh, Giấc mơ biển, Gai hồng, Con gái vị thẩm phán, Vườn đời...Chia sẻ bí quyết thành công, anh nói: “Tôi chỉ dám viết những gì mình am hiểu và trải nghiệm qua”.
Biên kịch Quý Dũng - Ảnh: T.L. |
* Cụ thể, câu chuyện Cha rơi được viết từ trải nghiệm gì?
- Phía trước nhà tôi ở có dãy nhà trọ gồm 18 phòng. Trong cuộc sống hằng ngày tại đó nảy sinh rất nhiều vấn đề. Từ chuyện mắt thấy tai nghe đó, tôi quyết định viết kịch bản Cha rơi. Trong bốn nhân vật chính của phim thì ba nhân vật người cha đều lấy từ hình ảnh có thật.
Ông Ba Trí (diễn viên hài Thanh Nam) là hình ảnh bác vợ tôi. Người 84 tuổi vẫn quyết định lấy vợ và cuộc sống của họ khá thú vị. Với ông Định (Thành Lộc), tôi lấy cảm hứng từ trong truyện Tiệp Khắc - người đã nuôi con người khác nhưng cứ nghĩ là con mình, ông Toàn thẹo (Thái Hòa) là nhân vật đang hành nghề đưa đò ở Cần Thơ...
Trong cuộc sống, người ta thường chỉ đề cập đến người phụ nữ với những trăn trở đau buồn... Nhưng đàn ông chúng tôi cũng có nhiều tâm sự lắm. Mặt khác phụ nữ thường dễ khắc phục hậu quả, còn chúng tôi nỗi đau cứ âm ỉ, dai dẳng và kéo dài...
Các nhân vật trong phim cũng vậy. Họ sống trong cùng xóm trọ, cuộc sống gặp những trúc trắc, va chạm nhau gây hiểu lầm... Và đến khi hiểu nhau, mến nhau thì đã quá muộn. Vậy tại sao mọi người không bỏ qua những lỗi lầm mà yêu thương nhau nhiều hơn...
Hành trình của Cha rơi cũng “sóng gió” như các nhân vật. Tôi đi chào hàng ở một số hãng phim đều bị từ chối. Họ chê phim chẳng có gì để xem. Một đài truyền hình còn nhận xét phim có hình ảnh xấu xí về người cha. Họ không hiểu nhân vật ông Toàn rất đời. Ông nhặt bé bị bỏ rơi đem về nuôi, càng lớn con bé càng xinh đẹp.
Đôi khi ông cũng bị xao xuyến nhưng ông đều giữ mình, cố gắng vươn lên để thành người cha tốt. Thậm chí ông còn đốt tay mình để kìm hãm dục vọng... Khi tôi đưa kịch bản cho đạo diễn Phương Điền, anh đọc liền một mạch rồi nói: “Có chết tôi cũng làm phim này”. Lúc này tôi tin rằng Cha rơi giờ mới hết “rơi”.
* Anh nghĩ như thế nào với nhận xét: sau gần 10 năm phát triển từ lúc khai sinh giờ vàng, phim Việt vẫn chưa thật sự có những bước tiến dài?
- Đứng ở góc độ biên kịch, tôi thấy hiện nay phim Việt quẩn quanh đề tài tình yêu, phim hình sự vẫn còn đơn giản dừng lại ở chuyện phá án của công an. Không phải do chúng ta thiếu đề tài mà còn do khâu kiểm duyệt của các nhà đài còn cục bộ. Họ ưu tiên cho phim nói về cuộc sống. Phim đề cập vấn đề nhạy cảm (như nạn nạo phá thai, siêu nhiên...) là bị gạt ngay.
Giới biên kịch phim hiện nay - nhất là các bạn trẻ - đa số ngồi nhà tưởng tượng ra câu chuyện. Thiếu sự cọ xát nên câu chuyện không lôgic, lôi cuốn... Nhiều phim xem có cảm giác như bắt chước Đài Loan, Hàn Quốc... mỗi nơi một ít.
Tôi từng làm công tác biên tập một thời gian, đọc các kịch bản thấy rất nhiều lỗi vì thiếu vốn sống, ví dụ như người viết không phân biệt được cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự, luật của võ karate như thế nào... Vì vậy, phải trải nghiệm thì mới có những kịch bản hay.
Cha rơi Không có “trai xinh gái đẹp” nhưng thu hút khán giả với một dàn diễn viên “đỉnh”. Một Thành Lộc điềm tĩnh, uyên bác. Một Thanh Nam lắng đọng. Một Huỳnh Đông sôi nổi nhiệt tình. Đặc biệt, Thái Hòa đã vào vai Toàn thẹo rất nhuyễn. Đạo diễn Phương Điền kể để cho “ra” nhân vật, Thái Hòa đã đề nghị mua áo của một người lượm ve chai và mặc vào diễn luôn. Thái Hòa diễn xuất sắc đến nỗi khi bước vào khu trọ, nhiều người sống ở đây đuổi ra vì không muốn người lạ vào. Sau đó họ mới vỡ òa: “Ai mà trông giống Thái Hòa vậy?”. Sau khi phát xong 37 tập trên kênh VTV9, hiện bộ phim Cha rơi được phát sóng trên kênh THVL1 lúc 11g30 hằng ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận