21/03/2018 16:25 GMT+7

Tác chiến mạng: 'Lực lượng hỗ trợ chiến lược' của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhiều hơn với chiến tranh mạng vào khoảng năm 2000. Năm 2015, Trung Quốc công bố Sách trắng về chiến lược quân sự Trung Quốc.

Tác chiến mạng: Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tác chiến mạng ở Trung Quốc - Ảnh: The Washington Times

Sách trắng có đoạn: "Không gian mạng đã trở nên trụ cột mới phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực mới về an ninh quốc gia... Do không gian mạng tác động nhiều đến an ninh quân sự, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển lực lượng tác chiến không gian mạng và tăng cường khả năng nhận thức về không gian mạng, phòng vệ không gian mạng...".

SSF sẽ củng cố khả năng quân sự của Trung Quốc nhằm đối đầu với quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm tới

Báo cáo của Ủy ban Thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung

Còn nhiều ẩn số từ SSF

Theo kế hoạch cải tổ và hiện đại hóa quân đội của Quân ủy trung ương Trung Quốc, ngày 31-12-2015 ba đơn vị mới được thành lập gồm tổng tư lệnh lục quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF).

Thông tin chính thức về SSF rất ít. Về nhiệm vụ, Tân Hoa xã chỉ đưa tin SSF ngang tầm với hải quân, không quân và bộ binh, phụ trách năm lĩnh vực gồm không gian, tình báo, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử và tâm lý chiến. Về cơ cấu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân tuyên bố SSF được thành lập từ nhiều đơn vị quân đội "nhằm đạt khả năng lớn về tác chiến, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ".

Ấn bản "Khoa học về chiến lược quân sự" của Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc xuất bản năm 2015 xác nhận SSF được chia thành các bộ phận quân sự tác chiến mạng chuyên ngành, các đội chuyên gia mạng trong các tổ chức dân sự trong và ngoài chính phủ, kể cả ngành công nghệ thông tin dân sự, tức bao gồm các cơ quan quân sự lẫn dân sự.

Đến nay thông tin chi tiết về cấu trúc, mối liên hệ với các đơn vị khác trong quân đội và cách thức hoạt động của SSF vẫn tiếp tục là ẩn số đối với Mỹ. Quân số và ngân sách hằng năm dành cho SSF cũng chưa rõ.

Đánh giá chi tiết nhất về SSF được trình bày trong báo cáo thường niên của Ủy ban Thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC thuộc Quốc hội Mỹ). 

Báo cáo ghi nhận SSF nhận chỉ đạo trực tiếp từ Quân ủy trung ương, phụ trách bốn lĩnh vực gồm không gian mạng, điện tử, thông tin và không gian. 

Như vậy Cục 2 phụ trách tình báo con người và ảnh vệ tinh, Cục 3 phụ trách tình báo tín hiệu và bảo vệ mạng, Cục 4 phụ trách tình báo điện tử trước đây thuộc bộ tổng tham mưu thì nay đã được sáp nhập vào SSF.

Theo báo cáo của USCC, SSF giữ nhiệm vụ chung là cung cấp thông tin tình báo quân sự và trinh sát cho mọi đơn vị quân đội trong chiến tranh mạng và phát triển vũ khí trọng điểm.

Trong chiến tranh mạng, SSF phụ trách thực hiện các chiến dịch phản công, phòng thủ và trinh sát mạng nước ngoài. 

Đối với chiến tranh điện tử, SSF tập trung sử dụng các phương tiện điện tử để ngăn chặn và đánh lừa đối phương. SSF còn giữ vai trò hỗ trợ và phản công trong chiến tranh không gian. 

Ngoài ra, SSF còn góp phần vào hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các đơn vị tấn công quân đội nước ngoài đến gần vùng biển và đất liền Trung Quốc.

Tác chiến mạng: Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 3.

Trung Quốc nổi tiếng có các đơn vị quân đội chuyên thu thập thông tin nước ngoài - Ảnh: Imaginechina

Mọi mối đe dọa quốc gia đều là mục tiêu của SSF

Các nhà phân tích an ninh quốc gia và các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá SSF phát triển mô hình tác chiến mạng hoàn toàn khác với Mỹ. 

Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng Mỹ (USCYBERCOM) chỉ giữ ba nhiệm vụ chủ yếu gồm bảo vệ hệ thống mạng Bộ Quốc phòng Mỹ, tấn công mạng đối với kẻ thù và bảo đảm Mỹ cùng các đồng minh tự do hoạt động trong không gian mạng.

Trong khi đó, SSF của Trung Quốc huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài quân đội, từ các binh sĩ cho đến tin tặc "đỏ" (tin tặc yêu nước) và chuyên viên an ninh mạng. SSF cũng có phạm vi hoạt động rộng hơn USCYBERCOM. 

Các cơ quan Cục An ninh quốc gia, lục quân, không quân, Bộ An ninh nội địa, Cơ quan Hàng không và vũ trụ, Bộ Ngoại giao, USCYBERCOM và một số cơ quan khác của Mỹ đều có bộ phận không gian mạng. 

Nếu tập hợp nhiệm vụ của các cơ quan chính phủ này và cộng thêm vai trò của các công ty tư nhân như Intel, Boeing, Google, chúng ta sẽ hình dung ra vai trò của SSF ở Trung Quốc.

SSF đảm trách từ tình báo mạng, tác chiến mạng cho đến chiến tranh thông tin. Tâm lý chiến cũng được Trung Quốc xem là nhiệm vụ tấn công mạng do cách thức suy nghĩ của các quan chức quân sự Trung Quốc về an ninh mạng khác với Mỹ. 

Hồi tháng 5-2017, giám đốc Cục An ninh quốc gia kiêm tư lệnh USCYBERCOM Michael Rogers cho rằng USCYBERCOM sẽ khó ngăn chặn chiến tranh thông tin do nước ngoài phát động (ám chỉ Trung Quốc) bởi chiến tranh thông tin không phải là nhiệm vụ của USCYBERCOM.

Chuyên gia Amy Chang ở Trung tâm Belfer (Đại học Harvard) giải thích: "Người Trung Quốc suy nghĩ khác, họ không nghĩ về không gian mạng như người Mỹ".

Quan điểm về tác chiến mạng giữa Trung Quốc và Mỹ khác nhau do học thuyết quân sự khác nhau, luật pháp và chuẩn mực văn hóa cũng khác nhau. Vì thế ngoài nhiệm vụ tình báo quốc tế, SSF sẵn sàng nhắm đến các đối tượng trong nước là các phần tử bất đồng chính kiến, tin tặc nội địa và mọi cá nhân được xem là mối đe dọa quốc gia.

Theo Mỹ, SSF đang phụ trách hầu hết các chiến dịch tình báo mạng và tuyên truyền của Trung Quốc. 

Công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ kết luận: khác với giai đoạn năm 2000-2014, hiện nay Trung Quốc đã giảm tần suất tấn công mạng và chọn lọc mục tiêu cẩn thận hơn, tập trung vào Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Đông Nam Á và đôi lúc nhắm đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Tác chiến mạng: Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 4.

SSF bao gồm các đơn vị thực hiện chiến tranh điện tử - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

"Bằng chứng hung hăng"

Tháng 9-2014, Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ công bố báo cáo chỉ trích Trung Quốc đánh cắp hàng loạt dữ liệu của các nhà thầu thuộc bộ chỉ huy vận tải Mỹ. Tin tặc đã xâm nhập nhiều máy tính của các nhà thầu này để thu thập thông tin nhạy cảm.

Chủ tịch ủy ban Carl Levin cho rằng "đây là bằng chứng cho thấy hành động hung hăng của Trung Quốc trong không gian mạng".

Trước đó, ngày 19-5-2014, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thông báo đại bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania (Mỹ) đã truy tố năm sĩ quan Trung Quốc là thành viên đơn vị 61398 (Cục 3) về tội đánh cắp thông tin mạng và gián điệp kinh tế.

****************

Kỳ tới: Ưu thế tác chiến mạng Israel

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên