22/06/2018 12:42 GMT+7

Tả tơi đất mũi

NGUYỄN HÙNG - CHÍ QUỐC
NGUYỄN HÙNG - CHÍ QUỐC

Cà Mau được ví như con tàu vươn ra biển, cũng có nghĩa là vùng đất non trẻ nhất ĐBSCL này phải “đứng mũi chịu sào” trước sóng gió, biến đổi khí hậu.

Tả tơi đất mũi - Ảnh 1.

Kè chắn sóng ở đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau. Tỉnh này đang thiếu vốn để triển khai các dự án kè bảo vệ đê biển - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

“Nhiều xác nhà vẫn còn nằm đó có căn bì lở mất dấu. Vào mùa mưa bão đêm đến không dám cho còn nít ngủ ngoài này sợ bị lọt xuống biển mà gởi nhà người thân hoặc quen phía trong vàm. Trong gần 30 năm sống ở đây tôi dời nhà hơn ba lần Bà Lý Thị Mấy (ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi)

Vì vậy mà Cà Mau luôn là tỉnh chịu nhiều thiệt hại bậc nhất do sạt lở. Những cánh rừng biến mất. Những xóm làng tan nát. Nhưng con đê thất thủ. Những công trình hoang tàn.

Đến mùa lại…lở

Năm nào cũng vậy, hể khi bắt đầu vào mùa mưa, y như rằng vùng đất trẻ Cà Mau lại xuất hiện trên các kênh thông tin sạt lở. Năm Căn, Rạch Gốc, Chà Là, Đầm Cùng, Cái Keo… ít hay nhiều lại tái diễn cảnh cuộc sống rơi vào màn trời chiếu đất do "hà bá" tước đi tổ ấm của mình.

Trên sông là vậy. Phía biển, sự việc cũng không kém phần nghiêm trọng hơn. Những con đê thất thủ, những cánh rừng phòng hô bị xóa sổ. Cà Mau là tỉnh có địa hình 3 mặt giáp biển. Cũng có nghĩa là mỗi năm vào mùa sạt lở, tỉnh này lại phải chống chọi với sức tấn công từ 3 phía.

Từ biển Tây sang biển Đông, các cán bộ thủy lợi của Cà Mau đã quá quen mặt với người dân, bởi năm nào cũng phải đến nơi để hộ đê, chống lở. Nhưng, chống làm sao bằng sức tấn công của tự nhiên. Vì vậy, mà biển cứ đánh, đê cứ bể, rừng cứ mất… và người cứ đi vá đê, trồng rừng. Năm này vá đê, trồng rừng, thì năm sau biển lại tấn công. Cái vòng lẩn quẩn ấy từ nhiều năm nay vẫn triền miên tái diễn.

Cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) là một trong những "điểm nóng" sạt lở của tỉnh. Nhiều năm qua, do bị ảnh hưởng sạt lở mà nhiều người đã bỏ nhà đi nơi khác, người ở lại cũng trong tâm trạng o lâu.

Mùa mưa bão sắp đến, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (nhà giáp biển Đông, ấp chợ thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) rất lo lắng vì vuông tôm của ông có nguy cơ bị phá.

Ông Phúc nói: "Hiện vuông tôm cách bờ biển chừng 40m. Khu vực này nếu năm nào mưa bảo nhiều thì sạt lở đến 50m, còn mưa bảo ít thì sạt lở chừng 30m. Tui về đây sống từ năm 2003. Vuông tôm tui liền kề với bốn vuông tôm khác và ngoài bờ biển còn rừng phòng hộ. Nhưng từ đó đến nay sóng biển đánh mất rừng và bốn miếng vuông liền kề với tui và bốn hộ dân đã bỏ xứ đi nơi khác". Theo ông Phúc, 15 năm nay khu vực của ông ở sạt lở khoảng 400m.

Ba bề biển nuốt

Một "điểm nóng" sạt lở khác của Cà Mau là vùng đất ven biển Tây thuộc hai xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết những ngày gần đây tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện dông, lốc xoáy, triều cường dâng cao, biển động kết hợp với sóng có cường độ mạnh gây sạt lở nguy hiểm nhiều đoạn đê biên Tây.

Dẫn chúng tôi đi dọc đê biển Tây gần khu vực Hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, một cán bộ quản lý đê điều, cho biết trước đây rừng ven biển kéo dài hàng trăm mét ra phía biển, nay dường như bị sóng biển "ngoạm" hết. Nhiều năm trước, một dự án làm kè của tổ chức phi chính phủ tài trợ giờ đây cũng bị sóng đánh tan tác, dường như không có tác dụng gì.

Theo ông Nguyễn Long Hoai- chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau, để bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như bảo vệ sự ổn định của đê biên Tây, chi cục đã kiến nghị bảo vệ tạm thời như kè rọ đá, chờ triển khai xây dựng kè cơ bản. Thế nhưng hiện vấn đề nan giải của Cà Mau là thiếu vốn để thực hiện những dự án này.

UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị trung ương tăng vốn hỗ trợ cho tỉnh để đầu tư thực hiện các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, các dự án tái bố trí di chuyển, định cư cho những hộ dân ở những vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sạt lở cao. Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, bố trí vốn hỗ trợ các công trình cấp bách ở những khu vực bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đến nay mức độ hỗ trợ còn rất thấp so với nhu cầu.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, đoạn bờ bắc Kênh Mới, chiều dài sạt lở 350m, sạt lở sát chân đê, không còn rừng che chắn; đoạn bờ nam vàm Đá Bạc hướng về Kênh Mới có 2 điểm sạt lở với chiều dài 120m, đai rừng còn từ 5m đến 10 m; đoạn bờ nam vàm Tiểu Dừa, nối đầu kè rọ đá về Hương Mai với chiều dài sạt lở 200m.

Tả tơi đất mũi - Ảnh 4.

Sạt lở ở đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau đang diễn ra rất nghiêm trọng - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

NGUYỄN HÙNG - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên