03/03/2020 09:12 GMT+7

Suy nghĩ về chọn sách giáo khoa mới

LÊ VĂN CHÍN (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre)
LÊ VĂN CHÍN (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre)

TTO - Các địa phương đang thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa theo thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Suy nghĩ về chọn sách giáo khoa mới - Ảnh 1.

Giáo viên tham khảo sách giáo khoa mới - Ảnh: HOA XUÂN CA

Bên cạnh việc nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các nhà chuyên môn còn lưu tâm đến một số yếu tố quan trọng khác.

Các tài liệu bổ trợ giảng dạy

Những cuốn sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình phổ thông mới nhằm giúp người học tiếp thu kiến thức theo hướng chủ động hơn, từ đó khơi gợi sự sáng tạo trong việc học.

Để đáp ứng được điều đó, các tài liệu bổ trợ nên được cung cấp đồng bộ với sách giáo khoa nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, học tập và ôn luyện, củng cố kiến thức. 

Sách giáo khoa điện tử, các thiết kế dạy học điện tử, các tư liệu, tài nguyên trên các phần mềm và nguồn dữ liệu khác cần được đầu tư một cách bài bản. Việc này sẽ hỗ trợ tốt cho dạy và học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nếu các bộ sách giáo khoa có kho tài nguyên học liệu điện tử phong phú với video clip bài giảng mẫu; các clip giới thiệu nội dung cấu trúc phương pháp của sách giáo khoa mới; các tài liệu hỗ trợ giáo viên tổ chức tốt việc dạy học theo sách giáo khoa mới như sách giáo viên, tài liệu tập huấn giáo viên khai thác và sử dụng hiệu quả sách giáo khoa mới... sẽ thực sự hữu ích với người sử dụng. Đặc biệt, những bộ sách giáo khoa nếu đồng nhất với các tài liệu giáo dục địa phương sẽ giúp cho việc tiếp thu của học sinh hiệu quả hơn.

Suy nghĩ về chọn sách giáo khoa mới - Ảnh 2.

Hội thảo giới thiệu SGK lớp 1 mới của NXB Giáo Dục Việt Nam tại An Giang - Ảnh: HOA XUÂN CA

Tập huấn từng giáo viên

Sách giáo khoa mới sẽ tạo ra thách thức trực tiếp cho các giáo viên giảng dạy cũng như đội ngũ cán bộ quản lý nếu không được tập huấn kỹ lưỡng. Với số lượng khoảng 15.000 trường tiểu học trên cả nước tương ứng với số lượng giáo viên lớp 1 không hề nhỏ, việc tiếp cận và tập huấn đầy đủ cho các giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý chắc chắn không phải là việc đơn giản.

Các nhà xuất bản tham gia thị trường sách giáo khoa cần phải tận dụng công nghệ thông tin để có thể phối hợp cùng các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hiệu quả, dưới hình thức hội thảo chuyên đề và bồi dưỡng online.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng cần in ấn nhiều tài liệu đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả sách giáo khoa mới của giáo viên. Sẽ ấn tượng và hữu ích hơn nếu các tài liệu tập huấn được biên soạn theo cụm môn, do các tổng chủ biên, chủ biên biên soạn; được biên tập kỹ lưỡng và thiết kế đẹp mắt, được in ấn như các tài liệu chính quy khác.

Các tài liệu tập huấn phải làm nổi bật được những điểm mấu chốt, điểm mới về mục tiêu, cấu trúc, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá. Hiện nay đã có một số nhà xuất bản in và phát miễn phí các tài liệu này cho giáo viên và đưa nội dung lên cổng thông tin điện tử tạo sự tiếp cận thuận lợi nhất cho giáo viên mọi nơi, mọi lúc.

Giá sách cực kỳ quan trọng

Cuối cùng, để bộ sách được đón nhận thì yếu tố giá thành là cực kỳ quan trọng. Các nhà xuất bản phải có sự tính toán, cân đối phân bổ hợp lý các chi phí, thậm chí bù đắp để làm sao các sản phẩm của mình có giá cả hợp lý nhất, phù hợp với mức sống của đại đa số người dân theo phương châm phục vụ sự nghiệp giáo dục là mục tiêu hàng đầu.

Tặng sách cho học sinh khó khăn

Việc phân phối sách giáo khoa đến học sinh trên cả nước phải đồng bộ, kể cả những vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn… Với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, giải pháp tặng sách giáo khoa sẽ giúp các em có cơ hội được tiếp cận với nguồn tri thức mới dù những chương trình như thế này khá tốn kém và đòi hỏi nguồn lực dồi dào từ các nhà xuất bản.

Bộ GD-ĐT sắp thẩm định tiếp sách giáo khoa lớp 2 Bộ GD-ĐT sắp thẩm định tiếp sách giáo khoa lớp 2

TTO - Bộ GD-ĐT vừa thông báo kế hoạch thẩm định sách giáo khoa lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó sẽ có hai đợt thẩm định vào tháng 6 và tháng 9-2020.

LÊ VĂN CHÍN (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên