22/06/2014 08:37 GMT+7

Sức ép đè nặng lên thủ tướng Iraq

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Sức ép lên Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki ngày một tăng khi các giáo sĩ cấp cao Shiite quay sang chỉ trích cách ông giải quyết cuộc khủng hoảng.

Mỹ cử 300 “cố vấn quân sự” tới Iraq Iraq sa thải các tư lệnh lục quânMỹ cân nhắc phương án không kích ở Iraq

IDZx5NEh.jpgPhóng to
Hàng ngàn binh lính ủng hộ giáo sĩ Muqtada Sadr tuần hành trên đường phố Baghdad ngày 21-6 - Ảnh: Reuters

Mỹ tiếp tục cảnh báo không vũ khí nào có thể cứu được Iraq, ngoại trừ đoàn kết dân tộc.

Đại giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani, một nhân vật được kính trọng trong cộng đồng người Hồi giáo Shiite, ngày 20-6 đã kêu gọi người dân Iraq đoàn kết để đẩy lùi phiến quân Hồi giáo Sunni thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) trước khi quá trễ.

“Nếu không chống trả và đẩy lùi ISIL, rồi ngày mai mọi người sẽ hối hận và sự hối hận khi đó chẳng còn ý nghĩa gì” - AFP dẫn lời người phát ngôn của đại giáo chủ. Tuyên bố của đại giáo chủ al-Sistani được đưa ra sau khi các chính trị gia Mỹ không đáp lại yêu cầu của chính quyền ông Maliki kêu gọi không kích phiến quân.

Sức ép trong lẫn ngoài

Trong tuyên bố, đại giáo chủ al-Sistani cũng rút lại sự ủng hộ đối với Thủ tướng al-Maliki và kêu gọi lập chính phủ Iraq mới “hiệu quả và được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn quốc, tránh các sai lầm cũ và mở ra chân trời mới, hướng tới tương lai tươi sáng hơn cho tất cả người Iraq”.

Giáo sĩ Shiite nổi tiếng khác là Muqtada Sadr mới đây đã chỉ trích mạnh mẽ cách ông Maliki giải quyết cuộc khủng hoảng. Việc từ chức là một quyết định khó khăn cho ông Maliki, người đang chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ thứ ba sau khi liên minh của ông giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 4-2014.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ sự đồng tình với ông Sistani. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chuẩn bị đến Iraq để xúc tiến việc thành lập một chính phủ mới, theo Wall Street Journal.

Trước đó, nhiều chính trị gia Mỹ đã lên tiếng kêu gọi ông Maliki từ chức. “Mọi người ít nhiều đều có sai lầm ở Iraq nhưng ông Maliki phạm nhiều sai lầm hơn - cựu đại sứ Mỹ tại Baghdad James Jeffrey nói - Ông ta không phải là giải pháp cho một Iraq đoàn kết”.

Thậm chí một số ứng viên có thể thay thế ông Maliki đã được đề cập như Phó thủ tướng Hussain al-Shahristani, cố vấn an ninh quốc gia Faleh al-Fayyad hay Chánh văn phòng thủ tướng Barak Abdullah Nejm.

ISIL hôm 21-6 đã chiếm chốt kiểm soát biên giới với Syria gần thành phố al-Qaim. Các binh lính tại chốt kiểm soát đã tháo chạy sau khi nghe tin al-Qaim thất thủ. AFP dẫn lời một cảnh sát địa phương cho biết ISIL đã kiểm soát hoàn toàn al-Qaim và các khu vực lân cận.

Al-Qaim là điểm mấu chốt trên tuyến tiếp tế của lực lượng Sunni nối với phần lãnh thổ bên Syria mà lực lượng này chiếm được. Chỉ huy lực lượng Sunni Sheikh Ahmed al-Dabash cũng tuyên bố sẵn sàng tấn công Baghdad bất chấp nguy cơ xảy ra nội chiến nếu ông Maliki không từ chức.

Trong khi đó tại Baghdad, hàng ngàn người ủng hộ giáo sĩ Shiite Muqtada Sadr cũng tuần hành biểu dương lực lượng trên đường phố cùng vô số vũ khí hạng nặng như rocket, lựu đạn, súng trường bán tự động. “Họ là đội quân của hòa bình, sẵn sàng hi sinh linh hồn và máu để bảo vệ Iraq” - một người có mặt tại cuộc diễu hành nói.

Trong tuần qua, hàng ngàn người, phần lớn là thanh niên Shiite, cũng đã tình nguyện đầu quân để chiến đấu chống phiến quân.

Vũ khí không giúp Iraq đoàn kết

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-6 (giờ Mỹ) dù không trực tiếp kêu gọi ông Maliki từ chức nhưng tiếp tục cảnh báo sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo ở Iraq, mà theo ông là xuất phát từ việc thờ ơ với các cộng đồng thiểu số và không lập được chính phủ kể từ cuộc bầu cử cách đây hai tháng.

“Bao nhiêu hỏa lực của Mỹ cũng không đủ để giữ đất nước Iraq đoàn kết” - tổng thống Mỹ nói.

Ông Obama cũng cử Ngoại trưởng John Kerry công du Trung Đông và châu Âu cuối tuần này để thúc đẩy ổn định tình hình và lập chính phủ mới ở Iraq.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cảnh báo các cuộc không kích quân sự nhằm vào phiến quân ở Iraq có thể sẽ không hiệu quả và phản tác dụng, nếu Baghdad không có các nỗ lực xây dựng một chính phủ đoàn kết đa tôn giáo.

Tổng thống Mỹ đến nay chỉ tuyên bố gửi 300 cố vấn quân sự đến Iraq nhưng vẫn chần chừ trong quyết định tham gia không kích và bác bỏ khả năng tham chiến trở lại ở nước này. “Tuyên bố của ông Obama cho thấy Nhà Trắng không có ý định nghiêm túc trong việc chống khủng bố ở Iraq và trong khu vực” - Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian chỉ trích.

Lầu Năm Góc cho biết Iran đã triển khai “một số lượng nhỏ” các đặc vụ tới Iraq để hỗ trợ Baghdad đối phó với các cuộc tấn công của ISIL. “Có một số đặc vụ vệ binh cách mạnh Iran tại Iraq, song không có dấu hiệu của lực lượng tác chiến mặt đất hay các đơn vị lớn hơn” - AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói. Ông Kirby cho biết việc Iran gửi quân can thiệp không phải là mới, như Tehran từng hỗ trợ lực lượng Shiite tấn công lính Mỹ tham chiến ở Iraq nhưng thừa nhận Mỹ và Iran hiện có chung lợi ích khi giúp đỡ ông Maliki.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên