29/02/2016 08:08 GMT+7

​Sức bật từ hạ tầng

NGUYỄN XUÂN THÀNH  (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
NGUYỄN XUÂN THÀNH (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

TT - Ý tưởng đầu tư cho giao thông phải đi trước một bước trong phát triển đô thị không mới, nhưng vì sao TP.HCM không thể làm được?

 “TP.HCM phải đi trước một bước trong lĩnh vực GTVT, từ đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không” - yêu cầu và cũng là mục tiêu phải thực hiện ngay này đã được nêu ra tại hội nghị về giao thông diễn ra ngày 27-2.

Ý tưởng đầu tư cho giao thông phải đi trước một bước trong phát triển đô thị không mới, nhưng vì sao TP.HCM không thể làm được? 

Nguyên nhân lớn nhất là thiếu một quy hoạch mang tính chiến lược, dài hạn và rồi nếu có được thì lại để quy hoạch này bị phá vỡ trong quá trình thực hiện bởi những lý do khác nhau.

Do vậy để mục tiêu giao thông phải đi trước một bước này thành hiện thực, lãnh đạo TP phải dẫn dắt bộ máy chính quyền đô thị vượt qua được sự cản trở của những tổ chức hưởng lợi từ đất đai nhưng cản trở các dự án giao thông mang tính kết nối rộng rãi, hay là số đông những người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hưởng lợi từ việc mở rộng diện tích mặt đường nhưng làm các dự án giao thông công cộng kém phần khả thi.

Nguồn vốn hạn hẹp cũng là yếu tố cản trở lớn. Khác với nhiều trung tâm kinh tế khác như Thượng Hải, Bangkok... được hưởng chính sách ưu ái là giữ lại nguồn thu với tỉ trọng lớn thì TP.HCM vẫn phải san sẻ cho cả nước.

TP.HCM đóng góp 23% vào GDP, 31% vào ngân sách nhà nước và 19% kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, lãnh đạo TP cần đặt ra cho trung ương một lựa chọn rõ ràng về chia sẻ nguồn lực và đổi mới thể chế.

Nếu cơ chế quản lý đô thị và kinh tế của TP.HCM cũng được đánh đồng với tất cả tỉnh thành khác thì cũng xin được đánh đồng về tỉ lệ các nguồn thu ngân sách mà TP được giữ lại.

Ngược lại, nếu hơn ba phần tư tổng số thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM tiếp tục được điều tiết đi nơi khác thì trung ương cần cho TP một hệ thống thể chế phù hợp với vị trí siêu đô thị và trung tâm kinh tế để những nguồn lực mới từ người dân, từ khu vực kinh tế tư nhân, từ nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể được huy động cho phát triển giao thông.

Mặc dù còn thua kém nhiều nơi khác trên thế giới nhưng về mặt kinh tế TP.HCM đang tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước, và về mặt xã hội vẫn được xem là một nơi đáng sống.

Đó không chỉ là cảm nhận mà các con số thực về tăng trưởng số doanh nghiệp và người nhập cư minh chứng cho điều này. Giá trị kinh tế thực luôn được tạo ra từ những doanh nghiệp năng động ở TP.

Cho dù chịu chi phí cao từ những ách tắc giao thông đô thị, nhưng lợi ích của kết nối và lan tỏa tri thức ở TP tiếp tục là nguồn tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp ở đây.

Người dân của TP cũng không bao giờ quá khắt khe, soi xét hay cản trở quá trình thực thi chính sách công. Không chỉ lo làm ăn, mà nhiều dịch vụ công khác thật ra đã và đang được người dân tổ chức cung cấp và chia sẻ một phần đáng kể cho gánh nặng của chính quyền.

Lãnh đạo kết nối tốt hệ thống chính quyền với người dân và doanh nghiệp - đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp lên trước trong nỗ lực để giao thông đi trước - sẽ thành công.

NGUYỄN XUÂN THÀNH (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên