Một công trình xây dựng trên đường Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiếm dụng vỉa hè, cản trở giao thông - Ảnh: Hoài Linh |
Vấn đề này được nêu ra tại hội nghị sơ kết ba năm về công tác bảo đảm trật tự an toàn và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 8-1.
Chủ trì hội nghị là ông Tất Thành Cang - ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM.
Tại hội nghị, báo cáo của Ban an toàn giao thông (ATGT) TP và ý kiến của lãnh đạo Ban ATGT quốc gia đã đánh giá cao những việc mà TP làm được trong ba năm qua. Nhưng bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại bấy lâu của giao thông TP dường như vẫn chưa tìm thấy được lời giải thỏa đáng.
20% nguyên nhân tai nạn do cơ sở hạ tầng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP - cho biết trong ba năm (2012-2015), toàn TP xảy ra 12.861 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.141 người, bị thương 11.686 người.
Cả ba chỉ số này đều giảm. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là 20% nguyên nhân tai nạn do lỗi kỹ thuật phương tiện và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT, cho biết hiện TP có khoảng 7,45 triệu xe cá nhân, tăng gấp 1,5 lần so với ba năm trước. Với số phương tiện như trên, cộng thêm số phương tiện từ các tỉnh, thành đổ về, mỗi ngày TP có khoảng 10 triệu phương tiện lưu thông.
Trong khi đó, mật độ đường giao thông chỉ đạt 1,9km/km2, thấp hơn quy chuẩn xây dựng VN về quy hoạch xây dựng là 10-13,3km/km2. Mỗi ngày công an TP tiếp nhận đăng ký mới 150 ôtô, 900 xe máy.
Ở khu vực cảng Cát Lái mỗi ngày có 20.000 xe container đi qua, còn ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt ôtô và 500.000 lượt xe hai bánh đi qua.
Nói về hệ thống cảng biển ở TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ban ATGT quốc gia - cho biết điểm đặc biệt nhất của TP so với tất cả các địa phương khác, làm cho tình hình giao thông trở nên phức tạp là hệ thống cảng biển nằm trong đô thị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, đại tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, nói ở khu vực cảng, dù PC67 đã bố trí hàng trăm CSGT phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong, lực lượng địa phương nhưng cũng điều tiết giao thông không xuể.
Số vụ tắc đường tại khu vực trung tâm và các trục giao thông chính ra vào TP gia tăng do số lượng phương tiện giao thông cá nhân hằng năm tăng khoảng 7% nhưng TP chậm có chính sách kiềm chế.
Bên cạnh đó, còn do việc chiếm dụng mặt đường để triển khai thi công các dự án cùng với việc chậm di dời các khu công nghiệp, nhà máy, cảng, bến xe khách liên tỉnh, bệnh viện, trường học... ra khỏi trung tâm TP.
Vậy bài toán về hạ tầng giao thông sẽ được giải quyết như thế nào? Ông Bùi Xuân Cường cho biết hạ tầng giao thông từ năm 2015-2020 cần khoảng 255.000 tỉ đồng để đầu tư, trong khi nguồn vốn ngân sách trung bình chỉ khoảng 10.000-11.000 tỉ đồng.
Điều đó đòi hỏi TP phải có những chính sách phù hợp, không trông chờ vào ngân sách.
“Xây dựng hạ tầng giao thông có ba cái khó. Sợ nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Rồi tới vốn và tổ chức thực hiện quản lý dự án” - ông Cường nói và dẫn ra nhiều bài học về giải phóng mặt bằng.
Chẳng hạn như cầu Rạch Chiếc nhờ công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện quyết liệt đã tiết kiệm được 200 tỉ đồng.
Trong khi nhiều công trình do chậm giải phóng mặt bằng, làm dự án chậm tiến độ, đội vốn... Ngay cả tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ do vướng chuyện giải phóng mặt bằng.
“Làm việc thủ công hoài, cực lắm”
Đó là lời “than thở” của phó giám đốc Công an TP Trần Đức Tài về điều kiện làm việc của lực lượng. Ông nói nhu cầu bức thiết của ngành là có thêm trang thiết bị kỹ thuật để tăng năng lực điều tiết, ngăn chặn vi phạm như cân tải trọng, camera, xe môtô.
“Phương tiện làm việc của công an TP cách đây hơn 10 năm là rất ngon, nhưng hiện giờ còn thua cả Đồng Nai và các tỉnh. Anh em làm việc thủ công hoài, cực lắm.
Camera thì mỗi tổ công tác không đủ một cái. Đó là cái khó về ngân sách, nhưng cái gì đáng thì đầu tư sớm cho anh em làm việc. Chúng tôi chỉ muốn trang bị thêm phương tiện công cụ để làm việc” - ông Tài nói.
Ông Tài còn bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ này TP sẽ làm bằng được trung tâm chỉ huy giao thông TP. Ông cho rằng đó là đề án rất hay, không chỉ phục vụ cho chỉ huy, điều khiển giao thông mà còn phục vụ công tác đảm bảo an ninh an toàn của TP.
Vậy mà nhiều năm qua nói rất nhiều vẫn chưa làm được. Hiện TP mới có 300 camera giao thông kết nối về trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông.
Một nhiệm vụ quan trọng thời gian tới mà Ban ATGT TP đề ra là phải kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường. Bí thư quận, huyện ủy sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Thành ủy nếu trên địa bàn còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.
Đánh giá về tình hình này, ông Bùi Xuân Cường bày tỏ quan ngại về trật tự lòng đường, vỉa hè. Ông cho biết hiện TP có 15 triệu m2 vỉa hè, nếu phát huy được sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông toàn TP.
“Hiện chỉ 9,8% người dân chọn xe buýt, thấp hơn chỉ tiêu, điều đó có trách nhiệm của ngành, nhưng cũng có nguyên nhân là không kết nối giao thông đi bộ được”.
Nói về chuyện tuyên truyền luật an toàn giao thông mà ban bệ nào cũng in tờ bướm rồi thả mà không biết hiệu quả tới đâu, Phó bí thư Thành ủy TP Tất Thành Cang kết luận:
“Đừng xem đây là chuyện của Sở GTVT, của ngành công an mà là của tất cả chúng ta, phải thay đổi đi nếu còn thờ ơ và chưa thấy hết trách nhiệm của từng ngành từng cấp...”.
Không để ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đại tá Trần Thanh Trà, trưởng PC67 Công an TP.HCM, cho biết trong, trước và sau Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT TP sẽ phối hợp với các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát 113 tập trung xử lý những lỗi là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Đồng thời xác định những điểm, tuyến “đen” để bố trí lực lượng điều tiết các phương tiện lưu thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông hay đua xe trên địa bàn TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận