Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc SEA Games 31
Nhiều HLV, chuyên gia, lãnh đạo, phóng viên từ các nước Đông Nam Á đã thể hiện sự đồng tình khi lắng nghe khẩu hiệu mà nước chủ nhà VN đặt ra cho kỳ SEA Games này.
Sau đại dịch, chúng ta cần các giải đấu thể thao để tạo đà trở lại.
Chuyên gia Marko Milic
Đánh dấu sự trở lại
Bà Siritida Choochokkul - một thành viên Ủy ban Olympic Thái Lan - chia sẻ nhiều đội tuyển quốc gia các môn thể thao ở Thái Lan chỉ mới tập luyện trở lại khoảng 4 tháng trước SEA Games 31.
"Ảnh hưởng vì đại dịch của các quốc gia đều như nhau. Chúng tôi biết thể thao VN gặp nhiều khó khăn thời gian qua và chúng tôi cũng vậy.
Thời điểm này năm ngoái, nhiều đội tuyển ở Thái Lan đã tập trung để chuẩn bị cho SEA Games 31, nhưng sau khi có quyết định hoãn đại hội, các đội tuyển lại giải tán. Đó cũng là giai đoạn khó khăn với các VĐV vì nhiều người trong số họ nhiễm COVID-19.
Nhiều tuyển thủ quốc gia Thái Lan đã ở nhà hơn nửa năm sau đó, trước khi tập trung trở lại vào đầu năm nay. Sự chuẩn bị của mỗi môn là khác nhau, điều đó tùy thuộc vào các liên đoàn. Với một số môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn..., họ kêu gọi được tài trợ và có điều kiện đi tập huấn nước ngoài.
Một số môn khác tuy không được như vậy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cử họ tham dự ít nhất một giải đấu quốc tế trước thềm SEA Games", bà Choochokkul cho biết.
Trong khi đó, tổng thư ký Liên đoàn đấu kiếm Malaysia Rusni Binti Abu Hassan than thở rằng việc tập luyện ở Malaysia còn khó khăn gấp bội. Vì quy tắc phòng chống dịch ở quốc gia này, đội đấu kiếm Malaysia chỉ mới tập trung trở lại trong khoảng 1 tháng gần đây.
"SEA Games là một sự kiện lớn, một sự kiện mà chúng ta ai cũng muốn tranh chấp huy chương. Nếu không có SEA Games 31, không biết đến khi nào chúng tôi mới tập luyện trở lại được.
Không riêng gì đấu kiếm, tôi nghĩ hầu hết các môn thể thao đều như vậy. Trước khi mơ đến Asiad, đến Olympic, chúng ta phải thi đấu ở trình độ khu vực mà cụ thể là SEA Games trước đã", bà Hassan nói.
Hiệu ứng ánh sáng tạo rồng bay trên sân vận động trong lễ khai mạc SEA Games 31 tối 12-5- Ảnh: NAM TRẦN
Kỳ đại hội thể thao tạo đà
"Tôi không hiểu vì sao mọi người lại xem thường SEA Games. Cá nhân tôi đến từ một nền thể thao cạnh tranh ở Olympic, nhưng tôi nghĩ trình độ các VĐV ở Sea Games vẫn khá cao" - ông Marko Milic, làm việc cho Ủy ban Olympic Singapore, nói.
Đây là kỳ SEA Games thứ hai của ông Milic kể từ khi ông đến Singapore làm việc cách đây 5 năm. Vị chuyên gia người Serbia cho biết ông không hề xem nhẹ trình độ của các VĐV ở khu vực Đông Nam Á.
"Sau đại dịch, chúng ta cần các giải đấu thể thao để tạo đà trở lại. Nhưng kể cả khi không xuất hiện đại dịch COVID-19, SEA Games vẫn là một sự kiện quan trọng. Các VĐV cần những giải đấu như thế này để phát triển bản thân.
Không thể có chuyện chỉ tham gia Olympic được, vì như vậy mỗi quốc gia nhiều lắm chỉ có một vài VĐV đủ điều kiện thi đấu ở mỗi môn. Do đó SEA Games tạo cơ hội cho những VĐV trẻ, cho những VĐV đủ mọi trình độ... Tất cả các châu lục, các khu vực trên thế giới đều có những kỳ đại hội như thế này", ông Milic nói.
Để ví dụ, ông Milic liệt kê Balkan Games (dành cho khối các nước ở bán đảo Balkan), Bolivarian Games (dành cho các quốc gia Nam Mỹ được liên kết bởi dãy núi Andes) hay Central Asian Games (các nước Trung Á)... Nhiều VĐV đẳng cấp thế giới từng thi đấu ở những kỳ đại hội này, tương tự như SEA Games.
Sau khi VĐV Quách Thị Lan thắp lên đài lửa của đại hội, SEA Games 31 đã chính thức khai mac - Ảnh: NAM TRẦN
Dù bị gắn mác vùng trũng thể thao thế giới, trên thực tế khu vực Đông Nam Á gần đây có rất nhiều ngôi sao đạt đến đẳng cấp Olympic.
Có thể kể ra những cái tên như Joseph Schooling (từng giành HCV Olympic môn bơi lội), Loh Kean Yew (top 10 cầu lông đơn nam), Panipak Wongpattanakit (HCV Olympic môn taekwondo), Hoàng Xuân Vinh (HCV Olympic môn bắn súng) hay kỳ thủ Lê Quang Liêm của VN - với kỳ tích đánh bại vua cờ Magnus Carlsen cách đây không lâu.
Asiad, rồi Olympic, rồi các giải đấu thế giới vẫn luôn ở trước mắt. Nhưng sau 2 năm đình trệ và ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các VĐV trong khu vực cần đến SEA Games để trở lại, vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.
Tại Sea Games lần này, phần lớn những người tham dự khi được Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến đều cho rằng đây là dấu mốc quan trọng để tạo sức bật cho thể thao Đông Nam Á.
Đoàn vận động viên Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc SEA Games 31 tối 12-5 - Ảnh: NAM TRẦN
Cần công bằng với mọi môn thể thao
Nhà báo Nazrin Arif của Cơ quan thông tấn Malaysia cho rằng người hâm mộ không nên xem thường các môn thể thao không thuộc hệ thống Olympic ở SEA Games.
"Tôi không nghĩ rằng có môn thể thao nào quan trọng hơn môn nào. Đồng ý rằng có nhiều môn thể thao giàu sức hút, phổ biến hơn với người dân. Nhưng SEA Games là cơ hội để các môn thể thao truyền thống của mỗi quốc gia được trình diễn. Sự đa dạng là bộ mặt của thể thao, người dân không chỉ chơi mỗi bóng đá hay bơi lội".
Lễ khai mạc nhiều thông điệp ý nghĩa
Với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và những màn trình diễn tuyệt vời, buổi lễ khai mạc SEA Games 31 tối 12-5 đã nhận được nhiều lời khen ngợi.
Nội dung của lễ khai mạc đã thể hiện một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động lớn.
Chương trình không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn thể hiện một tâm thế chủ động hội nhập và sáng tạo, đóng góp và gánh vác cùng cộng đồng quốc tế và "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".
Xuyên suốt buổi lễ khai mạc đã chuyển tải trọn vẹn những thông điệp: Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ và Đông Nam Á tỏa sáng.
Vào thời khắc ngọn lửa thiêng SEA Games 31 được thắp lên cũng là lúc ca khúc chính thức Let’s shine - Cùng tỏa sáng được vang lên trong một màn trình diễn ấn tượng, sôi động của linh vật SEA Games - các chú sao la, mệnh danh là "kỳ lân châu Á".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận