Từ khi có điện lưới quốc gia, nhiều hộ nông dân ở huyện Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình tưới bằng hệ thống tưới phun tự động.
Một nông dân tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn cho biết, so với tưới thủ công, hình thức tưới phun mưa giúp tiết kiệm từ 30% đến 50% lượng nước ngọt, giảm đáng kể thời gian và công lao động.
Bởi bình thường tưới bằng tay cần tới 2 người, mất thời gian mà chi phí lại cao. Hơn nữa, khi tưới tay thì dòng nước phun ra rất mạnh làm thân cây tỏi, hành, dưa hấu vốn mềm nên hay bị dập, gãy, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng.
Khi sử dụng hệ thống tưới phun mưa, tia nước phun ra rất nhẹ và đều khắp nên không gây ảnh hưởng đến thân, lá của cây.
Phun mưa giúp tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước ngọt cần tưới so với cách tưới truyền thống. Đây là giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nguồn nước, bởi nước ngọt ở đảo Lý Sơn vốn rất quý hiếm.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư để xây dựng hệ thống tưới phun là tương đối cao. Theo tính toán, để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho mỗi sào đất (500 m2), cần đầu tư số tiền từ 8-10 triệu đồng, chưa tính kinh phí khoan giếng.
Vụ Đông Xuân 2014-2015, tại đây trồng hơn 330 ha tỏi, năng suất bình quân đạt gần 8 tấn/ha, tăng từ 15% đến 20% so với các năm.
Từ vài mô hình tưới phun ban đầu, đến nay, toàn huyện có trên 1/3 diện tích đất nông nghiệp được lắp đặt hệ thống phun tưới tự động.
UBND huyện Lý Sơn cho biết đang đề nghị tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ nhân rộng việc sử dụng công nghệ này ra toàn huyện để giảm chi phí lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận