Theo chương trình làm việc, sáng nay 27-11, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Trong đó sẽ bàn về các cơ chế riêng, đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 10-11.
Hai thành phố dự kiến thành lập của Hà Nội có thẩm quyền gì?
Có ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện được các chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết theo nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới Hà Nội dự kiến sẽ hình thành 2 thành phố thuộc thành phố.
Một thành phố nằm ở phía Bắc Hà Nội, gồm khu Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh và một thành phố ở phía Tây, gồm khu Xuân Mai, Hòa Lạc.
Để tạo cơ sở pháp lý bước đầu cho các thành phố này khi được thành lập, dự thảo luật đã quy định một số thẩm quyền cụ thể (phân quyền từ thẩm quyền của HĐND, UBND TP) cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Trong đó, là thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Thẩm quyền điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Hai thành phố trực thuộc Hà Nội sắp hình thành được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Hai đơn vị mới khi được thành lập cũng có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Đề xuất cắt điện, nước tại công trình vi phạm
Một số đại biểu băn khoăn về quy định cắt điện, nước công trình vi phạm do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.
Giải trình nội dung này, bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không quá 2 lần và mở rộng phạm vi áp dụng trên địa bàn toàn TP đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.
Như quảng cáo, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, cắt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính.
Các vi phạm hành chính sẽ giảm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, từ đó bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội và tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy.
Báo cáo dẫn số liệu báo cáo đánh giá tác động cho thấy từ năm 2016 đến hết năm 2020, số vụ cháy, nổ tăng 2.526 vụ, tăng 29 người chết, tăng 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản 576 tỉ đồng.
Tính đến ngày 19-4-2023, trên địa bàn Hà Nội còn 2.601 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện, lạm dụng trong áp dụng pháp luật.
Về phát triển nhà ở, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục bám sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật Nhà ở để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với thủ đô đã được xử lý thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô sửa đổi.
Nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Hà Nội thì sẽ quy định tại Luật Thủ đô.
Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những quy định về biện pháp để thành phố có thể thực hiện được nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại cả khu chung cư.
Hoàn thiện các quy định xử lý với những khu nhà ở riêng lẻ không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, về môi trường sống hay phục vụ mục tiêu phân bố lại dân cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận