Ngày 10-11, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội đã đề xuất loạt chính sách đặc thù cho Hà Nội.
Trong đó có đề xuất cơ chế đặc thù về chế độ công vụ, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thủ đô.
Cụ thể cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.
Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Tương tự cơ chế áp dụng cho TP.HCM, dự thảo luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành...
Tổ chức 2 thành phố thuộc thành phố Hà Nội
Về mô hình tổ chức, dự thảo luật đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thủ đô Hà Nội.
Tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỉ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3).
Mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.
Quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền 2 thành phố thuộc Hà Nội. Dự kiến thành lập theo nghị quyết 15 của trung ương tại khu vực phía bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Trong đó thành phố phía bắc rộng khoảng 633km2, dân số 3,25 triệu người; thành phố phía tây rộng 251km2, dân số khoảng 1,2 triệu người.
Với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban đô thị...
Đề xuất cắt cấp điện, nước với công trình vi phạm
Dự luật cũng đề xuất bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.
Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Dự thảo cũng đề xuất quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm.
Cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Trong thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 95 lên 125 người là cần thiết nhằm củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Về chính quyền thành phố mới của Hà Nội, ủy ban nhận thấy theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thành phố thuộc thành phố là đơn vị hành chính đô thị tương đương quận, thị xã thuộc tỉnh.
Do vậy, việc đề xuất tăng cường bộ máy, số lượng đại biểu cho HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội cần căn cứ trên quy mô (diện tích tự nhiên, dân số), khối lượng công việc trên thực tế và quan trọng là vai trò, chức năng và định hướng phát triển lâu dài của các thành phố này.
Tuy nhiên hiện nay Hà Nội chưa có thành phố trực thuộc nào được thành lập, cũng chưa có đề án cụ thể về mô hình phát triển của các thành phố loại này, nên chưa có cơ sở thực tiễn để xem xét, đánh giá về quy mô, tính chất, vai trò của loại đơn vị hành chính này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận